Đây không phải là thời kinh doanh bất động sản

Cập nhật 31/08/2012 15:45

Trong một hội nghị đầu tư 2012 mới đây được tổ chức ở cả TPHCM lẫn Hà Nội, các chuyên gia cả trong nước và nước ngoài đều đưa ra những nhận định giật mình về thị trường BĐS, ví như trong vòng 2 năm tới, đa số các Cty BĐS sẽ bị phá sản, hay có thể 5 năm nữa thị trường BĐS mới phục hồi... khiến các NĐT hoang mang.

Quả thực, hiện các DN BĐS Việt Nam đã đứng trước những rủi ro lớn. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của các Cty BĐS Việt Nam là 120%, so với mức trung bình 45% của DN cùng nghề trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, hệ số nợ/lợi nhuận trước thuế và lãi vay của một số DN ngành này đã ở mức 10 lần như các DN Phát Đạt, Sacomreal, Quốc Cường Gia Lai, Đầu tư Kinh Bắc...

Trong khi đó, rủi ro phá sản nếu thị trường diễn biến xấu với chỉ số này là khoảng 6 lần. Từ thực trạng này, nhiều chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo: Các DN lỡ dính vào BĐS cần phải rút nhanh ra khỏi thị trường này. Thậm chí, có chuyên gia còn cho rằng, phải giảm giá bán thêm 50% nữa để bằng với mức giá chung của các nước châu Á.

Còn theo ông Townsend – TGĐ CBRE thì để giải phóng hàng tồn, các chủ đầu tư cần phải bán tháo. “Tại Bangkok có nhiều dự án phải treo với thời hạn lên đến 10 năm và các dự án của Việt Nam cũng có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tôi nghĩ rằng cách để chủ đầu tư BĐS thoát nhanh khỏi các dự án là treo biển bán tháo và bán càng nhanh càng tốt”, ông Townsend nói.

Tuy nhiên, không phải dễ dàng để bán tháo. Rất nhiều chủ dự án ở Việt Nam vẫn còn nặng tâm lý “bán là thất bại” hay mất thể diện, nên chưa thực sự thoải mái khi tiếp xúc với các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư hay các đơn vị môi giới. Vì thế, cách cuối cùng để thoát khỏi thị trường hiện nay là không làm gì cả. “Hãy đi du lịch hoặc chơi golf. Thời gian này là không thuận lợi để kinh doanh BĐS và chắc chắn lợi nhuận cũng không còn cao”, ông Townsend bông đùa.

Những nhận định của ông Townsend có chuẩn xác hay không thì còn phải chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, điều ai cũng thấy đây là hệ lụy của một thời giá BĐS bị đẩy cao vô tội vạ cùng chính sách tín dụng quá lỏng lẻo mà giờ những người chưa kịp thoát thân đang là nạn nhân chịu trận chính.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động