Trong 3 kênh đầu tư phổ biến của các nhà đầu tư cá nhân: vàng, chứng khoán, bất động sản thì kênh nào được xem là lựa chọn tốt nhất thực sự không dễ dàng trong thời điểm hiện tại. Bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, chứng khoán đang chịu tác động lớn từ suy thoái kinh tế, vàng chịu biến động mạnh.
Vàng: Đầu tư mạo hiểm
Bản báo cáo “Tổng hợp tình hình tài chính, tiền tệ trong nước và thế giới 9 tháng 2012 - những tác động ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng” của Bộ Công Thương vừa công bố cho rằng thị trường vàng cuối năm sẽ “khó tránh khỏi những thời điểm biến động đột biến”. Theo báo cáo này, giá vàng trong nước 3 tháng cuối năm sẽ chịu tác động của bốn yếu tố chính. Thứ nhất, giá vàng thế giới trong 3 tháng cuối năm sẽ có xu hướng tăng trước việc các nền kinh tế lớn liên tục bơm tiền để kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Việc tăng nhiều hay ít của giá vàng thế giới sẽ phục thuộc rất lớn vào hiệu quả của các gói và các chính sách kích thích kinh tế mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) vừa đưa ra trong tháng 9-2012. Thứ hai, lạm phát 3 tháng cuối năm sẽ có xu hướng tăng.
Thứ ba, hệ thống ngân hàng thương mại trong 3 tháng cuối năm sẽ tiếp tục đối mặt với hoạt động tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ và việc xử lý nợ xấu. Do đó, giá vàng trong nước 3 tháng cuối năm sẽ khó tránh khỏi những thời điểm biến động đột biến. Tuy nhiên do Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì việc quản lý chặt chẽ thị trường vàng trong đó tiếp tục hạn chế hoạt động huy động và cho vay vàng sẽ khiến giá vàng trong nước khó tăng mạnh trong những tháng tới. “Giá vàng trong nước 3 tháng cuối năm sẽ tăng nhưng khó tăng mạnh, dự báo dao động trong khoảng từ 47-48 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên giá vàng trong nước cuối tháng 9 vẫn cao hơn giá vàng thế giới 3 triệu đồng/lượng. Thêm vào đó, giá vàng trong nước mang tính đầu cơ cao nên bản thân các nhà đầu tư nhỏ lẻ khó dự báo được. Vì vậy đầu tư vàng vẫn được xem là kênh đầu tư mạo hiểm.
BĐS: không có cơ hội kiếm lời
Thị trường bất động sản vẫn chưa thể khởi sắc trong năm nay khi nền kinh tế vẫn còn khó khăn. Hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản lúc này chính là nhu cầu vốn và nhu cầu thị trường sụt giảm. Theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, bất động sản là ngành không được khuyến khích cho vay vốn trong năm 2012. Ngân hàng cũng “ngại” giải ngân những khoản vay này do thị trường bất động sản đang trong thời kỳ ảm đạm và đang tiếp tục giảm sút mạnh. Giá bất động sản sẽ tiếp tục giảm trong nhiều phân khúc đất nền và căn hộ trong những tháng cuối năm. Do đó, sẽ không có cơ hội đầu tư kiếm lời trong năm 2012 và các doanh nghiệp đầu tư bất động sản tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2012. Tuy nhiên, với khả năng ổn định kinh tế vĩ mô vào cuối năm 2012 và mức độ giảm sâu bất động sản, chủ đầu tư buộc phải bán trả nợ ngân hàng nên có thể sẽ xuất hiện cơ hội mua bất động sản giá rẻ để kiếm lợi nhuận trong 1-2 năm sau.
Chứng khoán: Vẫn thiếu sức hấp dẫn
Theo TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, trong những tháng cuối năm 2012, nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ có nhiều động lực tăng trở lại song vẫn gặp một số hạn chế như: Các cổ phiếu ngân hàng sau một thời gian tăng khá mạnh đã bớt hấp dẫn và không có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có khả năng tăng trưởng lợi nhuận mạnh. Vì vậy vẫn thiếu sức hấp dẫn của các cổ phiếu lớn và chưa thu hút được các nhà đầu tư mới tham gia.
Bên cạnh đó, dù kinh tế đã có sự ổn định và khởi sắc rõ rệt nhưng chưa thật sự tăng trưởng tốt để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn của nhà đầu tư trong nước vẫn còn hạn chế do vẫn bị kẹt trong đầu tư bất động sản và Chính phủ vẫn thận trọng trong việc cung tiền. Điều đó khiến nguồn vốn vào thị trường chứng khoán chưa thực sự vững chắc. Do đó, thị trường chứng khoán sẽ khó có sự tăng mạnh để vượt qua mức 500 điểm. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ xoay quanh mức 450 điểm vào cuối năm 2012.
Ưu tiên gửi tiết kiệm
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng ở thời điểm hiện tại, khi kinh tế còn nhiều bất ổn thì các nhà đầu tư nên tính chuyện bảo toàn vốn hơn là tìm kiếm kênh đầu tư có lợi nhuận cao. Giữ ngoại tệ và gửi tiết kiệm có thể được xem là kênh bảo toàn vốn tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện rõ quyết tâm giữ vững tỉ giá đồng USD biến động không quá 3% trong năm nay thì USD không phải là lựa chọn của nhiều người. Trong khi đó, với lãi suất gửi tiết kiệm ngắn hạn 9%/năm và nếu kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có mức lãi suất 11 - 12%/năm thì nhiều người sẽ chọn kênh gửi tiền ngân hàng. Mức lãi suất này nếu so với lạm phát kỳ vọng cả năm nay là 7% thì sẽ đủ để bù vào mức trượt giá của tiền đồng Việt Nam. Tuy nhiên khách hàng nên lựa chọn ngân hàng có tiềm lực mạnh để gửi tiền, không nên tham lãi suất cao, gửi tiền vào các ngân hàng quá yếu kém. Với những nhà đầu tư có số tiền lớn, trên 500 triệu, các chuyên gia cũng có lời khuyên nên tạm thời chia làm 2-3 kênh, tránh “bỏ cả trứng vào một giỏ”. Đó là cách bảo toàn vốn tốt nhất trong tình hình hiện tại. Nếu phải đưa ra công thức chung, thì 50% đưa vào ngân hàng, còn 50% sẽ rình rập các cơ hội ở các kênh đầu tư khác.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô