TPHCM đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị với tổng vốn đầu tư khá lớn. Theo một số doanh nghiệp, chính quyền thành phố cần tạo cơ chế chính sách minh bạch, ổn định, thủ tục đơn giản, thông thoáng, để họ yên tâm đầu tư, đặc biệt các dự án này thường có vòng đời rất dài.
Theo UBND TPHCM, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng của thành phố giai đoạn 2016-2020 lên đến hơn 850.000 tỉ đồng. Ảnh: Văn Nam
|
Nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng
Cuối tuần trước chính quyền TPHCM đã công bố danh mục 126 dự án kêu gọi đầu tư với tổng vốn mỗi dự án từ 500 tỉ đồng trở lên. Phần lớn các dự án thuộc lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, môi trường, giáo dục, y tế; chẳng hạn như dự án làm đường trên cao, nâng cấp sửa chữa các tuyến đường xuống cấp, xây metro, nhà máy xử lý nước thải, cải thiện môi trường nước các lưu vực sông, cải tạo chung cư cũ, di dời nhà ven kênh rạch...
Chủ trương kêu gọi tư nhân tham gia xây dựng các công trình hạ tầng đô thị cho thành phố được đưa ra nhằm san sẻ gánh nặng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Theo số liệu được UBND thành phố thông tin, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng của thành phố giai đoạn 2016-2020 lên đến hơn 850.000 tỉ đồng, trong đó tính riêng các dự án giao thông, môi trường, chống ngập cần hơn 500.000 tỉ đồng. Khả năng ngân sách thành phố chỉ có thể đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đầu tư nói trên, còn lại phải thu hút nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là vốn xã hội hóa theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP).
Nhu cầu đầu tư nói trên trở nên cấp bách khi các hạn chế về điều kiện hạ tầng đô thị ngày càng bộc lộ rõ: kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, cơ sở vật chất giáo dục và y tế thiếu hụt... Cụ thể, thành phố cần phải có thêm nhiều nhà máy xử lý nước thải, di dời hàng chục ngàn nhà ven kênh rạch, xây thêm các tuyến đường trên cao, xây dựng thêm trường học, bệnh viện...
Với chủ trương thu hút nguồn lực xã hội tham gia các dự án PPP, theo ý kiến nhiều doanh nghiệp tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp cuối tuần qua, chính quyền thành phố cần có cơ chế chính sách thông thoáng, quy hoạch ổn định, tạo sự công bằng, minh bạch, thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư dài hạn, đặc biệt với các dự án phát triển hạ tầng như di dời nhà ven kênh rạch, xử lý nước thải, bãi đậu xe... thường có thời gian thu hồi vốn kéo dài nhiều năm.
Tạo cơ chế minh bạch, ổn định
Theo ông Lê Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS), các doanh nghiệp khi tham gia bất kỳ dự án phát triển hạ tầng nào cũng mong muốn kiếm lợi nhuận bên cạnh những đóng góp khác cho xã hội. Như vậy, trong bối cảnh chính quyền thành phố muốn kêu gọi đầu tư nhiều hơn nữa từ các thành phần tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài thì phải có cơ chế đảm bảo tính an toàn cả vòng đời dự án, đảm bảo có lợi nhuận cho họ.
Ông Tuấn cho rằng Nhà nước không nên cạnh tranh với tư nhân ở những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm được. Chẳng hạn như hiện nay, nhiều lòng đường, vỉa hè đang được Nhà nước khai thác cho thuê với giá rẻ để đậu xe, điều này làm các nhà đầu tư bãi đậu xe tư nhân e dè, không dám đầu tư bởi vốn bỏ ra rất lớn mà theo khung phí quy định hiện nay thì sẽ lâu thu hồi vốn. Muốn thu hút tư nhân đầu tư dự án bãi đậu xe thì mức phí đậu xe hãy để thị trường quyết định phù hợp với chi phí đầu tư và tiện ích dịch vụ mang lại.
Hơn 10 năm qua, chính quyền thành phố lên kế hoạch kêu gọi tư nhân xây dựng khoảng 8 bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các dự án bãi đậu xe ngầm nói trên vẫn chưa thể triển khai được. Nêu nguyên nhân chậm triển khai dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám được IUS đề xuất đầu tư vào năm 2008, ông Lê Tuấn nói: “Thủ tục đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm còn rườm rà đến mức độ khi nhà đầu tư hoàn tất xong thủ tục thì cơ hội đầu tư đã mất”.
Một doanh nghiệp tại hội nghị cho rằng thời gian gần đây chính quyền thành phố đã cởi mở rất nhiều khi kêu gọi tư nhân tham gia xây dựng các nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý nước thải bằng hình thức xây dựng - chyển giao (BT) đổi đất lấy hạ tầng thì có thể tính đồng bộ về hiệu quả cả dự án sẽ không cao.
UBND TPHCM cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, chính quyền thành phố sẽ đưa ra một số giải pháp có tính đột phá về cơ chế để phát triển thành phố. Trong đó, có việc đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp song song với nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
|
Ví dụ như sau khi nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải bàn giao cho Nhà nước thì lại thiếu hệ thống thu gom nước thải về nhà máy. Thực tế đã có trường hợp một nhà máy xử lý nước thải được tư nhân bỏ tiền đầu tư xong lại thiếu nước thải để xử lý vì không có hệ thống thu gom nước thải về từ các hộ dân trong lưu vực.
Theo doanh nghiệp nói trên, chính cơ quan nhà nước phải chủ động trong đề xuất chính sách, cơ chế, tạo ra hành lang pháp lý về phương án thu hồi vốn đầu tư để tư nhân có thể tham gia.
Tháo gỡ những vướng mắc
Theo ông Nguyễn Xuân Hàn, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp TPHCM, khi tham gia các dự án xã hội hóa, doanh nghiệp mong muốn các thủ tục hành chính phải minh bạch. Các thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng hoặc các thủ tục hành chính khác nếu quá rườm rà thì nhà đầu tư sẽ nản lòng, dù có công bố danh sách dự án kêu gọi đầu tư dài đến đâu mà không giải quyết khâu thủ tục minh bạch thì dự án cũng sẽ chỉ nằm trên giấy.
“Các doanh nghiệp cần sự minh bạch, công bằng trong chính sách kêu gọi đầu tư vào các dự án hạ tầng tại thành phố. Cơ hội phải chia đều cho tất cả mọi doanh nghiệp mà trong đó thành phố cần ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước nếu đủ điều kiện tham gia”, ông Hàn đề xuất.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố, nhận xét việc tổ chức thực hiện cải thiện môi trường ở một số nơi thời gian qua chưa đạt yêu cầu, trên nhanh dưới chậm, chưa kể đến những đòi hỏi thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều so với khả năng của thành phố.
Ông Phong cam kết chính quyền thành phố tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, đảm bảo sự ổn định, nhất quán trong các cơ chế chính sách đã đề ra, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính quyền thành phố phấn đấu giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục đầu tư so với quy định. Tất cả cơ chế, chính sách đặc thù đang nghiên cứu và triển khai sẽ góp phần làm cho doanh nghiệp lớn mạnh, phát triển bền vững.
“Điều chúng tôi cần nghe nhất chính là những giải pháp, kiến nghị để tháo gỡ những vướng mắc lớn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, khơi thông tiềm năng phát triển của doanh nghiệp”, ông Phong gợi mở về chủ trương của chính quyền thành phố trước gần 300 đại diện các doanh nghiệp dự hội nghị.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG