Đó là ý kiến của đại diện Hiệp hội bất động sản TPHCM tham dự hội nghị đóng góp ý kiến nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai (LĐĐ) năm 2003 do Bộ TN&MT tổ chức tại TPHCM vào ngày 7/3.
Ông Lê Hoàng Châu - Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM bức xúc nêu ra thực trạng rất đáng báo động ở TPHCM và nhiều tỉnh thành khác. Thực tế, có rất nhiều khu vực đất nông nghiệp màu mở, trù phú lẽ ra phải được khoanh giữ để phục vụ cho mục đích sản xuất nhưng đã bị các địa phương chuyển sang làm khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Điều đáng nói là trong số các KCN, CCN được quy hoạch theo kiểu tự phát, phản khoa học ấy sau khi được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã hoạt động không hiệu quả, thậm chí có trường hợp bỏ hoang lãng phí trong nhiều năm, trong khi quỹ đất phục vụ mục đích nông nghiệp cứ “teo” dần.
Ông Lê Hoàng Châu còn chỉ ra một loạt các nghịch lý phát sinh trong quá trình thực hiện LĐĐ: Là chủ thể đã bỏ vốn đầu tư, lẽ ra chênh lệch giá nói trên phải vào ngân sách nhà nước nhằm thu hồi phí đầu tư nhưng thực tế phần lớn nguồn lợi này lại chảy ngược vào túi doanh nghiệp và các nhà đầu cơ địa ốc. Cả nhà nước và người có đất bị thu hồi đều bị thiệt thòi.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến 2015 sẽ cho ra mắt giấy chứng nhận nhà đất điện tử. tính đến tháng 2/2008, việc thực hiện LĐĐ 2003 đã tăng nguồn thu ngân sách 29.000 tỷ đồng, góp phần minh bạch hóa các vấn đề liên quan, hạn chế tiêu cực vì hầu hết các vụ án liên quan đến đất đai đang xử lý đều có trước thời điểm LĐĐ 2003 có hiệu lực.
Thế nhưng, quá trình thực hiện Luật đã phát sinh nhiều vướng mắc, gây bức xúc trong xã hội. Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên những ý kiến thu thập sẽ được bộ tập hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.