Đó là quan điểm của Sở Xây dựng TP.HCM và được lãnh đạo TP đồng tình.
“Người dân mong muốn những trường hợp nhà ở trong quy hoạch đã được cấp phép xây dựng tạm nhưng sau thời gian quy định mà Nhà nước vẫn chưa thực hiện quy hoạch thì được cấp giấy. Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm này vì vừa có lợi cho người dân, Nhà nước cũng dễ quản lý”. Ngày 8-9, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, kiến nghị tại phiên họp Thường trực HĐND TP về công tác cấp giấy chứng nhận (GCN) trên địa bàn TP.
Cả người dân và Nhà nước đều có lợi
Theo ông Tuấn, năm 2014 TP ban hành Quyết định 27 quy định chi tiết một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn TP. Trong đó nêu những trường hợp nhà ở trong quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì được cấp phép xây dựng có thời hạn. Trong vòng năm năm, kể từ ngày công bố công khai quy hoạch hoặc ba năm với những khu vực đã có kế hoạch sử dụng đất hằng năm, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch thì chủ đầu tư không được bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc đã xây mới. Sau thời hạn nêu trên, nếu thực hiện quy hoạch thì Nhà nước bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.
“Từ tháng 8-2014 (thời điểm Quyết định 27 có hiệu lực) đến nay, đã có gần 7.000 giấy phép xây dựng có thời hạn được cấp cho người dân trong khu vực quy hoạch, góp phần giải quyết bức xúc về nhà ở cho dân. “Việc cấp giấy cho các đối tượng nêu trên vừa có lợi cho người dân, Nhà nước cũng dễ dàng quản lý và sau này khi thực hiện dự án, việc bồi thường cũng dễ dàng, thuận lợi hơn” - ông Tuấn phân tích.
Đồng tình, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QK-KT, cho rằng quy hoạch là để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, hiện chính sách nhà đất giữa khu vực quy hoạch và không có quy hoạch còn có độ vênh rất lớn. “Chỉ cách nhau một lằn ranh thôi nhưng người ở trong quy hoạch thì khổ cả đời. Điều đó khiến chúng tôi rất trăn trở. Tôi hoàn toàn đồng tình với đề nghị của anh Tuấn, phải làm sao để xây dựng chính sách đảm bảo hài hòa giữa phát triển bền vững và đảm bảo quyền lợi cho người dân” - ông Toàn cho hay.
Ông Trà Văn Huy ở tổ 38, ấp 1A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nói: Khu này quy hoạch treo đã lâu nên bà con bức xúc vấn đề giấy chủ quyền và hệ thống thoát nước vì phải chịu cảnh ngập sau cơn mưa. (Ảnh chụp chiều 8-9) Ảnh: HTD |
Liên quan đến những trường hợp nhà xây dựng không phép, được tồn tại nhưng không được cấp GCN, ông Tuấn thông tin: Trường hợp này Sở Xây dựng cũng đề nghị Sở QH-KT phối hợp với quận/huyện rà soát quy hoạch. Nếu quy hoạch không khả thi thì cần điều chỉnh lại cho phù hợp. Sau khi điều chỉnh, những trường hợp này có thể xem xét đủ điều kiện cấp giấy.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng kiến nghị của Sở Xây dựng là hợp lý. “Tôi đồng ý với giải trình của hai sở TN&MT và QH-KT, tuy nhiên vấn đề này ngoài thẩm quyền của TP và luật cũng chưa cho phép nên chúng ta phải tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành” - bà Tâm nói.
Còn hơn 109.000 trường hợp chưa được cấp giấy
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, toàn TP hiện còn tồn 88.665 trường hợp chưa được cấp giấy tờ nhà đất. Số này gồm ba nhóm chính: chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004; lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép, sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch; vi phạm luật đất đai và xây dựng chưa được xử lý. Ngoài ra còn gần 21.000 trường hợp đủ điều kiện cấp giấy nhưng người dân không có nhu cầu.
Đáng chú ý là trường hợp mua bán giấy tay chiếm tỉ lệ chưa được cấp giấy cao nhất với gần 37.500 trường hợp. Giám đốc Sở TN&MT lý giải Luật Đất đai 2003 không cho phép cấp giấy với trường hợp này. Tuy nhiên, do nhu cầu nhà ở bức thiết của người dân cộng thêm thiếu sót của cơ quan quản lý các cấp (chậm cấp GCN) nên người dân đã không thể chờ đợi mà tự chọn cách giải quyết bằng mua bán giấy tay.
Trước tình hình trên, Sở TN&MT đã kiến nghị và được Bộ TN&MT chấp thuận cho phép cấp giấy đối với các trường hợp mua bán giấy tay đến thời điểm ngày 1-1-2008, qua đó đã giảm được số lượng tồn đọng. “Để giải quyết dứt điểm các trường hợp mua bán giấy tay còn lại, Sở TN&MT vẫn kiên trì kiến nghị Bộ xem xét giải quyết cấp giấy luôn đến trước ngày 1-7-2014, thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực” - ông Thắng nói.
Nhà đất không phù hợp quy hoạch cũng chiếm tỉ lệ chưa được cấp giấy cao, hơn 17.000 trường hợp. Giám đốc Sở TN&MT kiến nghị cần rà soát toàn bộ quy hoạch trên địa bàn TP. Nếu quy hoạch không khả thi thì điều chỉnh để giải quyết quyền lợi cho dân. “Sở TN&MT đang rà soát các dự án nhà ở. Trong 1.200 dự án đã thu hồi hơn 500 dự án không còn khả năng thực hiện. Sau khi thu hồi đã có khoảng 25.000 trường hợp được cấp giấy tờ nhà đất” - ông Thắng thông tin.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết HĐND đề nghị UBND TP tiếp tục rà soát quy hoạch và dự án treo, nếu thiếu tính khả thi thì phải tiếp tục điều chỉnh. “Thực tế dự án treo vẫn còn nhiều, việc thu hồi hơn 500 dự án là động thái có trách nhiệm của cơ quan chức năng nhưng con số này chưa nhiều. Do đó, phải tiếp tục rà soát và giải quyết không chỉ để đảm bảo quyền lợi cho dân mà còn quản lý tốt nguồn lực đất đai của TP” - bà Tâm nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP