Để chung cư tái định cư thực là chỗ an cư

Cập nhật 27/04/2016 10:07

Một thực tế đang diễn ra, dù nhiều chung cư TĐC trên địa bàn đã xây dựng hoàn thiện và bàn giao khá lâu, nhưng đến nay số lượng người dân, hộ gia đình chuyển đến sinh sống, gắn bó với nơi ở mới này rất ít.

Việc xây dựng, phát triển chung cư TĐC là chủ trương, chính sách lớn của TP. HCM nhằm phục vụ mục đích di dời, ổn định cuộc sống của người dân đến nơi ở mới đúng theo quy hoạch.

Vì vậy, trong những năm qua, thành phố đã đưa ra chính sách và quỹ đất lớn dành cho việc xây dựng nhà tái định cư (TĐC), hướng đến năm 2020 sẽ xây dựng thêm hàng loạt những dự án mới nhằm ổn định chỗ ở cho hơn 20.000 hộ dân trong diện giải tỏa từ các dự án chung cư cũ tại khu vực trung tâm, hoặc nằm trong các dự án trọng điểm của thành phố sắp triển khai…

Nhiều chung cư TĐC trên địa bàn đã xây dựng hoàn thiện và bàn giao khá lâu, nhưng đến nay số lượng người dân, hộ gia đình chuyển đến sinh sống rất ít

Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra, dù nhiều chung cư TĐC trên địa bàn đã xây dựng hoàn thiện và bàn giao khá lâu, nhưng đến nay số lượng người dân, hộ gia đình chuyển đến sinh sống, gắn bó với nơi ở mới này rất ít. Trong đó, có những chung cư TĐC sau nhiều năm đưa vào sử dụng, tỷ lệ lấp đầy chỉ vào khoảng 20  - 30%, khiến công trình xuống cấp nhanh chóng.

Điển hình, phải kể đến chung cư TĐC Vĩnh Lộc B (H. Bình Chánh) với số vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, chủ yếu phục vụ cho những hộ dân sống ven kênh Lò Gốm (Quận 6) thuộc diện di dời cho mục đích cải tạo của thành phố.

Theo đơn vị thi công xây dựng, đồng thời quản lý dự án là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Bình Chánh, quy mô của dự án bán bao gồm 22 lô, đã được hoàn thành từ năm 2010, nhưng đến nay số lượng người dân nhận nhà và dọn về sống rất ít. Lô nhiều thì hơn 100 hộ gia đình tới sinh sống, lô ít mới chỉ lác đác vài ba hộ dọn đến ở.

Theo tìm hiểu của phóng viên Thời báo Ngân hàng, sở dĩ có tình trạng này là do phần lớn người dân thuộc diện phải di dời đến ở tại các chung cư TĐC đều là người có thu nhập thấp, sống bằng nghề buôn bán tự do, lao động làm thuê, thường phải bám trụ tại nơi trung tâm nội thị đông đúc. Vậy nên khi buộc phải di dời về nơi ở mới cách xa những địa bàn làm ăn quen thuộc trước đây cả chục km, không có phương tiện di chuyển nên người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, đối với một số khu nhà TĐC ở gần hơn, như chung cư TĐC Tân Hưng (đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7), chung cư 481 Bến ba Đình (Quận 8), chung cư Bắc Rạch Chiếc (Phước Long A, Quận 9)... tình trạng thưa vắng người đến ở cũng không mấy cải thiện hơn. Những người dân đã dọn đến đây sinh sống cho biết, những khó khăn, trở ngại trong sinh hoạt, mưu sinh khiến các chung cư TĐC chưa thực sự trở thành nơi an cư của người dân.

Có những chung cư kết nối hạ tầng thiếu đồng bộ, chất lượng công trình mau xuống cấp, lại có khu nhà mới xây dựng, cao tầng nhưng không có thang máy, hay hệ thống nước sạch không có... nên người dân khó lòng gắn bó, yên tâm ổn định cuộc sống.

Mới đây, tại cuộc họp báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành xây dựng quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2016, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM đã cho biết về công tác phát triển nhà ở tái định cư của thành phố.

Theo đó, thành phố đã nghiệm thu, bàn giao thêm 2.076 căn hộ TĐC tại khu vực Quận 2; Đồng thời tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong quá trình thi công để sớm bàn giao cho người dân đến sinh sống.

Riêng tại khu đô thị Thủ Thiêm, thành phố có chương trình đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ TĐC. Theo ông Tuấn, việc xây dựng nhà ở TĐC đã góp phần cải thiện cuộc sống của người dân, và trong suốt 20 năm qua, TP. HCM đã di dời và tổ chức TĐC cho khoảng 36.000 hộ dân.

Tất cả những con số trên đều được nêu trong báo cáo khá rõ ràng nhưng nói như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM  (Horea), cần phải làm ngay một cuộc khảo sát xã hội học với những người dân TĐC, để nghe nguyện vọng của người dân xem họ cần gì và mong muốn điều gì. Phải xác định rằng, người dân cần cuộc sống với sinh kế lâu dài, cần nơi con cái họ có được chỗ học hành, đi lại thuận tiện hơn.

Thậm chí, việc thay đổi chỗ ở cũng còn nảy sinh vấn đề tâm lý, thói quen sinh hoạt, môi trường sống xung quanh... Có như vậy, chính sách mới đi vào đời sống, và những khoản đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng chung cư TĐC theo chủ trương đúng đắn của Nhà nước, của thành phố mới phát huy được tác dụng và người dân mới được thụ hưởng một cách hiệu quả nhất.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng