Con số ước tính hơn 6 tỷ đô la Mỹ vốn FDI đăng ký mới trong vòng 45 ngày đầu năm có vẻ đang làm dịu đi những lo ngại về khả năng suy giảm mạnh nguồn vốn FDI vào Việt Nam do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
"Khách quan mà nói, cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được một tín hiệu về việc ngừng, giãn kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ phía nhà đầu tư nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam. Trong khi đó, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn thể hiện sự quan tâm và mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam", ông Phan Hữu Thắng, cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Tín hiệu tích cực
Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã khởi đầu một cách ngoạn mục với việc trao giấy phép cho 7 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 5 tỷ USD hồi cuối tháng Giêng vừa qua. Trong đó lớn nhất là dự án xây dựng khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng của tập đoàn Winvest (Hoa Kỳ) tăng vốn từ 300 triệu lên 4,1 tỷ USD. Với kết quả này, Bà Rịa- Vũng Tàu đã hoàn thành 2/3 mục tiêu thu hút vốn FDI cho cả năm 2009 của tỉnh. Theo tiết lộ của lãnh đạo tỉnh, các ban ngành chức năng của Bà Rịa- Vũng Tàu hiện đang thẩm định hồ sơ đăng ký xin cấp phép của một số dự án FDI mới trong lĩnh vực lọc hóa dầu và bất động sản với quy mô đầu tư lên tới vài tỷ đô-la Mỹ.
Những động thái này đang tạo nên sự phấn khích không chỉ cho tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mà còn lan tỏa ra các địa phương khác khi họ đang phải chịu một áp lực lớn về khả năng duy trì mức tăng trưởng của nguồn vốn FDI trong năm 2008 - năm kỷ lục về thu hút FDI của Việt Nam với số vốn đăng ký mới đạt trên 64 tỷ USD.
Cũng trong tháng Giêng, Bắc Giang- địa phương có vị trí khá khiêm tốn trên bản đồ phân bố FDI của cả nước- cũng đón chào dự án FDI đầu tiên trong năm. Công ty Universal Microelectronics - một thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất điện, điện tử của Đài Loan (TEEMA), dự định đầu tư khoảng 35 triệu USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại KCN Quang Châu.
Ông Ou Cheng Ming, Chủ tịch Công ty Universal Microelectronics đồng thời là Phó chủ tịch TEEMA cho biết, việc xây dựng nhà máy của ông là bước đệm cho việc thực hiện ngay trong năm nay dự án xây dựng “Làng Điện tử Đài Loan” tại Quang Châu để hình thành một “căn cứ địa” cho các công ty sản xuất điện, điện tử của Đài Loan tại Việt Nam. Nếu thành hiện thực, “Làng điện tử Đài Loan” sẽ là lực hút hàng tỷ đô-la đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan và doanh nghiệp nước ngoài khác vào Việt Nam.“Hiện nay, ngoài các hội viên TEEMA đã và đang xây dựng dự án tại Việt Nam như Compal, Foxconn hay Mitac, các hội viên khác cũng đang tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại đây nhằm giảm thiểu rủi ro khi tập trung đầu tư vào Trung Quốc”, ông Ming nói.
Kế hoạch mở rộng các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện tử của Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam là một minh chứng cho nhận định của ông Ming. Ngày 18/2 vừa qua, Foxconn đã chính thức nhận được giấy phép xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại di động có vốn đăng ký 200 triệu USD với quy mô sản xuất đạt gần 90 triệu chiếc/năm tại KCN Bình Xuyên 2 của tỉnh Vĩnh Phúc. Như vậy, Vĩnh Phúc đã trở thành địa phương thứ ba, sau Bắc Giang và Bắc Ninh, trong kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD của Foxconn để hình thành các cơ sở sản xuất của tập đoàn tại Việt Nam trong vòng 5 năm kể từ năm 2007.
“Tôi tin rằng các doanh nghiệp Đài Loan đang tận dụng thời gian này để khởi động nhanh các dự án đầu tư của họ tại Việt Nam nhằm đón đầu sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế toàn cầu, hy vọng diễn ra vào nửa cuối của năm nay”, ông Ming nói.
Vẫn hấp dẫn
Trong một lần gặp gỡ gần đây với đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN), các chuyên gia của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) vẫn bày tỏ lạc quan đối với triển vọng thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam trong năm 2009. “Đúng là các nhà đầu tư Nhật Bản đang ở trong trạng thái chờ đợi vào khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới trước khi tiếp tục mở rộng đầu tư ra ngoài nước. Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, trong năm 2009, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam sẽ không hề suy giảm so với năm 2008”, ông Takashi Marugami, trưởng Văn phòng Nghiên cứu Quốc tế của JBIC nhận xét. Ông Marugami lý giải, các doanh nghiệp Nhật Bản đang dần thay đổi quan niệm, không chỉ coi Việt Nam là một cơ sở sản xuất mà còn là một thị trường tiềm năng để tiêu thụ các sản phẩm của doanh nghiệp Nhật.
Theo báo cáo khảo sát hoạt động kinh doanh tại nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản của JBIC, Việt Nam xếp thứ ba trong số các địa điểm đầu tư lý tưởng của các doanh nghiệp Nhật Bản trong vòng 3 năm tới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Sự hấp dẫn của Việt Nam nằm ở các điểm: nguồn nhân công rẻ, khả năng phát triển của thị trường nội địa và nguồn cung cho ngành công nghiệp lắp ráp.
Theo ông Marugami, một tiêu chí khiến Việt Nam có nét đặc trưng hơn so với các quốc gia nằm trong Top 4 địa điểm đầu tư hấp dẫn là tính đa dạng hóa rủi ro tốt và Việt Nam được lựa chọn trong kế hoạch Trung Quốc+1 của hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang đầu tư tại Trung Quốc. Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục ĐTNN, đối với các nhà đầu tư tiềm năng, dù có phải cân nhắc kỹ hơn trước khi thực hiện các dự án đầu tư thì họ vẫn coi Việt Nam là một thị trường hấp dẫn trong trung và dài hạn.
Theo thông tin của Cục ĐTNN, tập đoàn Roll Royce (Anh) - nhà cung cấp động cơ cho lĩnh vực hàng không, vận tải biển, năng lượng và dầu khí hàng đầu thế giới đã bày tỏ ý định tìm hiểu địa điểm tại Việt Nam để xây dựng một nhà máy sản xuất động cơ máy bay. Một tập đoàn trong lĩnh vực hàng không của Mỹ đang cân nhắc tham gia xây dựng các sân bay quốc tế tại Việt Nam, đặc biệt là sân bay Long Thành (Đồng Nai).
Bên cạnh đó, các dự án xây dựng nhà máy điện của AES (Mỹ) tại Quảng Ninh với quy mô 1,2 tỷ USD, của Jaks (Malaysia) tại Hải Dương với quy mô 1,4 tỷ USD hay của Janakuasa (Malaysia) tại Trà Vinh với quy mô 1,5 tỷ USD hiện đang trong giai đoạn thẩm định cấp phép đầu tư. Nếu được chấp thuận các dự án này sẽ đóng góp vào kết quả thu hút nguồn vốn FDI mà Cục ĐTNN khiêm tốn dự báo khoảng 20 tỷ USD vốn đăng ký trong năm nay. Tuy vậy, đó mới chỉ là những con số cam kết. Kết quả giải ngân mới là điều đáng nói. Chỉ thời gian mới có thể minh chứng cho “sức nặng” của những cam kết đó của các nhà đầu tư.