Đầu tư 500 triệu USD xây hầm đường bộ Đèo Cả

Cập nhật 16/10/2010 08:40


Mô hình hầm đường bộ đèo Cả. (Nguồn: Internet)
Chiều 15/10, tại cuộc họp báo trước ngày khởi công Khu tái định cư - hạng mục đầu tiên thuộc dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng cho biết, hầm đường bộ qua Đèo Cả là một trong những dự án trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD).

Hầm đường bộ qua Đèo Cả được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), thuộc địa phận hai huyện Đông Hoà (Phú Yên) và Vạn Ninh (Khánh Hoà) với tổng chiều dài tuyến khoảng 11,125 km.

Sau khi hoàn thành, hầm đường bộ Đèo Cả sẽ dài gần 6 km gồm hai đường hầm với bốn làn xe, hai cầu, vận tốc thiết kế là 80km/h và có thể chịu được động đất cấp 7.

Đồng bộ với công trình chính là các khu điều hành, chuyên gia, dân cư và nhiều công trình dân sinh khác.

Dự án được chia thành bốn giai đoạn. Giai đoạn đầu thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Tháng 10/2010 sẽ khởi công xây dựng khu tái định cư. Tháng 12/2010 sẽ khởi công đường cầu và hầm. Sau 48 tháng kể từ ngày khởi công, hầm đường bộ Đèo Cả sẽ được thông xe vào tháng 12/2014 để sau đó chuyển sang giai đoạn vận hành và khai thác.

Liên doanh các nhà đầu tư: Tổng Công ty xây dựng Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Thạch B.O.T; Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Công ty Cổ phần Á Châu đã thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả để triển khai dự án.

Hai ngân hàng của Pháp là Ngân hàng Credit Agricole Corporeate Investment (CA-CIB) và Ngân hàng Societe Generale đã ký kết tài trợ vốn cho toàn bộ dự án.

Nằm trên Quốc lộ 1A, Đèo Cả là một trong những con đèo lớn và nguy hiểm nhất tại miền Trung. Với việc triển khai dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả , các phương tiện sẽ giảm bớt được gần 1/2 quãng đường đi, thời gian qua đèo sẽ chỉ bằng 1/4 trước đây. Đồng thời giảm thiểu các chi phí hao mòn hư hỏng xe, ước tính mỗi năm có thể tiết kiệm được gần năm triệu USD.

Nằm trong chiến lược phát triển hệ thống đường bộ Việt Nam tới năm 2020, hầm đường bộ qua Đèo Cả có ý nghĩa chiến lược cho mục tiêu phát triển lâu dài kết nối hai miền Nam Bắc, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho khu vực miền Trung mà đặc biệt là kết nối hai Khu kinh tế trọng điểm là Nam Phú Yên và Vân Phong (Khánh Hòa).

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+