Đầu tư đất không thể "ăn" ngay được

Cập nhật 29/08/2010 08:45


Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải - Ảnh: Từ Nguyên.
Dưới cái nhìn cục bộ, cơn sốt đất Ba Vì vừa qua ít nhiều đã mang lại những lợi ích nhất định cho một bộ phận người dân nơi đây, cho dù sẽ có không ít nhà đầu tư “ngậm trái đắng”.

Đó là khẳng định của Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải khi nói về cơn sốt đất Ba Vì vừa qua và những tác động đối với cuộc sống của người dân địa phương sau khi làn sóng đầu tư đất nơi đây lắng xuống.

Trao đổi với VnEconomy, ông Hải nói:

- Thực tế thì cơn sốt đất ở huyện Ba Vì và các khu vực lân cận vừa qua chúng tôi cũng không nắm rõ được, vì phần đa là mua bán tự phát, trao tay giữa các nhà đầu tư với các hộ dân. Họ không thông qua chính quyền nên giá cao hay thấp trên thị trường chúng tôi cũng không nắm rõ và cũng không quan tâm lắm. Chúng tôi chỉ quản lý nhà nước về vấn đề sử dụng đất đúng mục đích theo đúng quy hoạch.

Chỉ sau khi báo chí đăng tải hiện tượng sốt đất Ba Vì thì có đoàn của Bộ Xây dựng về khảo sát, thanh tra trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau khi thanh tra về, kết quả như thế nào Bộ cũng không báo lại cho chúng tôi, thậm chí họ cũng không gửi kết luận thanh tra cho chúng tôi.

Còn việc báo chí đăng tải khu này, khu kia có vi phạm đất đai thì đến nay chúng tôi vẫn không nhận được văn bản chính thức của thành phố, nêu rõ đơn vị nào vi phạm. Những thông tin đó chỉ là qua các kênh trên thị trường. Đó không phải là thông tin chính thức.

* Vậy lãnh đạo huyện nhìn nhận như thế nào về cơn sốt đất vừa qua trên địa bàn mình?

Trên địa bàn huyện cả 2 tháng nay không có giao dịch, không ai mua bán gì cả. Những người đã trót mua đất thổ cư hiện bán vẫn chưa nhiều. Còn người dân thì hiện nay đất cũng không nhiều, giá lại giảm nên họ cũng không bán nữa.

Còn đất chuyên dùng, đất nông nghiệp... thì họ vẫn phải giữ để sản xuất làm ăn.

Tất cả những thông tin từ báo chí, truyền thông phản ánh cơn sốt thì chúng tôi cũng xem xét và tham khảo. Tất nhiên, sau đó chúng tôi cũng có lập đoàn kiểm tra và thông báo đến các nhà đầu tư, các hộ dân về tình hình thực tế. Tuy nhiên, những vi phạm lớn là không có. Còn tình trạng làm giá, đầu cơ thì chúng tôi không nắm bắt được.

* Hiện nay cơn sốt đất đã đi qua, thị trường đất đai rơi vào trầm lắng đã tác động như thế nào đến đời sống của người dân trên địa bàn, thưa ông?

Đến thời điểm này không có ảnh hưởng gì nhiều lắm. Thị trường không sôi động thì mọi nơi đều như nhau. Việc sốt đất vừa qua có nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, việc đất Ba Vì có nhích giá lên là do hiệu quả đầu tư của nhà nước đối với vùng này.

Chẳng hạn, trước đây chưa có đường Láng - Hòa Lạc (đại lộ Thăng Long hiện nay) thì đây là vùng xa, vùng khuất. Nay có đường đấy rồi thì giao thông đã nối liền và kết nối kinh tế - xã hội với vùng nội đô là thuận lợi hơn nhiều.

Cũng có ý kiến cho rằng, sau cơn sốt đất dân Ba Vì được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này không biểu hiện rõ vì nó không phải diện rộng. Nó chỉ xảy ra cục bộ một số xã, một số hộ nắm giữ lợi thế, nằm ven trục đường. Nếu có lợi thế về hạ tầng thì kể cả nay mai nhà nước không dời trung tâm hành chính lên đây nữa thì giá đất đó vẫn lên.

* Còn chuyện dời trung tâm hành chính lên Ba Vì, lãnh đạo huyện có thấy thất vọng không khi thành phố từ bỏ ý định đó. Liệu điều này có ảnh hưởng đến giá đất trên địa bàn?

Việc thay đổi ý tưởng hay quan điểm nào đó là chuyện bình thường trong quy hoạch. Tất nhiên, quan điểm của chúng tôi thì chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì thì tốt hơn vì chúng tôi là công dân Ba Vì. Còn chuyển lên hay không là việc của Hà Nội và Chính phủ . Đó lại là câu chuyện lâu dài mà nhiều khi giờ cũng chưa phải là đã có quyết định cuối cùng.

Tôi có thể khẳng định rằng, nếu Nhà nước tập trung đầu tư hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như giao thông, điện, trường đại học lên khu này thì đương nhiên giá đất sẽ lên.

Theo tôi thì về mặt lâu dài, trước sau cũng phát triển lên khu vực này vì nội đô sẽ trở nên quá chật chội. Quá trình phát triển nên theo quy luật. Sau này, kể cả cơ quan nhà nước không lên nhưng nếu hạ tầng phát triển hoàn thiện thì dân họ cũng sẽ lên. Có thể trước mắt chỉ là làm nhà nghỉ cuối tuần.

* Đến thời điểm này đã có dự án nào “ăn theo” quy hoạch Thủ đô được cấp phép trên địa bàn Ba Vì chưa?

Nói ra có thể không ai tin, song thực tế thì chúng tôi chỉ có dự án nghĩa trang Yên Kỳ, Vĩnh Hằng, bãi rác Xuân Sơn.. còn lại hoàn toàn chưa có dự án khu đô thị nào, chỉ có một số dự án khu công nghiệp ở Cam Thượng...

Ngay cả việc xây trục Hồ Tây – Ba Vì đến nay chúng tôi cũng không được trực tiếp tham gia góp ý kiến. Còn hướng xây dựng trục thì họ cũng không chạy qua trung tâm huyện, chỉ nghe nói là chạy lên trên đỉnh núi.

* Sau đợt sốt đất vừa qua, có nhà đầu tư nào gõ cửa phòng ông để kêu ca, than phiền vì thua lỗ không?

Thực tế có chuyện đó, Cũng có người đến trực tiếp, có người gọi qua điện thoại phản ảnh rằng họ đã thất bại và trách cứ này nọ. Nhưng thực tế thất bại là do phần đa là những nhà đầu tư không chuyên, mua bán đất đai không chính thống, trao tay nên giờ phải chấp nhận thua lỗ.

Những lúc đó, tôi cũng chỉ biết trả lời rằng, nếu đầu tư theo kiểu đó thì tôi cũng không giúp gì được. Trước đó, tôi đã khuyên họ rằng, đầu tư bất động thì không dễ gì "ăn" ngay được.

Còn những bất cập trên thị trường không phải cái nào cũng thuộc về mình. Nếu yếu kém thuộc trách nhiệm của mình thì mình nhận. Tuy nhiên, một khi tình trạng mua bán càng có tính chất sôi động thì càng khó quản lý. Việc giao dịch trôi nổi ngoài thị trường thì chúng tôi cũng không thể quản lý hết được.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy