Đấu thầu khu đất tam giác vàng Q1 (TP.HCM): Tài chính không rõ ràng = trúng thầu!

Cập nhật 09/04/2008 13:00

Theo nguồn tin riêng của Báo Tài nguyên - Môi trường, trong cuộc họp chiều 28/3/2008, lãnh đạo UBND TP.HCM vẫn quyết định đồng ý với đề xuất của Hội đồng đấu thầu chọn Liên danh Công ty Thái Sơn trúng thầu khu đất  tam giác vàng nêu trên; mặc dù thời gian gần đây nhiều cơ quan thông tấn báo chí và dư luận nhân dân hết sức thắc mắc và khó hiểu trước những việc làm của Hội đồng đấu thầu. Thiết nghĩ, lãnh đạo UBND TP.HCM hãy thật sáng suốt, tỉnh táo, công tâm và thận trọng trước khi đặt bút ký quyết định phê duyệt cho nhà đầu tư nào trúng thầu khu đất tam giác vàng này cũng như nhiều khu đất vàng về sau.

Khả năng tài chính quá tốt nhưng vẫn cho... rớt!

Như các số báo trước phân tích, hồ sơ mời thầu quy định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án không được thấp hơn 940 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn đầu tư của dự án) 4.700 tỷ đồng. Như vậy, nếu nhà đầu tư nào chỉ có 940 tỷ đồng mà được chọn trúng thầu dự án này, thì 80% số vốn còn lại (3.760 tỷ đồng) phải đi vay.

Đại diện Liên danh Công ty Cổ phần Khánh Gia cho biết, ngoài việc đáp ứng đầy đủ theo quy định của hồ sơ mời thầu về năng lực tài chính, họ đã chứng minh được Liên danh của mình hiện đang dư tới 41.000 tỷ đồng chưa sử dụng. Liên danh Công ty Khánh Gia đã được các ngân hàng và tổ chức tín dụng nổi tiếng của Hàn Quốc như: Daego Bank, Shinhan Bank, Shinyong Secuirities và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cấp Chứng thư bảo lãnh. Các Chứng thư bảo lãnh này của Liên danh Công ty Khánh Gia cũng đều được Sở Kế hoạch và Đầu tư và Hội đồng đấu thầu thừa nhận là quá tốt!.

Còn khả năng tài chính của Liên danh Công ty Thái Sơn, ngoài việc tuân thủ theo quy định bắt buộc của hồ sơ mời thầu là 940 tỷ đồng, còn dư bao nhiêu thì chỉ có Hội đồng đấu thầu biết và lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã từ chối không cho báo chí biết chứng thư bảo lãnh cũng như hồ sơ năng lực tài chính của Liên danh Công ty Thái Sơn.

Như vậy, dư luận có quyền nghi vấn về sự minh bạch trong quá trình chấm thầu của Hội đồng đấu thầu, vì đây là một cuộc đấu thầu tổ chức công khai. Tại sao một nhà đầu tư có khả năng tài chính rõ ràng, dồi dào như Liên danh Công ty Cổ phần Khánh Gia lại không được chọn?

Cũng cần phải nói rõ thêm Liên danh Công ty Thái Sơn chọn khu đất hơn 9.000 m2 tại phường Cầu Kho, quận 1 để xây dựng Trường Ten-lơ-man mới, có tới hơn 249 hộ dân cư trú. Vậy tính khả thi của việc xây dựng Trường Ten-lơ-man theo yêu cầu bắt buộc và là điều kiện tiên quyết của Hồ sơ mời thầu không cao vì chắc chắn việc đền bù giải tỏa cho 249 hộ dân này sẽ rất chật vật, ảnh hưởng tới tiến độ chung của toàn dự án.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc đền bù giải tỏa và xây dựng trường mới Ten-lơ-man sẽ tốn một khoản tiền rất lớn, sẽ gây ảnh hưởng tới tổng vốn đầu tư dự án, vậy liệu Liên danh Công ty Thái Sơn có lo đủ số tiền 1.900 tỷ đồng để hỗ trợ cho ngân sách TP.HCM như đã cam kết? Nhưng theo giải thích của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nếu Liên danh Thái Sơn không nộp đủ số tiền 1.900 tỷ đồng hỗ trợ như đã cam kết thì TP có quyền thu lại dự án. Nếu vậy thì tổ chức đấu thầu để làm gì khi không chọn được nhà thầu đủ mạnh về tài chính?

Trong khi đó, Liên danh Công ty Cổ phần Khánh Gia đã chọn được địa điểm cụ thể số 379 Bến Chương Dương, phường Cầu Kho, quận 1 để đầu tư xây dựng trường Ten-lơ-man mới. Đây là một khu đất trống mà Liên danh Công ty Cổ phần Khánh Gia đã ký thỏa thuận địa điểm với Công ty Cổ phần nước giải khát Chương Dương, đồng thời cam kết hoàn thành việc xây dựng trường Ten-lơ-man mới chỉ trong 8 tháng trước khi triển khai dự án.

Qua nghiên cứu Hồ sơ mời thầu, chúng tôi thấy những tiêu chí để chấm điểm cho các nhà thầu liên danh của Hội đồng đấu thầu cũng mập mờ không rõ, khiến Liên danh Công ty Cổ phần Khánh Gia khiếu nại. Ví dụ phần chấm điểm đánh giá về năng lực kinh nghiệm của Liên danh Công ty Thái Sơn là 27 điểm (tối thiểu 20 điểm) còn Liên danh Công ty Cổ phần Khánh Gia chỉ có 21 điểm. Kết quả đánh giá quản lý và khai thác kinh doanh của Công ty Khánh Gia được 47 điểm (tối thiểu 35 điểm), Công ty Thái Sơn được 50 điểm.

Sẽ không có điều đáng bàn nếu trong Liên danh của Công ty Khánh Gia lại có sự hiện diện của Công ty Ssangyong Engineering and Construction và Công ty Doosan Haevy Industries & Construoction Co., Ltd - là 2 tập đoàn đầu tư lớn nằm trong TOP 10 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc. Vì vậy, Liên danh Công ty Cổ phần Khánh Gia trong Công văn số 16/KSDP.08 (ngày 18/3/2008) đã cho rằng thành viên Hội đồng đấu thầu làm chưa hết trách nhiệm, chưa đọc qua và xem xét toàn diện từng hồ sơ dự thầu của các nhà đầu tư.

Vi phạm luật lại được chọn trúng thầu?


Trước sự khiếu nại quyết liệt của Liên danh Công ty Cổ phần Khánh Gia, theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và UBND TP.HCM, ngày 18/3/2008, Sở Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Hội đồng đấu thầu để thẩm định việc đấu thầu. Qua những phân tích, đánh giá, nổi bật 2 vấn đề chính thể hiện dấu hiệu vi phạm luật và vi phạm nội quy của hồ sơ mời thầu trong quá trình tổ chức đấu thầu.

Thứ nhất: Việc Liên danh Công ty Thái Sơn hỗ trợ tổng cộng 1.900 tỷ đồng (tăng thêm) cho TP.HCM để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Hội đồng đấu thầu đã thừa nhận "đây là hình thức chào giá có điều kiện". Và nếu xem đây là hình thức chào giá có điều kiện thì hồ sơ dự thầu của Liên danh Công ty Thái Sơn phải bị loại bỏ theo quy định tại mục 27, chương II của Bảng dữ liệu đầu thầu (trang 45). Nhưng không hiểu vì sao Hội đồng đấu thầu lại thống nhất ý kiến đây không phải là hình thức chào giá có điều kiện? Sự khuất tất này là một lý do khiến Liên danh Công ty Cổ phần Khánh Gia khiếu nại liên tiếp.

Sự "mập mờ đánh lận con đen" này của Hội đồng đấu thầu còn lặp lại khi giải thích khiếu nại của Liên danh Công ty Cổ phần Khánh Gia rằng: "Liên danh Công ty Thái Sơn là một nhóm khách hàng chứ không phải là một khách hàng, nên tổng mức cho vay và bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với một nhóm khách hàng có thể lên tới 60% vốn tự có của Tổ chức tín dụng" (Văn bản số 28/TTr - HĐĐTLCNĐT ngày 15/2/2008).

Thứ hai: Sở Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM đều công nhận: Hồ sơ dự thầu của Liên danh Công ty Thái Sơn có cam kết tín dụng của BIDV, theo đó BIDV cam kết với bên mời thầu sẽ cung cấp vốn (4.200 tỷ đồng) cho nhà đầu tư khi có yêu cầu theo đúng tiến độ đăng ký tại hồ sơ dự thầu để thực hiện dự án.

Từ đó, Sở Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM không chấp nhận cách giải thích lập lờ của Hội đồng đấu thầu thế nào là "một nhóm khách hàng" và "một khách hàng", đồng thời cho rằng: Cam kết tín dụng này của BIDV cần phải tuân thủ theo Quy định tại Điều 8 Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Theo Điều 4 của Luật Đấu thầu ngày 29/11/2005 thì việc các đơn vị tham gia đấu thầu vào công trình này chỉ có thể với tư cách là một đơn vị tham gia đấu thầu (nhà thầu độc lập hoặc nhà thầu liên danh). Với vốn tự có hiện nay khoảng 15.000 tỷ đồng, thì BIDV chỉ được phép cho vay và bảo lãnh đối với một khách hàng không vượt quá 3.750 tỷ đồng. Vậy dựa trên cơ sở nào mà BIDV đã dám "phóng tay" cam kết tài trợ vốn cho Liên danh Công ty Thái Sơn tới... 4.200 tỷ đồng?.

Đã vậy, qua Công văn số 1197/CV-PC, BIDV còn né trách nhiệm của mình khi biện minh: Cam kết tài trợ vốn cho Liên danh Công ty Thái Sơn chỉ là cam kết mang tính nguyên tắc, không chịu sự điều chỉnh về các giới hạn tín dụng theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, pháp luật quy định rất rõ: Tổ chức tín dụng nào phát hành các chứng thư liên quan đến việc cho vay vốn, bảo lãnh vay vốn phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc cho vay của các ngân hàng thương mại và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ TN - MT