Để đô thị phát triển bền vững - Cạnh tranh tốt, cuộc sống tốt

Cập nhật 17/05/2010 11:10

Hôm nay 17-5, Hội thảo “Phát triển đô thị bền vững” do 3 TP Hà Nội, Huế, TPHCM tổ chức, được khai mạc tại TPHCM. Cuộc hội thảo vừa có ý nghĩa tăng cường tình đoàn kết giữa 3 TP, vừa là diễn đàn khoa học để các nhà khoa học trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị bền vững có rất nhiều đóng góp thú vị của các chuyên gia, nhà khoa học qua hơn 80 bài tham luận gửi đến ban tổ chức.


Một góc TPHCM hôm nay

3 yếu tố, 2 giải pháp

Giáo sư - tiến sĩ (GS-TS) Nguyễn Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam cho rằng, một đô thị phát triển bền vững phải đảm bảo có 3 yếu tố bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông viện dẫn 4 tiêu chí của một TP phát triển bền vững trong cơ chế thị trường do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra là cạnh tranh tốt, cuộc sống tốt, tài chính lành mạnh và quản lý tốt để phân tích cho nhận định của mình.

Trong đó cạnh tranh tốt, yếu tố rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường; tài chính lành mạnh có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển ổn định và bền vững; quản lý tốt là hoạt động điều hành đô thị hiệu quả với đội ngũ cán bộ có “tâm và có tầm”.

Theo GS-TS Đặng Hùng Võ có 3 vấn đề cốt lõi trong phát triển đô thị hiện đại: một là thể chế về đất đai, bất động sản; hai là cơ chế phát triển hạ tầng kỹ thuật; ba là sự can thiệp bằng chính sách của Nhà nước vào những khu vực cần thiết. Thế nhưng, 3 nội dung này ở nhiều đô thị trên cả nước nói chung lại đang tồn tại khá nhiều bất cập.

GS-TS Đặng Hùng Võ nêu ví dụ, hiện nay cơ chế định giá đất trong giải phóng mặt bằng vẫn chưa được quy định cụ thể, mỗi địa phương đều có trình tự, thủ tục định giá của riêng mình. Chính điều này dẫn tới nhiều vụ khiếu nại dai dẳng của người có đất bị thu hồi. Do vậy, nhiều nhà đầu tư đang gặp không ít khó khăn khi vấp phải tình huống người bị đền bù đòi giá đất quá cao mà pháp luật hiện hành chưa có thủ tục nào để xử lý các tình huống này.

Ngược lại cũng có không ít trường hợp người có nhà đất bị thu hồi rất thiệt thòi vì giá đền bù quá thấp, trong khi nhà đầu tư “bán lại” với giá rất cao ngay trước mắt họ! Vì vậy, giải phóng mặt bằng bất ổn thì câu chuyện đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cũng không suôn sẻ. Và đây chính là lúc Nhà nước cần phải can thiệp bằng các cơ chế chính sách phù hợp để việc đền bù giải phóng mặt bằng vừa có kết quả tốt, vừa đạt được sự đồng thuận của người dân.

GS-TS Đặng Hùng Võ đề xuất 2 giải pháp có thể áp dụng tại nước ta: chia sẻ lợi ích và góp đất, điều chỉnh lại đất đai. Việc chia sẻ lợi ích có thể bằng tiền hoặc các lợi ích khác không bằng tiền. Lợi ích bằng tiền có thể là các khoản bồi thường thêm cho dân, thiết lập các quỹ phát triển vùng dài hạn, hay xây dựng mối quan hệ đối tác giữa nhà đầu tư và cộng đồng để chia sẻ những lợi nhuận lâu dài thu được từ dự án.

Chia sẻ lợi ích không bằng tiền có thể được thực hiện dưới hình thức khôi phục sinh kế cho cộng đồng, xây dựng hạ tầng xã hội như nhà cửa, trường học, bệnh viện… Góp đất và điều chỉnh lại đất đai là hình thức các khu đất nông nghiệp được thu hồi và sau khi được chuyến đổi thành vùng đô thị sẽ được phân chia phù hợp để bồi thường cho những người bị thiệt hại.

Thu hút vốn đầu tư phát triển đô thị


Góp ý riêng trong lĩnh vực thu hút vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, TS Vương Đức Hoàng Quân, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM đề nghị hình thức “chứng khoán hóa”. Hình thức này được mô tả như sau: chính quyền sẽ hình thành một công ty dự án và xác định vốn đầu tư cho dự án. Sau đó chính quyền sẽ giao cho một đơn vị đại diện phát hành trái phiếu chuyển đổi. Số lượng trái phiếu phát hành đủ để tạo nguồn vốn cho đầu tư dự án.

Trong thời gian triển khai dự án, các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu chuyển đổi sẽ được chính quyền trả lãi. Lãi suất sẽ được tính toán để đảm bảo khả năng chi trả của ngân sách và hiệu quả của dự án. Lãi suất này sẽ được thông báo cho nhà đầu tư ngay khi phát hành trái phiếu để nhà đầu tư có đủ thông tin quyết định số lượng trái phiếu sẽ mua.

Đây là hình thức đầu tư không mới, chính quyền TPHCM đã từng nghiên cứu áp dụng nhưng chưa được triển khai rộng rãi, chưa thực sự thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong đại bộ phận người dân.

Th.S Đoàn Kim Thành tại Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất thêm một giải pháp tạo vốn bằng cách khai thác quỹ đất 2 bên đường. Đó là, thay vì giải tỏa theo ranh giới của dự án thì mở rộng thêm ranh đất ở 2 bên đường. Phần đất này sẽ được đưa ra đấu giá để không những hoàn vốn đầu tư mà còn giúp giải quyết triệt để tình trạng nhà siêu mỏng và không rõ hình thù đang làm xấu đi bộ mặt kiến trúc của TP.

TPHCM đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị đến 2025 và nhiều quy hoạch chuyên ngành khác như quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến 2020, quy hoạch thoát nước, quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm… TPHCM hiện đang nghiên cứu xây dựng quy hoạch khu trung tâm, đô thị cảng Hiệp Phước, đô thị Tây Bắc Củ Chi…

TPHCM trong giai đoạn 2006 - 2010 đã hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển nhà ở. Hiện nay bình quân mỗi người dân đã có 14m² nhà ở.

TPHCM đã hoàn thành nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng như cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, một phần đại lộ Đông-Tây, đường Vành đai 2…


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng