UBND tỉnh Bình Thuận vừa gửi công văn đến Bộ GTVT đề nghị chỉ đạo chủ đầu tư điều chỉnh hướng tuyến dự án cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết.
Đường cao tốc TP.HCM-Long Thành- Dầu Giây trong tương lai sẽ được kết nối với Phan Thiết, Vĩnh Hảo, Cam Lâm… ẢNH: QUẾ HÀ |
Dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết thiết kế dài 113km với tổng mức đầu tư 19.648 tỉ đồng. Điểm đầu tại Km122 (H.Tuy Phong, Bình Thuận); điểm cuối Km235, giao với đường từ quốc lộ 1 đi Ba Bàu, cũng là điểm cuối dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (xã Hàm Kiệm, H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Nguồn vốn huy động theo hình thức BOT và ngân sách nhà nước hỗ trợ 8.076 tỉ đồng gồm tiền giải phóng mặt bằng và kinh phí xây dựng. Giai đoạn 1 xây đường rộng 17 m cho 4 làn xe (giai đoạn 2 mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe). Đây là một phân đoạn thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Điều chỉnh để phát triển kinh tế
Đối với dự án cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đến nay đã tiến hành tiếp nhận cọc mốc giải phóng mặt bằng, đo đạc địa chính là lập hồ sơ. Đã kiểm kê diện tích đất thu hồi ở H. Hàm Tân và Hàm Thuận Nam. UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ GTVT bổ sung 13 cầu vượt trên tuyến cao tốc đoạn qua 2 huyện này. Dự án này được Bộ GTVT quyết tâm triển khai xây dựng vào năm 2020.
Trong công văn gửi Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị điều chỉnh một số lộ trình. Cụ thể, từ Km 136 đến 152 điều chỉnh tuyến lêch sang trái 200m để tránh kênh thủy lợi và đường đây tải điện 220kv. Tại Km 205- 212, đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh về hướng tây 500m so với phương án cũ nhằm tránh ảnh hưởng đến việc quy hoạch phát triển TT. Ma Lâm và một trại lúa giống của tỉnh Bình Thuận. Tại vị trí Km 166 đến 181, không uốn cong mà có bình diện tuyến thẳng, vừa rút ngắn tuyến vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế xã Phan Thanh và Sông Bình (H.Bắc Bình).
Tại điểm đầu của dự án (H.Tuy Phong), cầu vượt và hầm Núi Vung dài 500m chỉ đáp ứng 2 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp, đề nghị Ban Quản lý dự án 7 yêu cầu đơn vị tư vấn nâng lên thành 6 làn xe. Đối với các cầu dân sinh, tư vấn thiết kế chiều cao 3,5m là không phù hợp mà đề nghị nâng lên 4,5 m để đáp ứng việc vận chuyển của người dân. Còn tại khu vực xã Vĩnh Tân (H. Tuy Phong), đây là khu vực có cảng tổng hợp và các nhà máy nhiệt điện có rất nhiều hàng hóa lưu thông, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo tư vấn mở nút kết nối với cao tốc tại đây. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Bộ GTVT bổ sung đầu tư đoạn tuyến từ các nút giao đến quốc lộ 1 tại các tuyến Liên Hương- Phan Dũng; quốc lộ 1- Phan Sơn; quốc lộ 28 (H.Hàm Thuận Bắc), quốc lộ 28B (H.Bắc Bình) và Vĩnh Tân (H. Tuy Phong).
Sau công văn trên, Văn phòng Bộ GTVT cũng đã thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, cho biết bộ này đã thống nhất điểm đầu tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ là nút kết giao với quốc lộ 1 tại KCN Tuy Phong và Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. Điểm cuối sẽ là nút giao đầu với đoạn cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây. Về hướng tuyến, Bộ GTVT giao cho cho tư vấn xem xét kỹ, cập nhật các quy hoạch, đặc biệt là gần đường sắt và đường dây điện 220kv. Bộ cũng lưu ý đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với Bình Thuận trong việc tìm các mỏ vật liệu xây dựng, đặc biệt là tìm nguồn nước vì đây là khu vực khan hiếm nguồn nước. Trong tháng 5, dự án cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết sẽ được thông qua báo cáo lần kỳ.
Ngày 12.5, Đoàn công tác của Bộ GT-VT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công dẫn đầu vừa đi khảo sát thực tế điểm cuối cao tốc Cam Lâm- Vĩnh Hảo tại xã Vĩnh Hảo H. Tuy Phong (Bình Thuận). Theo đơn vị tư vấn, dự án này dài 105 km (cũng là phân đoạn thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam) qua tỉnh Bình Thuân, Nhinh Thuận và Khánh Hòa. Trong đó đi qua địa phận Bình Thuận dài 12 km và đấu nối với đoạn cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết tại điểm giao xã Vĩnh Hảo (H. Tuy Phong). Dù chỉ dài 12 km, nhưng đoạn cuối của cao tốc Cam Lâm- Vĩnh Hảo có hai vị trí quan trọng là nút giao thông khác mức kết nối và một đường hầm qua núi đá dài hơn 2 km. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công giao cho đơn vị tư vấn xác định chính xác hướng tuyến và đặc biệt là hai nút giao thông quan trọng tại xã Vĩnh Hảo để có cơ sở làm căn cứ cắm mốc tuyến, phối hợp với địa phương đo đạc.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên