Đề nghị cho thuê đất theo giá thị trường

Cập nhật 22/12/2008 08:41

Vì sao đất công bị sử dụng lãng phí nhiều năm, tiến độ xử lý lại rất chậm, trách nhiệm thuộc về ai; do giá cho thuê rẻ nên các đơn vị sử dụng không đúng mục đích hoặc bị cá nhân lấn chiếm; giá cho thuê đất công thấp, sao không điều chỉnh cho phù hợp; danh sách các khu đất công vì sao không công khai để người dân giám sát?

PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính về vấn đề này.

Có thể cấp chủ quyền cho nhà trên đất công

* Thưa ông, hiện có quá nhiều kho bãi do trung ương quản lý nhưng sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí. Đến nay, việc xử lý các vấn đề này như thế nào?

Hiện các đơn vị trung ương quản lý gần 2.000 cơ sở đất công trên địa bàn TPHCM. Thế nhưng, một số đơn vị được giao quản lý đã thay đổi chức năng, không sử dụng hoặc cho thuê lại… Chúng tôi đã và đang xúc tiến xử lý những đơn vị lãng phí, sử dụng kho bãi sai mục đích.

Hiện đã hoàn thành việc kê khai hiện trạng, thống kê và duyệt phương án xử lý. Đến nay, chúng tôi đã ra quyết định thu hồi 98 cơ sở, trong đó đã thu hồi được 65 cơ sở để giao cho TP xây dựng các công trình công cộng. Thời gian tới sẽ tiếp tục thu hồi 33 cơ sở còn lại.

Tuy tiến độ xử lý, thu hồi các mặt bằng hơi chậm nhưng đã được sự đồng thuận cao của các cơ quan, đơn vị.

* Nhiều khu đất đã bị các cá nhân lấn chiếm hoặc đơn vị quản lý giao cho cán bộ công nhân viên xây dựng nhà ở. Nhưng trong quyết định thu hồi lại trừ phần diện tích này. Điều này có đồng nghĩa với việc hợp thức hóa cho những nhà đất lấn chiếm đó không, thưa ông?

Nhiều khu đất lớn có hiện trạng đan xen phức tạp: có nhà ở của dân, của cán bộ; có người ở lâu năm, có hộ khẩu, có giấy tờ nhà... Bộ Tài chính đã giao cho UBNDTP xử lý tình trạng này và UBNDTP đã giao cho Sở Xây dựng lập phương án xem xét từng trường hợp cụ thể, trường hợp nào có thể cho tiếp tục ở được thì cho phép họ làm sổ đỏ hoặc mua nhà theo Nghị định 61/CP.

* Vậy trường hợp nào cho phép ở lại, trường hợp nào phải di dời?



Ông Phạm Đình Cường.

Hướng của chúng tôi là nếu những khu đất đã bố trí nhà ở mà nhà ở thành khu riêng biệt thì hợp thức hóa cho dân ở luôn. Còn nếu nhà xen kẽ trong khu đất phải thu hồi thì phải di dời. Khi di dời, TP bố trí tái định cư, tạo điều kiện cho dân ổn định cuộc sống. Chúng tôi đã bàn với lãnh đạo TP sẽ tạo quỹ nhà để tái định cư phục vụ di dời những hộ này.

Điều chỉnh giá cho thuê sẽ chấm dứt lãng phí

* Nhà ở lấn chiếm trong khu đất công ngày một nhiều, nhưng chúng ta lại xử lý quá chậm. Đó có phải là nguyên nhân người dân lấn chiếm đất công ngày một nhiều, thưa ông?

Việc xử lý chậm có nguyên nhân chủ quan là cơ chế quản lý về giá cho thuê thấp, dẫn đến việc các cơ sở nhận thức và hành xử không đúng nên đem đất công cho thuê lại. Thấy được sự lãng phí này nên từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ cho phép làm thí điểm sắp xếp lại nhà đất trên địa bàn TPHCM, khi nào TP làm tốt sẽ triển khai thực hiện trên cả nước.

* Nếu có nguyên nhân giá cho thuê đất công thấp, sao chúng ta không nâng giá đất lên cho công bằng?

Trước kia doanh nghiệp có quyền giao đất trả tiền 1 lần hoặc thuê đất, trả tiền hàng năm. Còn hiện nay, nếu giao đất thì tính theo giá thị trường, còn cho thuê đất thì tính theo khung giá nhà nước mà khung giá nhà nước lại thấp hơn so với giá thị trường.

Do vậy, doanh nghiệp chọn quyền thuê đất, để được áp dụng theo khung giá nhà nước - thấp hơn. Hiện Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ áp dụng giá cho thuê đất theo giá thị trường. Khi đó, DN vẫn được lựa chọn quyền được thuê hay giao mà sẽ không còn sự chênh lệch về giá giữa 2 quyền đấy.

* Nếu việc điều chỉnh giá cho thuê được ban hành, chúng ta cũng “hồi tố” để tạo công bằng cho tất cả các đơn vị mới và cũ?

Có “hồi tố” hay không còn phải cân nhắc. Vì đến giờ có đơn vị thuê đất không trả tiền từng năm mà trả tiền 1 lần nên giá thuê đất là giá trị đầu vào của doanh nghiệp. Nếu “hồi tố” sẽ chuyển giá đất một cách đột ngột, sẽ tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp làm doanh nghiệp gặp khó khăn. Do vậy, chúng tôi đang rất cân nhắc kỹ việc này.

* Thời gian qua báo chí phản ánh rất nhiều vấn đề về việc sử dụng kho bãi lãng phí, thế nhưng khi tiến hành bài viết, chúng tôi luôn gặp khó khăn khi các cơ quan quản lý lấy lý do “tế nhị” thế này, thế nọ để không cung cấp danh sách các khu đất công để báo chí và nhân dân, giám sát. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Theo nhận xét của tôi, thời gian qua, báo chí đã tích cực trong việc phát hiện các vụ việc, các kho bãi sử dụng sai mục đích, lãng phí. Sau các bài báo của các bạn, chúng tôi phải tích cực hơn, nhanh chóng đi kiểm tra ngay.

Còn về danh sách kho bãi, theo tôi không có gì là bí mật hay “tế nhị” cả, ở cơ quan khác thì không biết, riêng đối với chúng tôi, khi các bạn cần, chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ.

* Xin cảm ơn ông!

>TP.HCM: Thu hồi hơn 18.500m2 kho bãi bị bỏ hoang

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng