Nông dân còn được hưởng trợ cấp trong thời gian chưa có cổ tức.
Viện Kinh tế TP.HCM vừa mới báo cáo UBND TP đề án “Nông dân góp vốn bằng tiền bồi thường giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) trong dự án Khu đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước”. Đây là dự án thí điểm đầu tiên thực hiện chính sách cho nông dân góp vốn bằng giá trị tiền bồi thường. Mô hình này sẽ giải được bài toán nông dân mất đất, thất nghiệp phải di cư ra thành thị kiếm sống như thực tế ở nhiều địa phương hiện nay.
Nông dân được hưởng lợi lâu dài
Khu đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước nằm ở xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) với diện tích 2.600 ha. Trong đó có gần 1.800 ha đất nông nghiệp với gần 1.900 hộ dân sinh sống. Về cơ bản, các chính sách bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất vẫn dựa trên các quy định hiện hành. Điều khác biệt là thay vì giao một cục tiền bồi thường để người dân tự do sử dụng thì nhà nước khuyến khích người dân dùng chính số tiền này mua cổ phần trong khu đô thị cảng.
Chủ đầu tư dự án sẽ lập Công ty cổ phần Xây dựng kinh doanh Khu đô thị cảng Hiệp Phước (HPC) để thực hiện bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho người bị thu hồi đất. HPC sẽ đứng ra huy động vốn góp từ tiền bồi thường đất của nông dân. Dự kiến HPC có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, trong đó nông dân được góp 30% và được góp vốn ngay sau khi HPC thành lập.
Theo đề án, người có “giấy đỏ” tại khu vực dự án sẽ được góp vốn bằng tiền bồi thường giá trị QSDĐ thông qua việc mua cổ phần bằng mệnh giá của công ty khai thác dự án này. Tổng giá trị các cổ phần mua tối đa bằng tổng số tiền bồi thường đất mà người đó nhận được.
Nông dân được hưởng cổ tức như những cổ phần phổ thông khác, ngoài ra còn được hưởng trợ cấp khi công ty chưa có cổ tức. Nếu công ty làm ăn thua lỗ, nông dân muốn bán cổ phần sẽ được mua lại với giá tối thiểu bằng mệnh giá. Công ty sẽ lập một quỹ dự phòng và được phong tỏa tại ngân hàng để bảo đảm thực hiện ưu đãi này cho nông dân góp vốn. Những cổ đông nông dân này còn được thế chấp cổ phiếu để vay vốn tại các ngân hàng. Trong thời gian thế chấp cổ phiếu, họ vẫn được hưởng các chính sách trợ cấp.
Vẫn băn khoăn việc giữ chân nông dân
Ông Đào Anh Kiệt, Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, cho rằng khi thực hiện đề án này, nông dân bị thu hồi đất sẽ không rơi vào tình trạng không có cơ sở làm ăn, đồng thời họ sẽ được hưởng lợi từ chính mảnh đất của mình bị giải tỏa. “Tuy nhiên, đề án chưa đặt ra trường hợp nếu nông dân không chịu góp vốn thì giải quyết thế nào, những người đầu cơ đất có được góp vốn hay không” - ông Kiệt nói.
Trước đó, trong hội thảo góp ý xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi vào đầu tháng 5, ông Phan Anh Dũng Quốc Huân, Phó Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam, cũng ủng hộ cách làm này. Theo ông Huân, số tiền bồi thường khi thu hồi đất của người dân trong các dự án rất lớn. Khi giao cho người dân tự sử dụng, nguồn tiền này khó được quản lý có ích và rất lãng phí khi không đưa khoản tiền này đầu tư lại vào các dự án kinh tế.
Ông Đào Anh Kiệt đề xuất nên nới rộng các điều kiện mua cổ phần và tăng thêm ưu đãi để thu hút nông dân tham gia mua cổ phần nhiều hơn. Nông dân vốn chưa quen với chuyện kinh doanh nên họ chưa tính được cái lợi về lâu dài, sẵn sàng bán giấy tay cổ phiếu vừa có được để cầm đồng tiền cho chắc ăn và để tự do sử dụng.
Ông Huân cũng kiến nghị: “Nhà nước phải bồi thường đất giá cao cho nông dân, khi đó tài sản góp vốn vào công ty đủ lớn để níu chân nông dân. Nguy nhất là ngay sau khi được phép bán cổ phần, người nông dân sẽ ào ạt bán hết để rồi quay lại cuộc sống không đất, không nghề”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (IUSID), cho rằng nên để người dân tham gia góp vốn bằng QSDĐ. Nếu chỉ góp vốn bằng giá trị bồi thường thì người dân cũng không được lợi gì nhiều từ sự phát triển của dự án.
Để nông dân góp vốn tham gia xây dựng chính mảnh đất nhiều đời họ gắn bó cũng chính là để họ được hưởng thành quả của phát triển đô thị. Đây cũng là một giải pháp nhằm cân bằng lợi ích của “ba nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà đầu tư) trong quan hệ thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, làm sao để giữ nhà nông gắn bó với công ty mà họ góp vốn như họ đã từng gắn bó với mảnh đất của mình là chuyện không đơn giản.