Bất động sản hiện vẫn là một kênh đầu tư được nhiều người quan tâm và ưa chuộng. Tuy nhiên, dù có nhiều cơ hội, nhưng rủi ro cũng luôn rình rập nếu nhà đầu tư không thận trọng và tìm hiểu kỹ chủ đầu tư, dự án trước khi “chọn mặt gửi vàng”.
Trước khi đặt bút ký hợp đồng hoặc đặt cọc, khách hàng cần phải tìm hiểu rõ thông tin dự án, chủ đầu tư
|
Hồi chuông cảnh báo
Thời gian qua, thị trường bất động sản tiếp tục sôi động, nhất là phân khúc đất nền, nhà phố. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều chủ đầu tư, đơn vị phân phối đã tung ra thị trường nhiều dòng sản phẩm với các chương trình khuyến mãi, quà tặng hấp dẫn.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp, vẫn có không ít công ty làm ăn theo kiểu chụp giật, gian dối, khiến khách hàng mất cả “chì lẫn chài”.
Đơn cử, vụ việc khiến dư luận xôn xao nhất trong thời gian qua là việc Công ty cổ phần Địa ốc Kim Phát (gọi tắt là Công ty Kim Phát) bị hàng trăm khách hàng tố lừa đảo. Đã không ít lần những “thượng đế” kéo đến văn phòng của Công ty Kim Phát tại địa chỉ 246 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM, để đòi quyền lợi. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm của Công ty Kim Phát luôn né tránh. Thậm chí, một số khách hàng tố còn bị côn đồ hành hung.
Cụ thể, hàng trăm đơn thư tố cáo củ khách hàng mua đất tại Dự án Diamond City (Đồng Nai) do Công ty Kim Phát mở bán đã gửi tới các cơ quan chức năng và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA).
Theo phản ánh của khách hàng, lúc gọi điện hỏi thì nhân viên Công ty Kim Phát bảo dự án nằm ngay nút giao Thủ Đức, mặt tiền đường lớn, trong đó có tuyến Quốc lộ 1A đi qua sắp được mở rộng từ 45 - 80 m. Hơn nữa, dự án ở khu vực dân cư hiện hữu với nhiều công trình như bệnh viện, trường học, trung tâm hành chính… Tuy nhiên, khi tới trực tiếp xem, thì dự án lại nằm ở vùng ven thị trấn Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, chứ không phải tại nút giao Thủ Đức như đã quảng cáo.
Hơn nữa, dự án này cách tuyến Quốc lộ 1A khoảng hơn 1 km, cách Suối Tiên khoảng 40 km và muốn đến trung tâm TP.HCM phải đi hơn 50 km, cách tuyến Metro và Bến xe miền Đông vừa mới khởi công tại quận 9 (TP.HCM) khoảng 40 km.
“Lúc đưa chúng tôi đi thực tế thì khu đất được cho là dự án Diamond City đang san lấp, hai tuyến đường chính đi vào cũng chỉ được rải một lớp đá dăm, các phần hạ tầng còn lại như điện, nước... vẫn hoàn toàn chưa có”, một khách hàng chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, điều khiến các “thượng đế” bức xúc là sau khi đặt cọc giữ chỗ tại Dự án Diamond City mới phát hiện, dự án này thực chất là Dự án Khu dân cư xã Đồi 61 và chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, việc mở bán Dự án Diamond City từ khoảng tháng 2/2017. Ban đầu, đơn vị môi giới là Công ty Kim Phát và chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát (Công ty Việt Hưng Phát). Nhưng đến khoảng giữa tháng 4/2017, do sự phản ứng và hàng loạt đơn tố cáo của khách hàng về những dấu hiệu lừa đảo được gửi đến cơ quan chức năng tại TP.HCM và Đồng Nai, Công ty Kim Phát đã không còn đứng ra làm môi giới, mà Công ty Việt Hưng Phát với “mác” là chủ đầu tư trực tiếp đứng bán đất nền cho khách hàng.
Được biết, dự án có tên Diamond City chính là Dự án Khu dân cư xã Đồi 61 được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt 1/500 ngày 15/12/2016, chủ đầu tư là Công ty TNHH Lê Hương Sơn. Tuy vậy, theo khẳng định của Công ty Việt Hưng Phát và được ghi rõ trong các hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc với khách hàng, thì Công ty Việt Hưng Phát là chủ đầu tư.
