Dự án xây dựng đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài được xác định là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TPHCM, khi hoàn thành sẽ cơ bản giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho khu vực các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức. Vậy vì sao đã qua gần 10 năm mà dự án này vẫn chưa được triển khai?
Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) sẽ được cải thiện nếu đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài sớm được xây dựng. Ảnh: Đức Trí |
Trầy trật tìm vốn
Cách đây hơn 10 năm, ngày 18-1-1997 UBND TPHCM đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ về báo cáo tiền khả thi dự án đường nối sân bay Tân Sơn Nhất - Bình Lợi-Vành đai ngoài, đồng thời xin Thủ tướng cho phép đầu tư dự án theo phương thức BOT với đối tác là Công ty Multi-Usage Holdings Berhad (MUH Malaysia).
Theo Sở Giao thông Công chính (nay là Sở Giao thông Vận tải TPHCM), UBND TPHCM đưa ra phương án đầu tư theo phương thức BOT là vì không có vốn!
Tháng 9-1997, Thủ tướng Chính phủ có công văn chấp thuận cho TPHCM đầu tư xây dựng đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài theo hình thức BOT. Dự án sắp sửa được triển khai thì xảy ra khủng hoảng kinh tế châu Á, nhà đầu tư Malaysia không thể tiếp tục thực hiện dự án. TPHCM đã cố gắng tìm nhà đầu tư khác nhưng không thành công bởi đây là một dự án lớn, không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng thực hiện.
Dự án bị “treo” cho đến năm 2004 thì có nhà đầu tư của Hàn Quốc đến đặt vấn đề. TPHCM đã có đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và chấp thuận cho nhà đầu tư Hàn Quốc là Công ty LG E&C nghiên cứu xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài và TPHCM hoàn vốn bằng cách cho Công ty LG E&C thuê một số khu đất để đầu tư kinh doanh phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Hai tháng sau, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương cho phép UBND TPHCM hợp tác với Công ty LG E&C xây dựng đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài.
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, TPHCM và Công ty LG E&C đã triển khai các thủ tục đầu tư. Nhà đầu tư đã làm thiết kế với tổng kinh phí xây dựng bước đầu là hơn 291 triệu USD. Hiện nhà đầu tư đang tiến hành khoan cọc nhồi cầu để xây dựng cầu Bình Lợi.
Về công tác giải phóng mặt bằng, ở quận Bình Thạnh đã xong 100%; quận Tân Bình đạt gần 75%; quận Thủ Đức đạt gần 38% và quận Gò Vấp đạt hơn 40%.
Để dự án khả thi hơn
Dự án Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài theo chủ trương xây dựng đầu tiên là một tuyến đường rộng khoảng 60m kéo dài từ sân bay Tân Sơn Nhất và nối vào Vành đai ngoài. Đây là phương án lý tưởng cho giao thông và tổ chức không gian đô thị, thế nhưng nói như nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Tấn Mẫn “vấn đề là có lực để làm được điều đó không”.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho biết, chính trong hoàn cảnh này, TPHCM đã buộc phải lựa chọn phương án thực hiện dự án Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài một cách khả thi nhất.
Chấp thuận cho Công ty LG E&C vào đầu tư là lựa chọn đầu tiên. Nhà đầu tư này đã bỏ toàn bộ kinh phí xây dựng và hỗ trợ khoảng 120 triệu USD cho thành phố thực hiện công tác đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, vì TPHCM không có nhiều đất cho nhà đầu tư thuê kinh doanh để “hoàn trả vốn đầu tư” nên cũng không thể yêu cầu nhà đầu tư chi số tiền lớn hơn để xây dựng cả một trục đường rộng 60m như chủ trương ban đầu.
Hơn nữa, ngoài dự án Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài, TPHCM còn rất nhiều công trình khác cần đầu tư nên TPHCM phải để dành “lực” cho những công trình sau. Do vậy, TPHCM buộc phải điều chỉnh lại dự án - đó là sự lựa chọn thứ 2.
Dự án được điều chỉnh theo hướng “tận dụng” hai con đường Bạch Đằng và Hoàng Hà. Theo đó, đoạn đường từ sân bay Tân Sơn Nhất đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn sẽ được tách làm 2 nhánh bám theo 2 con đường nêu trên thay vì làm mới một con đường rộng 60m.
Ưu điểm chính của phương án này là giảm khối lượng giải tỏa. Nếu theo phương án ban đầu, khối lượng nhà dân phải giải tỏa trắng lên tới 259 hộ, nhưng theo phương án điều chỉnh thì chỉ còn 39 hộ. Điều này cực kỳ có ý nghĩa trong bối cảnh TPHCM rất thiếu kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và thiếu đất cho người dân tái định cư như hiện nay.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, hiện nay, ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng các công trình giao thông của thành phố. Do vậy, mỗi khi xem xét đến một dự án, bao giờ nguồn vốn thực hiện cũng được xem xét đầu tiên trên cơ sở hài hòa với các yếu tố khác.
Dư luận cho rằng, tất nhiên sẽ còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục và vốn đầu tư, nhưng dự án Tân Sơn Nhất-Bình Lợi -Vành đai ngoài cần nhanh chóng được triển khai để sớm đưa vào hoạt động, góp phần giảm ách tắc giao thông cho khu vực Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và toàn thành phố nói chung.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng