Ngày 23-2, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Trung tâm tài chính Việt Nam cho Công ty Jerjaya Leisure (Cayman), thuộc Tập đoàn Berjaya Land (Malaysia). Dự án này đóng tại vị trí số 12 đường 3-2, có diện tích 6,6 ha, với tổng vốn đầu tư 930 triệu USD.
Đầu tư ồ ạt đổ về
Theo kế hoạch, đây sẽ là dự án xây dựng 6 tòa nhà cao ốc, trong đó có 5 cao ốc cao 48 tầng dùng để làm văn phòng cao cấp, khách sạn, trung tâm dịch vụ cao cấp và 1 cao ốc dành làm trung tâm mua sắm mang tầm cỡ quốc tế.
Dự kiến đến năm 2013 dự án này sẽ đi vào hoạt động. Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm, với dự án đầu tư gần 1 tỷ USD này được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã đưa con số vốn thu hút đầu tư nước ngoài lên đến 1,61 tỷ USD, bằng tổng số vốn thu hút đầu trong cả 10 tháng của năm 2007.
Hiện nay, nhiều dự án đầu tư nước ngoài khác đang chờ cấp phép, nhất là trong các lĩnh vực tư vấn và bất động sản, công nghiệp phần mềm, hạ tầng kỹ thuật... ngày càng nhiều. Các dự án đầu tư trong thời gian gần đây là dự án có quy mô đầu tư lớn, thuộc các tập đoàn xây dựng và tài chính có tiềm lực lớn trong khu vực và quốc tế.
Trước đó, TPHCM đã cấp phép cho 49 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có dự án Công viên trí thức Việt-Nhật được đầu tư xây dựng trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, có tổng vốn đăng ký 610,3 triệu USD.
Trong buổi cấp phép cho Công ty Jerjaya Leisure, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đã bày tỏ sự chào đón nồng nhiệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài, như đối với dự án Trung tâm tài chính Việt Nam sẽ góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội TP, cung cấp các dịch vụ tiện ích cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ-thương mại. Dự án này sẽ góp phần thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP theo kế hoạch đã đề ra.
Đáng lưu ý, việc cấp chứng nhận đầu tư cho dự án này cũng là tiền đề cho tập đoàn Berjaya Land tiếp tục triển khai một số dự án lớn khác trên khắp cả nước, như dự án xây dựng khu đô thị mới tại Nhơn Trạch, có diện tích 600 ha, với tổng vốn đầu tư 2,6 tỷ USD; hợp tác với công ty Tín Nghĩa xây dựng tuyến đường cao tốc và cầu bắc qua sông Đồng Nai để nối TPHCM với khu đô thị này; liên kết với công ty Đầu tư Hà Nội đầu tư khu Trung tâm thương mại, công nghiệp và dân cư trên diện tích 405 ha ở Long Biên (Hà Nội), với tổng vốn dự kiến 2,5 tỷ USD...
Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu Chính Viễn thông TP cho biết, hiện nay có hai nhà đầu tư Nhật Bản và Đài Loan đang có ý định đầu tư xây dựng 2 khu công viên phần mềm, tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm với qui mô rất lớn.
Trong đó, một khu của nhà đầu tư Nhật Bản, chuyên làm phần mềm nhúng, có diện tích khoảng 10,9 ha và cần sử dụng 35.000 kỹ sư công nghệ thông tin và 10.000 lao động gián tiếp; một khu của nhà đầu tư Đài Loan cần 15,9 ha làm phần mềm nói chung, cần khoảng 70.000 lao động.
Chuẩn bị hạ tầng, đón đầu tư
Trước ý định đầu tư lớn của hai nhà đầu tư trong ngành công nghiệp phần mềm trên, Sở Bưu chính Viễn thông đã có công văn gửi Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, hai dự án trên đáp ứng đủ các điều kiện của Khu công nghệ thông tin tập trung, do đó đề nghị Bộ này hướng dẫn để UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian sớm nhất. Ông Hà khẳng định, việc xây dựng và đưa vào hoạt động 2 khu công viên phần mềm này sẽ tạo bước đột phá trong công nghiệp phần mềm của TPHCM và cả nước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý Khu Đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, Ban quản lý đang phối hợp với UBND quận 2 và các sở ngành liên quan khẩn trương triển khai ngay 3 dự án phục vụ tái định cư liên quan đến dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Theo đó, sẽ xây dựng khoảng 12.400 căn hộ và 2.000 nền nhà tái định cư nhằm mau chóng thực hiện giải phóng mặt bằng giao cho các nhà đầu tư.
Để thực hiện nhanh các dự án này, TP đã phải thực hiện giao dự án cho nhà đầu tư, tìm và chỉ định các nhà đầu tư có năng lực để thực hiện nhanh nhất trong điều kiện có thể.
Trong đó, dự án Khu 2 thuộc phường An Phú, có diện tích 17,3 ha, UBND TP giao Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm phối hợp Chủ tịch UBND quận 2 chọn ngay 3 nhà đầu tư có năng lực để xây dựng đồng thời 3 cụm chung cư, với quy mô 1.886 căn hộ tái định cư trong thời gian 18 tháng (kể cả phần kỹ thuật). Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư bán lại toàn bộ quỹ nhà cho TP theo giá thành có tính lãi định mức.
Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư TPHCM (ITPC) cũng thông báo: Trong quý 1 năm nay, ITPC dự kiến sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giao thông Công chánh, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và Ngân hàng HSBC, tổ chức Hội thảo kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TPHCM nhằm giới thiệu rộng rãi các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng, để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận và bỏ vốn vào cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng tạo môi trường đầu tư tốt hơn tại TPHCM.
Chương trình này góp phần thực hiện một số định hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2008 của TPHCM đã đề ra là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị để theo kịp yêu cầu phát triển của thành phố; đồng thời thực hiện yêu cầu của nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước cũng như các công ty lớn đang hoạt động tại TPHCM.
Theo dự kiến, tham dự hội thảo sẽ gồm các quỹ đầu tư chuyên về phát triển cơ sở hạ tầng, các công ty tài chính, ngân hàng, các công ty lớn trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Đây được xem là bước chủ động để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI vào TP trong thời gian tới.
Các sở ban ngành chức năng của TP đang có sự chủ động khá tốt, để chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp với từng ngành, nhằm hỗ trợ nhà đầu tư ngay từ khi có ý định đầu tư, đăng ký kinh doanh và triển khai dự án.