Theo luật sư Nguyễn Việt Long, Đoàn Luật sư TP.HCM, nếu có việc Công ty Lê Hương Sơn bán dự án này cho Công ty Việt Hưng Phát khi chưa lập thủ tục đất đai tại Sở Tài nguyên và Môi trường là vi phạm nghiêm trọng Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
“Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã khẳng định, chủ đầu tư chưa lập thủ tục đất đai tại Sở, thì việc chuyển nhượng này đã vi phạm nghiêm trọng quy định về trình tự, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án tại Nghị định 76/2015 của Chính phủ”, luật sư Long nhấn mạnh.
Hơn nữa, Công ty Kim Phát và Công ty Việt Hưng Phát đều do ông Nguyễn Công Cường đứng ra thành lập. Không những thế, để mở rộng quy mô hoạt động, tháng 11/2016 Công ty Đại Phúc được ra đời và do ông Cường giữ 75% cổ phần, bà Nguyễn Thị Kim Ngân (là cổ đông tại Công ty Việt Hưng Phát, với chức danh Tổng giám đốc) giữ 22,5% cổ phần.
Thời gian qua, nhóm công ty này đã “làm mưa làm gió” tại khu vùng ven TP.HCM bằng nhiều hình thức như nhận mình là chủ đầu tư, trực tiếp thu tiền của khách hàng…
Những dự án do nhóm công ty này môi giới hiện đang bị nhiều khách hàng tố cáo là dự án The Small City (Long An), Western City (Long An), Gold Hill (Đồng Nai), Centre Point (Đồng Nai)…
Không chỉ các dự án đất nền tại vùng ven TP.HCM, nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án ở TP.HCM cũng đang gặp trường hợp tương tự. Cụ thể, hàng trăm khách hàng mua căn hộ ở Chung cư Gia Phú cách đây gần 10 năm, nhưng đến nay nhà vẫn chưa được nhận được nhà. Thậm chí, òn có nguy cơ mất trắng số tiền đã đóng trước đó.
Nguyên do bởi một căn hộ tại dự án này bị chủ đầu tư là Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú bán cho nhiều người, nhưng khi vụ việc vỡ lở, thì chủ đầu tư bỗng nhiên “biến mất”. Đến nay, những khách hàng mua căn hộ tại chung cư Gia Phú chỉ biết mang đơn đi gõ cửa các cơ quan chức năng để cầu cứu và đợi chờ trong vô vọng.
Tự bảo vệ mình
Nhiều chuyên gia trong cho rằng, trong những như trên, thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về khách hàng. Bởi dù phát hiện được sai phạm của chủ đầu tư, đơn vị phân phối và đâm đơn khởi kiện, nhưng để đòi lại được quyền lợi, chẳng khác nào “được vạ thì má đã sưng”.
Đơn cử như vụ của Công ty Kim Phát, nhiều khách hàng gửi đơn kiện tới Tòa án nhân dân quận 10 (TP.HCM) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngày 25/8/2017 vừa qua, Tòa án nhân dân quận 10 đã có lịch xét xử dân sự vụ án này, nhưng phía Công ty Kim Phát lại có đơn xin hoãn lại, bởi người đại diện pháp luật đang đi công tác. Hiện tại, thời gian mở lại phiên tòa vẫn chưa được Tòa án nhân dân quận 10 thông báo và người dân tiếp tục đợi.
Còn tại trường hợp ở chung cư Gia Phú, sau khi phát hiện Công ty Gia Phú có hành vi gian dối, khách hàng đã kiện chủ đầu tư ra tòa. Sau nhiều ngày xét xử, phần thắng đã thuộc về phía nguyên đơn, đồng nghĩa với việc Công ty Gia Phú phải hoàn tiền lại cho khách hàng. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư lại không chấp hành, mà đột nhiên “mất tích”.
Sau nhiều lần cố gắng liên lạc với chủ đầu tư nhưng đều bất thành, những khách hàng này lại mang đơn đi gõ cửa các cơ quan chức năng để yêu cầu được xét xử hình sự đối với chủ đầu tư, nhưng đều bị bác bỏ.
“Chúng tôi mang đơn đi kiện hình sự thì bị từ chối, nhưng khi đi kiện dân sự, dù tòa tuyên cho khách hàng thắng, nhưng không biết khi nào mình mới được chủ đầu tư trả lại tiền”, đại diện cho khách hàng mua căn hộ chung cư Gia Phú cho biết.
Trước những rủi ro trên, nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bán, khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về dự án, chủ đầu tư, hợp đồng bảo lãnh nhà ở giữa chủ đầu tư với ngân hàng theo quy định mới, cũng như lưu ý về các điều khoản cam kết trên hợp đồng để tránh những rủi ro xảy ra sau này.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản