Tại cuộc hội thảo “Mức sinh lợi và rủi ro trong đầu tư BĐS” tổ chức vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) nhận định: Thị trường BĐS là một thị trường lớn, thời kỳ phát triển còn dài.
Cơ hội cho DN kinh doanh địa ốc
Theo Chiến lược phát triển đô thị của Việt Nam, diện tích đất đô thị sẽ tăng từ 105 ngàn ha hiện nay lên 460 ngàn ha vào năm 2020. Nâng tổng diện tích nhà ở bình quân 11,7 m2/ đầu người hiện nay lên 20 m2 vào năm 2020 với tổng diện tích sàn xây dựng lên đến hàng chục triệu m2 mỗi năm.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy khi mức đô thị hóa của quốc gia trong khoảng 30 - 70%, sẽ là thời kỳ thị trường BĐS phát triển nhanh nhất.
Hiện nay tỷ lệ này ở Việt Nam ở khoảng 28%, như vậy nước ta sẽ bước vào giai đoạn phát triển BĐS với tốc độ nhanh. Thực tế cho thấy, hiện nay nhu cầu khách sạn, văn phòng, nhà ở rất lớn, là một thị trường có rất nhiều tiềm năng.
Hiện tại Việt Nam có 13 quỹ đầu tư quốc tế và hệ thống ngân hàng sẵn sàng đổ vốn vào BĐS. Thời gian qua, nhiều dự án trị giá hàng trăm triệu USD đã được triển khai như Kumho Asian Plaza (TPHCM), Landmark Tower (Hà Nội)…
Cần khung pháp lý hoàn chỉnh
Tuy nhiên cũng có nhiều thách thức cho các NĐT khi tham gia thị trường BĐS. Thách thức lớn nhất là thủ tục, chính sách liên quan đến lĩnh vực nhà đất. Ông Lâm Văn Chúc, Giám đốc Công ty Địa ốc Phúc Đức, cho rằng việc đền bù, giải tỏa hiện nay DN gặp khó khăn rất nhiều. Tiền sử dụng đất quá cao làm ảnh hưởng đến mức đầu tư của DN.
Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng kinh doanh BĐS rủi ro rất lớn vì lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn, đó là quy luật kinh tế. Sự minh bạch của hành lang pháp lý là điều kiện để hạn chế rủi ro và tạo cho thị trường này phát triển bền vững hơn. “Sự cố” của một số dự án “bán lúa non” vừa qua bị “thổi còi” là do khung pháp lý chưa rõ ràng, minh bạch.
Quy định về vấn đề này ở Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS có phần “đá nhau”. Nhiều khái niệm chưa rõ ràng cụ thể… nên khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư và NĐT đều gặp phải rủi ro. Quan hệ giữa khách hàng và chủ đầu tư cũng còn nhiều lỏng lẻo, như các điều khoản ghi trong hợp đồng. Nhà mẫu, khái niệm căn hộ cao cấp… cũng còn nhiều vấn đề dễ phát sinh tranh chấp.
Chia sẻ với các NĐT, tiến sĩ Lê Thẩm Dương (Đại học Ngân hàng TPHCM), cho biết trong tình hình hiện nay những khu vực nhà đất có giá càng cao thì khả năng sinh lời càng cao như khu vực quận 2, quận 7.
Tuy nhiên ông cũng khuyến cáo các NĐT nên đề ra mức lợi nhuận kỳ vọng để chuyển nhượng. Vì quy luật thị trường có lên thì phải có xuống. Nên phân tán đầu tư vào nhiều loại hình BĐS, nhiều khu vực để tránh rủi ro…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng quan điểm của bộ là tạo sự thông thoáng trong cơ chế chính sách để thị trường BĐS rộng mở; giảm phí và thuế chuyển nhượng để khuyến khích giao dịch minh bạch.
Ông Nam cho biết Chính phủ vừa giao Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính xem xét giảm lệ phí chuyển nhượng BĐS từ 1% xuống còn 0,02%. Sắp tới Chính phủ sẽ triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của thị trường này như hoàn thiện hệ thống pháp lý; điều chỉnh, bổ sung một số loại thuế và lệ phí về nhà đất; hoàn thiện chính sách về tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển BĐS.
Theo Sài Gòn Giải Phóng