Đề nghị khởi tố chủ đầu tư vi phạm quản lý chung cư

Cập nhật 27/05/2018 09:14

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần nói rõ khi nào thanh tra toàn diện hoạt động Ban quản lý, Ban quản trị nhà chung cư.

Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 25/5, ông Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nêu những bất cập trong quản lý nhà chung cư hiện nay. "Công tác quản lý lỏng lẻo, cơ quan quản lý Nhà nước không làm hết trách nhiệm khiến cư dân bị thua thiệt về tài chính, bị chiếm quỹ bảo trì, chiếm dụng khu vực sử dụng chung", ông Bộ nói, đồng thời đề nghị Bộ Công an xem xét điều tra, khởi tố chủ đầu tư chung cư có hành vi vi phạm theo quy định Bộ luật Hình sự.

Thực trạng quản lý nhà chung cư theo đại biểu An Giang tồn tại nhiều bất cập bởi mặc dù theo quy định chủ sở hữu nhà chung cư là chủ sở hữu các căn hộ chung cư, phần diện tích khác thường là chủ đầu tư.


Ông Nguyễn Mai Bộ - đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang. Ảnh: Quốc hội

Theo đó chủ sở hữu các phần diện tích khác trong khu chung cư thường là chủ đầu tư. Có chủ đầu tư để lại 1-5 tầng làm văn phòng cho thuê nhưng không tổ chức hội nghị cư dân bầu Ban quản trị. Có trường hợp cố tình kéo dài việc thành lập. Chủ đầu tư không đóng 2% trong 1/5 quỹ bảo trì chung cư, sử dụng phần kinh phí này không minh bạch, rõ ràng và cho mình quyềnlàm Ban quản trị chung cư trong khi đã có quy định tại Luật Nhà ở, về việc quản lý vận hành. Về phía cư dân, không biết số tiền của mình bỏ ra khi vào tay Ban quản trị, Ban quản lý "đang đi về đâu".

"Anh chỉ là đối tác hội nghị nhà chung cư nhưng anh lại cho mình quyền của ban quản trị, cả quyền ký hợp đồng bảo trì. Hành vi này cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân theo Bộ luật Hình sự mà hiện nay chưa bị xử lý. Chủ đầu tư sử dụng nhiều diện tích chung kinh doanh nhưng lợi nhuận lại tự tung tự tác", ông Bộ nói.

Điều này theo ông Bộ dẫn đến tình trạng tính mạng người dân sống tại các khu chung cư, toà nhà cao tầng bị đe doạ, bất an do sự xuống cấp của công trình xây dựng, hệ thống thang máy, phương tiện phòng cháy chữa cháy không được đầu tư hoặc đầu tư nhưng không đảm bảo chất lượng…

Vị đại biểu tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ có biện pháp khắc phục chứ cứ thế này thì không biết 5-10 năm nữa chất lượng sống ở nhà chung cư sẽ xuống tới mức nào. Ông cũng chuyển tới Bộ Xây dựng 2 kiến nghị của cử tri: Khi nào bắt đầu thanh tra toàn diện việc hoạt động của ban quản lý nhà chung cư. Và khi nào Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, hoạt động minh bạch, công khai?

Tranh chấp tại chung cư trở thành câu chuyện không mới, nếu trước đây tranh chấp thường xảy ra giữa cư dân với chủ đầu tư, thì gần đây tình trạng "nội chiến" xuất hiện ngày một nhiều khi cư dân và Ban quản trị có sự bất đồng.

Vụ việc điển hình gần đây tại chung cư Văn Phú Victoria (phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội), cư dân "tố" Ban quản trị toà nhà bất minh lạm quyền, sai phạm trong thu chi quỹ bảo trì, để quá hạn thời gian bảo trì thang máy tới 6 tháng... Các hộ dân tại đây nhiều lần yêu cầu tổ chức hội nghị chung cư bất thường để bầu thay thế ban quản trị. Trả lời cư dân, cuối tháng 4/2018, lãnh đạo phường Phú La xác nhận "đã đủ điều kiện tổ chức hội nghị chung cư bất thường”. Song đã hơn một tháng, hội nghị này vẫn chưa được tổ chức.

Ở khía cạnh khác, tại phiên thảo luận sáng nay ông Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) lo ngại về thực tế công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư, gây thiệt hại lớn tài sản, tính mạng người dân.

Ông minh chứng bằng việc dẫn lại số liệu thống kê của cơ quan chức năng và thực tế nhiều vụ cháy nghiêm trọng, như cháy chung cư Carina (TP HCM) làm 13 người chết, vụ cháy tại Cà Mau làm 2 người chết, 4 căn nhà thiêu rụi... Cháy xảy ra tập trung ở thành thị nơi đông dân, như chung cư, nhà xưởng, chợ... gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, sức khoẻ. Năm 2017, cả nước xảy ra hơn 4.100 vụ cháy, thiệt hại trên 2.000 tỷ đồng. Bốn tháng đầu năm 2018 có 1.453 vụ, thiệt hại trên 480 tỷ đồng.

"Nhiều gia đình tang thương có người may mắn sống sót thì chịu đau thương tột cùng do mất nhiều người thân cùng lúc. Người dân khuynh gia bại sản vì lửa", ông xót xa.

Nguyên nhân gây cháy có nhiều, do điện, gas... song quan trọng hơn là ý thức con người. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng (Bộ Công an, Bộ Xây dựng...) rà soát, đánh giá lại hiệu quả biện pháp phòng cháy chữa cháy; công tác thẩm duyệt, thiết kế phương án phòng cháy chữa cháy nhà chung cư.

Ngoài ra, nhà chức trách cũng cần xử nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để các công trình dự án chung cư cao tầng đưa vào sử dụng chưa được phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy, hoặc phương án phê duyệt chỉ mang tính hình thức để quyết toán. Xử lý chủ cơ sở, nhà chung cư không an toàn về phòng cháy chữa cháy. "Chủ cơ sở đã được kiểm tra, yêu cầu khắc phục lỗi trong phòng cháy chữa cháy nhưng chây ỳ không thực hiện, cần lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật", ông đề nghị.


DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress