Đầu tư sân golf ở TP.Hồ Chí Minh: Tốn nhiều đất, không hiệu quả

Cập nhật 26/08/2008 13:00

Theo tinh thần chỉ đạo của UBND TPHCM, trong thời gian tới tạm ngưng cấp phép dự án đầu tư sân golf trên địa bàn, đến khi có báo cáo và đề xuất cụ thể của các ngành chức năng về quy hoạch và bố trí các sân golf. Chủ trương này xuất phát từ việc hiệu quả kinh tế đem lại từ các sân golf không cao.

Chưa thấy sân golf, chỉ thấy mất đất

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện trên địa bàn thành phố có 6 dự án đầu tư sân golf đã được cấp giấy phép đầu tư (nay là giấy chứng nhận đầu tư) hoặc quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ, hay văn bản chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, với tổng diện tích dự án là 1.262ha.

Trong đó, diện tích sân golf là 648ha tại các quận - huyện: Quận 2 (1 dự án), quận 9 (2 dự án), quận Tân Bình (1 dự án), huyện Bình Chánh (1 dự án) và huyện Củ Chi (1 dự án); ngoài ra, còn 2 dự án sân golf đang xin chủ trương đầu tư.

Mặc dù trên danh nghĩa, thành phố có đến 6 sân golf, thế nhưng trên thực tế, đến thời điểm hiện nay chỉ có 1 sân golf của Cty liên doanh TNHH Hoa - Việt tại khu Lâm Viên, quận 9 (thường được biết đến với tên gọi sân golf Thủ Đức) đã đưa vào hoạt động, khai thác.

Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, thì chủ đầu tư sân golf này đã không thực hiện đánh giá quan trắc hàng năm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 nên không có cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước về môi trường giám sát, đánh giá nguy cơ tổn hại môi trường, ảnh hưởng đến đời sống cư dân trong vùng do hoạt động của sân golf gây ra.

Trên lý thuyết, thành phố có đến 6 sân golf, thế nhưng ngoài sân golf Thủ Đức đã hoạt động thì số còn lại vẫn còn nằm trên giấy, mặc dù đã được cấp giấy phép đầu tư từ nhiều năm nay.

Nói không với sân golf

Theo UBND thành phố, do chưa có quy hoạch tổng thể về phát triển sân golf trên địa bàn thành phố, mặt khác tiêu chí về cấp phép đầu tư đối với các dự án sân golf chưa được xây dựng cụ thể, nên việc phối hợp giữa các sở - ngành liên quan trong công tác thẩm định, cấp phép chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư sân golf thường chiếm diện tích lớn, nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm và ảnh hưởng xấu đến môi trường do sử dụng nhiều nước sạch, thuốc trừ sâu, phân hoá học.

Trong khi đó, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Do đó, trước mắt UBND thành phố quyết định tạm ngừng cấp phép dự án đầu tư sân golf trên địa bàn, đến khi có báo cáo và đề xuất cụ thể của các ngành chức năng về quy hoạch và bố trí các sân golf.

Cùng với quyết định này, UBND thành phố cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở LĐTBXH và Cục Thuế thành phố rà soát, kiểm tra hoạt động của các sân golf, đánh giá hiệu quả về KT-XH đối với các dự án sân golf, nhất là các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đối với các dự án sân golf đã được cấp phép đầu tư, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ tiến độ triển khai dự án, cũng như việc tuân thủ các quy định về môi trường; có biện pháp kiểm tra, đánh giá tác động tiêu cực đối với môi trường và xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm; kiên quyết thu hồi đối với các dự án chậm triển khai.

Theo kết quả rà soát về tình hình thu hồi đất để xây dựng sân golf trên phạm vi toàn quốc của Bộ Tài nguyên - Môi trường, cả nước có 123 sân golf được xây dựng trong thời gian qua, đang xây dựng hoặc xin chủ trương (số liệu thống kê của 51/64 tỉnh, thành)...

Trong đó, khu vực có nhiều sân golf nhất là các tỉnh Đông Nam Bộ - với 36 sân. Tổng diện tích để xây dựng sân golf trên toàn quốc là 38.445ha, trong đó có 15.264ha đất nông nghiệp. Tổng diện tích đất trồng lúa bị thu hồi trong các dự án sân golf là 2.433ha.


Theo Lao Động