Bất động sản (BĐS) đang là lĩnh vực “hot” nhất hiện nay, khác hẳn với tình trạng ảm đạm 2 năm trước đó.
Đầu tư vào lĩnh vực này năm 2007 đã có sự bứt phá ngoạn mục với tổng vốn cam kết lên tới 5 tỷ USD, chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. BĐS đứng vị trí thứ 2 trong danh sách các lĩnh vực thu hút nhiều nhất vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2007, sau công nghiệp (khoảng 9 tỷ USD). Hai thành phố được “đổ” vốn và dự án nhiều nhất vẫn là Hà Nội và TP.HCM, tiếp đó là đến Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết và Mũi Né.
Tại Hà Nội, nổi bật là dự án Hanoi Landmark Tower của Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD, dự án khách sạn cao cấp của Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) trị giá 500 triệu USD, khách sạn 5 sao của Tập đoàn Chamrvit (Hàn Quốc) có vốn đầu tư 80 triệu USD. Ngoài ra, dự án cải tạo Công viên Yên Sở thành khu vui chơi giải trí hiện đại do Tập đoàn Gamuda Land (Malaysia) làm chủ đầu tư cũng đang tiếp tục quy hoạch mở rộng với số vốn đầu tư dự kiến lên đến gần 2 tỷ USD.
Tại TP.HCM, ngay từ đầu năm, Tập đoàn Kumho Asiana của Hàn Quốc đã tái khởi động dự án địa ốc khổng lồ - tòa nhà Asiana Plaza với khu cao ốc cao 32 tầng và khu căn hộ cho thuê cao 21 tầng, sau một thời gian tạm ngưng do những khúc mắc về thủ tục. Đó là chưa kể hàng loạt dự án lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước như Avalon Saigon Apartments, Bến Thành AA Residential, Bình Phước Apartments Complex, Hùng Vương Palaza, Indochine Park Tower, tạo nên một thị trường BĐS sôi động.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường BĐS “nóng” lên một phần là do Luật Đất đai có hiệu lực từ tháng 7/2006 và Luật Giao dịch BĐS từ tháng 1/2007. Hơn nữa, Nghị định 84 có hiệu lực từ tháng 5 cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thể thuê đất 70 năm thay vì 50 năm như trước đây. Ngoài ra, phải kể đến các nguyên nhân khác như tăng trưởng kinh tế, FDI tăng, Việt Nam là thành viên WTO, nhu cầu thuê văn phòng ngày một lớn...
Về phía nhà đầu tư, năm 2007 Việt Nam đã là sự lựa chọn của hàng chục đoàn DN từ Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Ấn Độ. Điều này minh chứng cho tiềm năng và sức hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam, như nhiều công ty kinh doanh BĐS nước ngoài từng đánh giá.
Điểm nổi bật là thị trường BĐS Việt Nam không chỉ được các công ty nước ngoài chuyên hoạt động trong lĩnh vực này quan tâm mà còn được nhiều tập đoàn đang hoạt động ở lĩnh vực khác để mắt tới. Tập đoàn TATA của Ấn Độ, vốn nổi danh khá lâu tại Việt Nam với các dự án đào tạo công nghệ thông tin, mới đây cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về kế hoạch đầu tư vào một số dự án cao ốc, văn phòng cho thuê ở khu vực Thủ Thiêm.
Lý giải về những điều này, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Đỗ Thị Loan cho biết, tại các quốc gia phát triển việc đầu tư vào BĐS rất khó khăn vì hạ tầng của họ khá đầy đủ, trong khi Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của tiến trình đô thị hóa, dân số tại các thành phố lớn lại tăng nhanh, nên nhu cầu về nhà ở, văn phòng làm việc, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, khách sạn rất cao. Đây là cơ hội để các công ty nước ngoài có thể tập trung khai thác.
Tuy nhiên, trên thực tế đang tồn tại nghịch lý, giá cả BĐS quá cao so với thu nhập của người dân và mức độ phát triển của nền kinh tế. Tình trạng đầu cơ nhà đất, kích cầu ảo để nâng giá BĐS, tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định, mua bán trao tay và xây dựng tự phát.. vẫn tồn tại gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động đầu tư cũng như quản lý, phát triển theo quy hoạch, giảm nguồn thu cho ngân sách, gây tác động xấu tới tâm lý và đời sống xã hội và làm thị trường phát triển thiếu bền vững.
Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc triển khai các cơ chế chính sách cho phù hợp, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Xây dựng lập đề án thành lập tập đoàn phát triển nhà và đô thị với nhiệm vụ chính là tham gia điều tiết thị trường BĐS.
Chính phủ cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn công tác dự báo thị trường, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án và kiểm soát các cam kết của nhà đầu tư, nhằm giữ cân bằng cung cầu trên thị trường.
Theo VENO