Jones Lang LaSalle (JLL) cảnh báo đầu tư bất động sản toàn cầu năm 2018 sẽ khó đạt được mức cao và có thể khiến thị trường giảm 5 - 10%.
Ông Pranav Sethuraman chuyên gia nghiên cứu thuộc bộ phận Thị trường vốn của JLL cho biết, năm 2017 với sự tăng trưởng trên diện rộng, lãi suất thấp, và giảm lạm phát trên toàn cầu đã tạo ra một môi trường lý tưởng cho các nhà đầu tư địa ốc.
Ngay cả khi những kế hoạch hạn chế giao dịch tài sản và việc tăng lãi suất được áp dụng, các nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ và tâm lý thị trường tích cực đã giúp thị trường toàn cầu không có bất kỳ sự suy giảm lớn nào, và điều này đã mang lại lợi ích cho ngành bất động sản.
Bất chấp những quan ngại về chính trị vẫn đang tiếp diễn, thị trường bất động sản đã phản ánh sự phục hồi kinh tế toàn cầu với khối lượng đầu tư trong quý IV/2017 đạt 228 tỷ USD, thúc đẩy lượng đầu tư cả năm tăng 6% so với 2016, đạt 698 tỷ USD. Các nhà đầu tư tiếp tục thể hiện sự tự tin đối với các thị trường bất động sản toàn cầu trong suốt năm 2017, với khối lượng đầu tư trong quý cuối cùng chạm kỷ lục trong ba năm qua.
Tuy nhiên, ông Sethuraman cũng cảnh báo rằng đầu tư bất động sản toàn cầu năm 2018 sẽ không thể đạt được mức cao vì "sự thiếu hụt các tài sản phù hợp cùng với những yêu cầu khắt khe có thể khiến thị trường giảm 5% - 10% và đạt khoảng 650 tỷ USD".
Chuyên gia này phân tích thêm, điều kiện thị trường thay đổi buộc các nhà đầu tư phải tìm kiếm những chiến lược mới với sự tập trung nhiều hơn vào việc vay nợ, mua bán sáp nhập và các ngành thay thế vì họ vẫn không ngừng tìm kiếm hiệu suất đầu tư.
JLL dự báo đầu tư bất động sản toàn cầu năm 2018 khó có thể bì kịp năm 2017 và có thể sụt giảm 5-10%. Ảnh: Telegraph |
Đơn vị này cũng điểm qua các điểm nóng đầu tư bất động sản toàn cầu trong quý cuối cùng của năm 2017. Châu Á Thái Bình Dương được xem là điểm nóng đáng chú ý nhờ thiết lập kỷ lục mới trong quý IV/2017 khi đầu tư đạt 52 tỷ USD, cao hơn 16% so với lần kỷ lục vào quý IV/2016. Nhờ đó, khối lượng năm tăng lên 13% đạt 149 tỷ USD. Trung Quốc và Nhật Bản, hai thị trường lớn nhất của khu vực dẫn đầu, với hoạt động hàng năm lần lượt tăng 5% và 10%. Ngay cả Hong Kong cũng ghi nhận một năm tích cực với lượng giao dịch đạt 16 tỷ USD, tăng 58% so với năm ngoái trong khi Australia (14%) và Singapore (18%) cũng có một năm đầy triển vọng.
Ở chiều ngược lại, lượng giao dịch đầu tư bất động sản tại Mỹ giảm 15% trong quý IV/2017 so với cùng kỳ năm 2016 và chỉ đạt 66 tỷ USD, khiến cho hoạt động cả năm 2017 giảm 12% xuống còn 249 tỷ USD. Khối lượng giao dịch trung bình hàng năm giảm 16% xuống còn 225 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2013. Trong khi đó, các nước láng giềng phía Bắc Mỹ lại có khối lượng đầu tư ấn tượng trong năm qua. Canada tăng 29% lên 18 tỷ USD, cao hơn 29% so với mức trung bình dài hạn. Brazil cũng vươn lên như ngôi sao sáng, vượt trội hơn sau nhiều năm hoạt động tương đối chậm với khối lượng cả năm tăng 166% lên đến 4 tỷ USD.
Khu vực EMEA (bao gồm châu Âu, Trung Đông và châu Phi) ghi nhận thị trường đầu tư bất động sản tại Anh và Đức tăng nhiệt. Khiến khối lượng trong quý IV tại châu Âu tăng 31%, lên đến 110 tỷ USD. Khu vực này đã có một năm hoạt động mạnh mẽ với khối lượng cả năm tăng 22% lên 300 tỷ USD, tiếp tục được thúc đẩy bởi sự sụt giảm liên tục của đồng USD, điều này đã giúp khối lượng đầu tư tăng theo đồng đô la.
Vương quốc Anh dẫn đầu về hiệu suất bất chấp những bất ổn Brexit, với khối lượng hàng năm tăng 37%. Tại Đức, khối lượng đầu tư năm 2017 tăng 9% so với năm 2016 và thúc đẩy tăng trưởng khu vực. Ở những thị trường khác, Hà Lan đã đạt được một năm kỷ lục với số lượng lên đến 21 tỷ USD, cao hơn 44% so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2007. Ở khu vực Nam Âu, Italy và Tây Ban Nha tăng lần lượt 17% và 23% vào năm 2017 trong khi Hy Lạp và Bồ Đào Nha tăng lần lượt là 56% và 66%.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress