Đến nay đã tròn một năm kể từ khi “khui” kết quả đấu thầu chọn nhà đầu tư khu “tam giác vàng” Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM). Thế nhưng đến giờ, mỏ vàng hàng ngàn tỷ đồng ấy vẫn ngủ yên. Những thiệt hại của TP về công tác thu hút đầu tư, chỉnh trang đô thị không tính hết được. Đơn vị trúng thầu thì “âu sầu” vì… chờ đợi! Đã vậy, 5- 6 khu đất vàng khác của TP cũng bị ách lây…
Hàng ngàn tỷ đồng... nằm chờ!
“Mở thầu”, Liên danh Thái Sơn thắng với giá dự thầu hơn 6.800 tỷ đồng, trong đó mức hỗ trợ cho ngân sách là 1.900 tỷ đồng. Thế nhưng, không đồng tình với kết quả chấm thầu (vì cho rằng hội đồng chấm dựa trên số tiền hỗ trợ cao, còn giá dự thầu của Thái Sơn chỉ đứng thứ 3) nên Liên danh Khánh Gia (một trong những đơn vị tham gia đấu thầu) khiếu kiện lên Chính phủ. Đúng – sai thế nào giờ vẫn chưa có kết luận chính thức, nhưng một năm trôi qua “chủ hờ” của khu đất này vẫn chưa thể khởi động dự án.
Anh Nguyễn Văn Minh, nhà nằm trong dự án này bức xúc: “TP nói quy hoạch khu vực này, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy khởi động khiến chúng tôi sống trong thấp thỏm, cả năm qua không cho thuê được nhà vì sợ bị… bể hợp đồng. Chị Nguyễn Thị Minh tiếp lời, nhà chúng tôi nằm trong dự án đã công bố giải tỏa nên chẳng ai dám thuê, những người cho thuê rồi cũng không tăng giá được vì chẳng biết khi nào giải tỏa. Nhưng đã một năm rồi chẳng thấy động tĩnh gì”.
Vì “vướng” đơn khiếu nại mà một năm qua, không chỉ khu tam giác vàng, diện tích 13.000m², nằm ngay trung tâm quận 1, trị giá hàng ngàn tỷ đồng bị nằm bất động mà công tác thu hút đầu tư, chỉnh trang đô thị của TPHCM cũng bị ách lây. Hiện TP có 5- 6 khu đất vàng khác đang nằm chờ kết luận của Chính phủ, để quyết định xem có tiếp tục thực hiện đấu thầu các dự án khác nữa không và đấu thầu như thế nào.
Đấu thầu hay chỉ định?
Rõ ràng, hình thức đấu thầu tạo sân chơi công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư và thể hiện được sự tiến bộ hơn nhiều so với việc chỉ định thầu trước đây. Thế nhưng, do các văn bản pháp luật của nhà nước chưa kịp ban hành, sốt ruột vì muốn đẩy nhanh việc thu hút đầu tư, chỉnh trang đô thị, TPHCM đã cử đoàn đi học tập kinh nghiệm ở các nước mang về ứng dụng thí điểm đầu tiên. Để đẩy nhanh dự án, quy chế đấu thầu còn đi kèm với quy định phân cấp công tác giải tỏa đền bù về cho quận – huyện, và để góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc về cơ sở hạ tầng của TP, quy chế cũng có cả mục “đóng góp ngân sách”… Đó là những điểm tiến bộ.
Còn việc thí điểm thì dĩ nhiên có đúng, có sai. Vì thế, sau một năm việc đấu thầu thí điểm được thực hiện, trước nhiều dư luận về phương thức đấu thầu, đã đến lúc Chính phủ cần ban hành quy định về công tác đấu thầu để áp dụng thống nhất, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Bởi rõ ràng, việc đấu thầu thí điểm tại TPHCM (trước đây là khu chợ Văn Thánh và nay là khu tam giác vàng này), ngoài mục đích tạo sự công bằng cho nhà đầu tư còn thu được hơn 2.000 tỷ đồng ủng hộ cho ngân sách, góp phần giúp TP giải quyết nhiều vấn đề về đầu tư cơ sở hạ tầng đang nóng bỏng.
Mặt khác, nếu phát hiện tiêu cực trong quá trình đấu thầu thì cũng phải nhanh chóng xử lý. Việc nhanh chóng có kết luận trong vụ này sẽ đồng thời giải quyết ách tắc ở các dự án khác.
Chỉ tính riêng khu đất 164 Đồng Khởi (quận 1), hiện đã có hơn 70 nhà đầu tư xin tham gia đấu thầu đầu tư. Nếu quay về chỉ định thầu sẽ gây bất bình trong các doanh nghiệp. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tạo công bằng cho các doanh nghiệp, không chỉ lãnh đạo TP mà cả các doanh nghiệp cũng mong Chính phủ có quyết định sớm, ban hành quy chế đấu thầu chọn lựa nhà đầu tư, để các dự án không phải tiếp tục nằm chờ, gây lãng phí!
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng