Thị trường bất động sản đang chững lại, giá nền đất ở nhiều dự án tại TP.HCM đã giảm khá mạnh. Trong khi nhiều nhà đầu tư (NĐT) đang lo lắng bán ra thì cũng không ít người xem đây là cơ hội để "gom hàng" với giá rẻ.
Cơ hội đầu tư mạo hiểm
Đánh thuế lũy tiến, siết chặt cho vay bất động sản (BĐS), dự án căn hộ thì phải làm móng xong mới được bán, các ngân hàng tăng lãi suất cho vay, hạn chế cho vay mới mua nhà đất... Những động thái "ghìm cương" thị trường BĐS của Chính phủ đã phát huy tác dụng.
Giá hầu hết các dự án đất và hàng loạt chung cư tại TP.HCM đã chững lại và giảm giá trên diện rộng. Nhiều NĐT "ôm hàng" trước Tết chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí "ra hàng" với giá gốc để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng, vì lo sợ thị trường BĐS đóng băng. Thế nhưng với không ít người, đây lại chính là cơ hội để mua vào.
Một NĐT ở Q.1, TP.HCM cho biết, anh mới mua vào một nền nhà phố và một nền biệt thự tại dự án Khu nhà ở Bình Chiểu (Q.Thủ Đức) của Công ty phát triển nhà Thủ Đức với giá lần lượt là 8,5 triệu đồng/m2 và 9,5 triệu đồng/m2. "Đó là giá rất tốt do trước Tết, giá đất nền tại dự án này được giao dịch khoảng 15 triệu đồng/m2", anh này cho biết.
"Cũng như chứng khoán hay các ngành kinh doanh khác, muốn có lời phải tìm cơ hội mua vào khi giá thấp. Khi nào thị trường bình phục trở lại tôi sẽ bán ra. Nếu không có cơn chững lại lúc này, làm sao mua được đất dự án cách trung tâm có 10 km với giá tốt như vậy" - NĐT này tự tin nói.
Một NĐT mới tham gia thị trường BĐS cũng cho rằng, việc thị trường bất động sản hạ nhiệt và giảm giá là cơ hội cho những người mới như anh bởi "trước đây vài tháng, giá nhà, đất đều quá cao, vốn đầu tư bỏ vào rất lớn trong khi nguy cơ rủi ro rất cao. Nay thị trường đã hạ nhiệt nên tôi tranh thủ mua vào". Anh cho biết, đã mua vào 2 nền nhà phố tại dự án Bắc Rạch Chiếc với giá 12 triệu đồng/m2, giá trước Tết khoảng 16-20 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
"Lướt sóng" căn hộ
Anh Minh vừa mua vào căn hộ tại cao ốc Screc (đường Trương Định nối dài) với giá 28 triệu đồng/m2 cho biết, trước Tết anh đã bán căn hộ tại cao ốc này với giá 30 triệu đồng/m2. Sau Tết, khi nhiều NĐT lo sợ bán ra thì anh quyết định mua vào. "Chỉ trong vòng 1 tháng mình lãi 2 triệu đồng/m2 thì tội gì không mua. Trong khi chờ thị trường phục hồi, tôi vẫn cho thuê với giá 700 USD/tháng, mất đi đâu mà thiệt" - anh Minh nói.
Theo một chuyên gia BĐS, "lướt sóng" căn hộ thời điểm này là khá mạo hiểm bởi cuối năm 2008, đầu năm 2009 sẽ có rất nhiều dự án chung cư, cao ốc được khởi công và hoàn thành. Nguồn cầu tăng sẽ khiến thị trường giảm nhiệt và giá căn hộ sẽ không thể nóng được như trước đây. Tuy nhiên, theo một NĐT có thâm niên tại TP.HCM, nếu "lướt sóng" căn hộ tại các cao ốc trong vòng bán kính 5 km đổ lại tính từ khu vực trung tâm thì "vẫn OK".
NĐT này phân tích, đất cho cao ốc, chung cư ở trung tâm đã hết. Vì vậy giá căn hộ ở khu vực này sẽ luôn nóng. Còn nếu chấp nhận xa trung tâm thì phải đầu tư đất dự án. Bởi tâm lý nhiều người, chấp nhận mua căn hộ vì ở gần. Nếu đi xa thì phải mua nhà phố, biệt thự... Với quan điểm này, anh Minh đã lần lượt mua vào 2 căn hộ với giá dù đã giảm nhưng vẫn còn cao tại các dự án cao ốc trong vùng gần trung tâm.
Cũng tham gia "lướt sóng" căn hộ tại thời điểm này, chị Nga, một NĐT tại TP.HCM phân tích, nhiều người cho rằng giá căn hộ tại TP.HCM đang ở mức cao nhưng do tình hình giá nguyên vật liệu trong ngành xây dựng đã tăng gấp đôi, gấp 3 so với cuối năm 2007 nên những dự án cao ốc, chung cư khởi công tại thời điểm này trở về sau giá sẽ bị đội lên rất cao. Vì vậy, "lướt sóng" căn hộ vẫn có cửa cho những NĐT ngắn hạn. Đặc biệt ở thời điểm này, khi những người yếu bóng vía, chịu áp lực nợ vay ngân hàng đang bán ra với giá rẻ, thì đây lại là cơ hội cho những NĐT mạnh vốn, bản lĩnh.