Để giải quyết những khó khăn vướng mắc đồng thời tìm biện pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở cho công nhân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, vào ngày 17/10 tới, tại Bình Dương, Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS phối hợp với Bộ Xây dựng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Nhà ở công nhân: Thực trạng và giải pháp”.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa nhiệt tình tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân
|
Trong những năm qua, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Tuy nhiên, đời sống của đại bộ phận công nhân hiện còn nhiều khó khăn.
Một thực tế là hàng vạn công nhân ở các KCN, KCX phải thuê nhà ở trong điều kiện tạm bợ thiếu thốn và không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích như hỗ trợ tiền sử dụng đất, thuế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ hạ tầng ngoài hàng rào.. nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa nhiệt tình tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân.
Hiện tại, khoảng 80 – 90% công nhân đang thuê nhà do người dân tự xây dựng cho thuê ở bên ngoài các khu công nghiệp nhưng các hộ dân xây nhà ở cho công nhân thuê chưa được hưởng các ưu đãi về thuế, về vay vốn ưu đãi, hạ tầng… Đơn cử như Chính phủ đã có chính sách ưu đãi giá điện, nước cho người ở thuê (4 công nhân được tính như một hộ gia đình) nhưng thủ tục đòi hỏi quá cứng nhắc là giấy phép xây dựng, đăng ký kinh doanh nên công nhân thuê vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi này mà phải trả tiền theo lũy tiến.
Ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục phó Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho rằng, cái khó nhất của việc xây nhà cho công nhân tập trung vào hai vấn đề: Thứ nhất là tín dụng, nguồn vốn hạn chế trong khi chủ đầu tư lại gặp nhiều khó khăn. Thứ hai là việc quy hoạch không đồng bộ. Nhiều địa phương chỉ quy hoạch làm khu công nghiệp mà quên mất diện tích đất dành cho xây nhà công nhân.
Ông Ninh cũng nhấn mạnh, còn một thực tế đáng bàn luận là nhà cho công nhân đã được xây nhưng nhiều doanh nghiệp lại cho thuê với giá cao, hoặc quản lý chặt chẽ như: Đóng cửa lúc 10h, không cho nấu ăn.. khiến việc nhà xây xong nhưng không có ai đến ở.
Chính những bất cập trên, BTC kỳ vọng, Hội thảo được tổ chức tại Bình Dương trong thời gian tới sẽ đưa ra các biện pháp khuyến khích bổ sung cơ chế, chính sách hoặc cách làm mới để đẩy nhanh việc xây dựng nhà ở cho công nhân, phấn đấu đến 2015 đạt chỉ tiêu 50% công nhân lao động ở các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN