Thị trường condotel sau cú ngã của dự án Cocobay Đà Nẵng khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang, các chuyên gia đã mổ xẻ những điểm nghẽn của thị trường này.
Đầu tư condotel, khách hàng xác định đã thành cổ đông.
Pháp lý chưa rõ ràng, cam kết lợi nhuận, cung vượt quá cầu...những "điểm nghẽn" với condotel (căn hộ khách sạn) được các chuyên gia mổ xẻ tại diễn đàn “Hành lang pháp lý cho thị trường condotel”.
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chỉ ra những điểm nghẽn của thị trường condotel hiện nay. Thứ nhất là vấn đề cấp sổ đỏ cho loại hình này.
Theo ông, nếu condotel được xây dựng trên đất được quy hoạch là đất du lịch, dịch vụ, thương mại nghỉ dưỡng thì tuân theo luật du lịch để cho thuê có thời hạn. Trường hợp condotel xây dựng trên đất ở thì tuân theo luật nhà ở, tiêu chuẩn quy phạm về nhà ở để được cấp sổ đỏ vĩnh viễn.
Thứ hai, theo ông Chiến, các sản phẩm condotel không phải xây chỗ nào cũng bán được. Những nơi hấp dẫn chủ đầu tư và người mua thường phải có vị trí địa lý, cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa…
Thứ ba, cần sớm ban hành tiêu chuẩn quy phạm cho condotel để giúp chủ đầu tư an tâm, được hưởng về hạ tầng xã hội và quyền sở hữu hợp pháp.
Tại diễn đàn, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định, khoảng trống pháp luật đang gây ra khó khăn cho thị trường condotel. Nếu condotel được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dài hạn thì ngay lập tức những khó khăn của thị trường này sẽ được giải quyết.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, bất động sản phát triển theo hướng kinh tế chia sẻ, nơi ở có thể tách ra một phần không dùng đến để cho khách du lịch thuê lưu trú. Một tòa condotel có thể có một phần để ở, một phần cho thuê du lịch, một phần cho thuê làm văn phòng và một phần làm cửa hàng bán lẻ. Từng căn hộ có chủ sở hữu riêng.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư nên xác định rõ ràng khi chúng ta chọn loại hình đầu tư vào căn hộ nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng là đã trở thành một cổ đông.
“Khi trở thành cổ đông, chúng ta không thể đi giữa chừng. Có những trường hợp chủ đầu tư bán căn hộ cho khách hàng, khi cấp quyền sở hữu căn hộ nhưng vì chọn mô hình căn hộ nghỉ dưỡng, nếu không rõ ràng trong hợp đồng, trong trường hợp khu căn hộ nghỉ dưỡng có khoảng 20-30% không dùng để khai thác du lịch mà chuyển đổi thành hình thức nhà ở sẽ gây ra hệ lụy cho các khách hàng còn lại”, ông Thanh phân tích.
Đồng thời, khi xác định là cổ đông, nên minh bạch hóa về chuyện chia sẻ lợi nhuận. Thực ra với đơn vị có năng lực, uy tín, việc đảm bảo lợi nhuận 10% cho khách hàng đến giờ phút này vẫn rất tốt. Nhưng thị trường du lịch của Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nên lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng. Đây là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra, ông Thanh lưu ý.
Liên quan đến pháp lý của loại hình Condotel, ông Vương Duy Dũng, Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay câu chuyện condotel đã có quá trình phát triển tương đối dài và không còn là mới dù vẫn còn nóng. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó, về phía Bộ Xây dựng có nhiệm vụ bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng các loại hình chung cư, các loại hình công trình condotel, officetel, loại hình công trình nghỉ dưỡng.
“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, hiện Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu tiêu chuẩn, quy chuẩn cho nhà chung cư trong đó có nội dung quy định về condotel và officetel. Hiện tại, bộ quy chuẩn này đã được hoàn thiện và gửi cho Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định trước khi ban hành theo quy định của Luật Ban hành Quy chuẩn Tiêu chuẩn”, ông Dũng cho biết.
DiaOcOnline.vn – Theo VTC