Đầu tư trái ngành BĐS: Biết rủi ro vẫn lao vào

Cập nhật 12/09/2016 09:28

Các doanh nghiệp đầu tư trái ngành nói chung và đầu tư trái ngành vào BĐS nói riêng đã đem lại những kết quả rất khác nhau. Tuy nhiên, BĐS vẫn là “ma lực” rất lớn mà không ít doanh nghiệp đang ăn nên làm ra ở lĩnh vực chính của mình nhưng vẫn nhảy vào, có doanh nghiệp đã từng thất bại nhưng vẫn chưa từ bỏ giấc mơ BĐS.

Ma lực BĐS

Có một thời gian dài, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đổ xô đầu tư vào các dự án BĐS, mặc dù ngành nghề của các doanh nghiệp này chẳng liên quan hoặc ít liên quan đến BĐS. Và sau một thời gian đã để lại những món nợ khổng lồ, đến mức những doanh nghiệp này phải lấy doanh thu, lợi nhuận của ngành nghề kinh doanh chính bù lỗ vào BĐS, điển hình một thời Tập đoàn Điện lực Việt Nam.  Vào thời điểm cao trào cách đây vài năm, Bộ Tài chính cho biết  các tập đoàn nhà nước đầu tư ngoài ngành gần 22.000 tỷ đồng, trong đó có đến 5.379 tỷ đồng vào BĐS. Tuy nhiên do kinh doanh dàn trải không hiệu quả, đến nay thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã rút khỏi BĐS nói riêng và các ngành nghề trái ngành nói chung.

Hàng loạt hệ lụy của các doanh nghiệp đầu tư trái ngành vào BĐS đến nay vẫn còn đó, nhưng vẫn không làm chùn bước các doanh nghiệp khác bởi BĐS vẫn là một trong những ngành được cho là hấp dẫn trên thị trường hiện nay.
 

Trong khi đó hiện nay, không ít doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần đang kinh doanh hiệu quả ở lĩnh vực chính của mình vẫn nhảy sang đầu tư BĐS. CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) là một thí dụ, kinh doanh lĩnh vực chính với sản lượng tiêu thụ xe cũng như doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng Thaco vẫn không chịu “yên phận” với lĩnh vực kinh doanh ô tô của mình. Năm 2015, số lượng xe ô tô hãng này bán ra hơn 80.000 xe, tăng gần gấp đôi năm 2014, doanh thu đạt hơn 2 tỷ USD. Năm 2016 doanh nghiệp này đặt mục tiêu bán hàng đạt hơn 100.000 xe, doanh thu 3 tỷ USD.  Tuy nhiên cách đây chưa lâu ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, đã nhảy sang làm Tổng giám đốc CTCP BĐS Đại Quang Minh để triển khai đầu tư Khu đô thị Sala tại quận 2 với tổng mức đầu tư lên hàng chục ngàn tỷ đồng.

Năm 2009, khi đang làm ăn thuận buồm ở lĩnh vực tole, thép, nhưng ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, bắt đầu chuyển sang lĩnh vực BĐS. Khi đó, Hoa Sen đầu tư vào dự án khu dân cư Điền Phúc Thành ở quận 9 (TPHCM), dự án đầu tiên của Hoa Sen có tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng là một chung cư 18 tầng. Tiếp sau đó 2 năm Hoa Sen tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án căn hộ khác tại quận 9 là Hoa Sen Phước Long B và căn hộ Hoa Sen Riverside. Tuy nhiên, rơi đúng giai đoạn thị trường BĐS TPHCM khủng hoảng, trầm lắng khiến ông Lê Phước Vũ đã tính chuyện rút lui. Đến 2011 Tập đoàn Hoa Sen bất ngờ tuyên bố rút khỏi BĐS vì kinh doanh không được như kỳ vọng, để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình là thép.

Bẵng đi nhiều năm, thị trường BĐS sôi sục trở lại, một lần nữa ông Lê Phước Vũ lại quyết định quay lại BĐS. Không đầu tư vào BĐS nhà ở, ông Lê Phước Vũ bất ngờ đổ tiền vào BĐS du lịch, mảng thị trường này cũng đang là “mỏ vàng” của nhiều ông lớn địa ốc. Chỉ trong tháng 5-2016, Hoa Sen đã thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn. Tập đoàn Hoa Sen nắm giữ tỷ lệ 70% ở 2 công ty Hoa Sen Yên Bái và Hội Vân, 45% ở 2 công ty còn lại, số cổ phần còn lại do cá nhân ông Lê Phước Vũ và công ty du lịch của ông nắm giữ. Đồng thời, ông Lê Phước Vũ cũng chia sẻ với giới truyền thông sẽ đầu tư vào nhiều dự án khác, đặc biệt đang tham vọng đầu tư một khu du lịch tâm linh, sinh thái quy mô tới 1.000ha, trong đó 400ha mặt nước ở đầm Vân Hội (Yên Bái).
 

Một góc khu đô thị Sala của Công ty Đại Quang Minh. Ảnh: LONG THANH

Lợi nhuận nhiều, rủi ro cao

Ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc CTCP BĐS Đại Quang Minh, cho rằng không nên xem BĐS như ngành nghề đẻ trứng vàng, sẽ dẫn đến bong bóng. Những gì thị trường đã trải qua chính là bài học để cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận lại các vấn đề, xử lý để thị trường phát triển lành mạnh. Hiện nay khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa thành hình, trong khi vốn đầu tư đổ vào đây của Đại Quang Minh đã rất lớn, thị trường BĐS lại “sáng nắng chiều mưa” nên hiện nay Đại Quang Minh gặp không ít khó khăn. Do đó, việc mạo hiểm đầu tư mạnh tay vào nhà đất có thể được xem là canh bạc may rủi của tập đoàn ô tô này.

Lựa chọn xu hướng đầu tư không phải là chuyện dễ dàng đối với doanh nghiệp, bởi một quyết định đầu tư có thể dẫn đến những hệ quả khó lường, nhất là khi môi trường kinh doanh hiện nay thay đổi rất nhanh, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có khả năng ứng phó rất linh hoạt. Theo các chuyên gia tư vấn, chỉ những doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị đầy đủ về tài chính, quản trị, nhân sự… mới nên nghĩ đến chuyện đầu tư chiều rộng khi có cơ hội; còn lại việc đầu tư cho năng lực lõi, phát triển chuyên sâu dựa trên thế mạnh, sự hiểu biết về môi trường và cơ hội kinh doanh cũng như các rủi ro tiềm ẩn… luôn được khuyến khích, hơn là bước sang một lĩnh vực hoàn toàn mới.

TS. Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Thuduc House, cho rằng nhiều doanh nghiệp do nôn nóng muốn tăng lợi nhuận, mơ ước trở thành tập đoàn kinh tế nên đã đầu tư rất nhiều vào những ngành nghề xa lạ, hậu quả là hiệu quả đầu tư thấp, thậm chí thua lỗ, làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính doanh nghiệp. Dù đầu tư vào lĩnh vực nào doanh nghiệp cũng cần phải xác định rõ năng lực lõi của mình, không nên chạy theo xu hướng đa dạng hóa ngành nghề một cách mù quáng và đầu tư vào những lĩnh vực không phải là thế mạnh của mình. Còn theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp khi mở rộng ngành nghề phải đảm bảo nguyên tắc bám sát thị trường, phân tích chiến lược toàn diện, dự báo triển vọng thị trường trước và trong khi đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư