Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn Hà Nội, mang lại cơ sở hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại, từ năm 2007 đến nay, thành phố có chủ trương triển khai 27 dự án đầu tư xây dựng cải tạo chợ - trung tâm thương mại (TTTM). Việc đầu tư xây dựng các chợ còn được gắn với mốc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tuy nhiên, đến nay tiến độ triển khai của nhiều dự án còn rất chậm.
Ông Nguyễn Mạnh Hoàng - Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết: 27 dự án đầu tư xây dựng, cải tạo các chợ - TTTM được rải trên địa bàn 6 quận (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Long Biên, Hoàng Mai) và 4 huyện (Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn).
Dự kiến, 27 dự án có tổng mức đầu tư 1.971 tỷ 308 triệu đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 25 tỷ 780,5 triệu đồng, huy động từ các thành phần kinh tế khác 1.945 tỷ 527,5 triệu đồng. Năm 2007, một số dự án chợ - TTTM nằm trong các quận nội thành đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thu hút được đông đảo các doanh nghiệp tham gia, trong đó cao nhất là dự án chợ Châu Long với 35 doanh nghiệp đăng ký đấu thầu.
Riêng ở các dự án thuộc khu vực ngoại thành, sức thu hút nhà đầu tư kém hơn. Hiện nay, UBND các quận, huyện đã thành lập hội đồng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và xây dựng hồ sơ mời thầu nhưng chưa dự án nào tổ chức đấu thầu do còn lúng túng trong các bước triển khai.
Phân tích về việc vì sao các dự án đầu tư xây dựng chợ - TTTM trên địa bàn Hà Nội bị chậm tiến độ so với kế hoạch của thành phố, ông Hoàng cho rằng: quy trình chuẩn bị đầu tư hiện nay còn phức tạp, cần sự phối hợp đồng bộ của các Sở, ngành, thành phố liên quan trong việc cung cấp thông tin, thống nhất trình tự thủ tục và hướng dẫn cụ thể cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án.
Theo quy định của thành phố, sau khi trúng thầu, chủ đầu tư phải lập phương án đền bù, GPMB, kế hoạch xây dựng chợ tạm, bố trí địa điểm tái kinh doanh…, xin ý kiến các hộ kinh doanh, quận/huyện rồi báo cáo lên các cơ quan ban ngành của thành phố thẩm định. Về phương án kiến trúc, “dựa” trên đầu bài của thành phố giao, chủ đầu tư phải xây dựng 2 - 3 phương án thiết kế để các cơ quan chức năng lựa chọn, phê duyệt.
Nhiều khi dự án đã được duyệt rồi, chủ đầu tư lại xin thay đổi chiều cao, tầng hầm, hệ số sử dụng đất… làm cho dự án bị kéo dài, lãng phí nhiều thời gian. Hay ở dự án đầu tư xây dựng chợ - TTTM Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) bị chậm cả năm trời vì đang phải tổ chức đấu thầu lựa chọn lại nhà đầu tư.
Thành phố đã hủy kết quả đấu thầu cũ của Liên danh MEDIAWILL - Công ty TNHH nhà nước 1 thành viên đầu tư và xây lắp thương mại 36 - Công ty TNHH GOLDEN BRIDGE do các bên trong liên danh đã không thống nhất được tỷ lệ góp vốn và không thực hiện được nghĩa vụ tài chính với thành phố như quy định.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong việc đầu tư xây dựng chợ - TTTM trên địa bàn Hà Nội chính là nhận thức chưa đầy đủ của các hộ kinh doanh tại các chợ đang chuẩn bị được đầu tư xây dựng. Cụ thể như việc xây dựng lại chợ Hàng Da, quận Hoàn Kiếm đã không nhận được sự đồng thuận cao của các hộ kinh doanh ở đây.
Nguyên do là một số bà con không đồng ý với việc kêu gọi doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng chợ; yêu cầu được cùng đóng góp vốn với Nhà nước để xây dựng và đề nghị Nhà nước vẫn trực tiếp quản lý chợ (cụ thể là giao cho BQL chợ hiện nay). Bà con cũng không đồng ý xây dựng chợ cao tầng, hiện đại, mà xây dựng chợ dân sinh thấp tầng để việc kinh doanh vẫn được thực hiện như hiện nay. Các hộ kinh doanh cũng kiến nghị phương án giá cho thuê ki ốt, quầy, sạp của chủ đầu tư còn cao, thời gian điều chỉnh giá thuê nhanh, gây khó khăn cho bà con…
Trao đổi với PV Báo giới, bà Lê Thị Minh Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: trước những khó khăn, phức tạp trong việc đầu tư xây dựng lại chợ Hàng Da, UBND quận Hoàn Kiếm cùng các cơ quan chức năng đã “vào cuộc” rất quyết liệt, tuyên truyền vận động bà con kinh doanh hiểu được chủ trương đúng đắn của thành phố trong việc cần phải đầu tư xây dựng lại chợ Hàng Da cũ.
Chợ đã hoạt động trên 20 năm, đến nay đã xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, không đảm bảo tiêu chí về văn minh thương mại, hiệu quả kinh doanh thấp. Hơn nữa, quận đã “thuyết phục” được chủ đầu tư giảm 30% giá cho thuê quầy, sạp (dự kiến thực hiện vào năm 2010, khi chợ đã đi vào hoạt động) để nâng cao quyền lợi cho bà con.
Quận Hoàn Kiếm cũng vừa tiến hành triển khai xây dựng chợ tạm Phùng Hưng, với kinh phí hơn 5 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng hơn 2 tháng tới. Theo quyết định ban đầu của thành phố, chợ Hàng Da sẽ khởi công vào tháng 10/2007, nhưng vì một số khó khăn trên, việc triển khai xây dựng chợ đã bị kéo dài.
“Với tinh thần thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa được lợi ích của 3 nhà: nhà nước - nhân dân và chủ đầu tư, chúng tôi quyết tâm đến cuối quý II/2008 sẽ bàn giao được mặt bằng cho chủ đầu tư là Liên danh Công ty CP xây dựng Sông Hồng và Công ty CP Nhất Nam để triển khai xây dựng lại chợ Hàng Da” - Bà Nguyệt khẳng định.
Đứng ở bình diện chung của toàn thành phố, theo ông Hoàng, trong năm 2008, để công tác đầu tư xây dựng và chuyển đổi mô hình chợ đạt kết quả, hướng tới Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Sở Thương mại cũng đang đẩy nhanh tiến độ và phối hợp chặt chẽ với các Sở ngành, UBND các quận huyện hoàn thành dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cải tạo và phát triển mạng lưới chợ gắn với TTTM, siêu thị trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để làm cơ sở triển khai công tác đầu tư xây dựng mạng lưới chợ trên địa bàn.
Trong năm 2008, sẽ nỗ lực thực hiện đúng tiến độ 27 dự án đầu tư xây dựng chợ - TTTM, bao gồm 5 dự án chuyển tiếp từ 2007, 9 dự án khởi công 2008 và 13 dự án đấu thầu đủ các điều kiện để khởi công trong năm 2008. Đó là các dự án chợ: Hàng Da, Cửa Nam, 19 - 12 (quận Hoàn Kiếm), Xuân La (quận Tây Hồ), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Việt Hưng (quận Long Biên), Mơ, Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), Ngã Tư Sở... Sở Thương mại khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại: chợ, TTTM, siêu thị đi đôi với việc xoá bỏ các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, “mấu chốt” để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án là UBND thành phố, UBND các quận huyện, các sở ngành phải tập trung xử lý nhanh, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong từng dự án; Các chủ đầu tư phải chủ động triển khai các thủ tục, công khai minh bạch phương án đầu tư xây dựng, tổ chức sắp xếp hợp lý các hộ kinh doanh cũ tại chợ, tạo sự đồng thuận và sớm triển khai các dự án.