Đâu là nút thắt?

Cập nhật 08/06/2011 10:40

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành tìm giải pháp phát triển ổn định TTCK và BĐS. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu trong tháng 6.2011, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN phân tích, đánh giá và báo cáo Chính phủ về tình hình hoạt động của thị trường BĐS, TTCK, đề xuất giải pháp tổ chức, quản lý phù hợp nhằm phát triển ổn định, có hiệu quả hai thị trường này, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá thị trường

TTCK hiện nay đang được cho là ảm đạm. Trên thực tế, đây là điều dễ hiểu khi mà chi phí giá đầu vào gồm xăng, dầu điện phi mã. Bên cạnh đó, lãi suất vay và cho vay cũng duy trì ở mức rất cao khiến cho hầu hết các DN gặp khó khăn. Đặc biệt, chính sách thắt chặt tín dụng khiến dòng tiền bị hạn chế... Tất cả những yếu tố này khiến cho TTCK giảm điểm, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng đang bị méo mó.


Tuy nhiên ở góc độ khác, nhiều chuyên gia cho rằng TTCK bấy lâu nay phát triển kiểu tự phát và thiếu sự quản lý chặt chẽ. Đầu tiên là sự lỏng lẻo về tín dụng. Không ít DN và NĐT đã dùng đòn bẩy tài chính cũng như lượng tiền vượt quá khả năng để “chơi CK”. Tiếp đến là sự nở rộ của các CTCK, các sàn CK và thậm chí là sự “nở rộ DN” để lên sàn CK. Đây chính là yếu tố pha loãng thị trường và dòng tiền, gián tiếp tạo nên những DN thiếu năng lực, lãng phí đầu tư và đặc biệt là tạo nên dòng tiền tiềm ẩn sự rủi ro. Với những yếu tố này, không sớm thì muộn TTCK sẽ phải gánh chịu những hệ lụy vì sự phát triển không bền vững.

Đối với thị trường BĐS cũng vậy. Đã có một thời gian dài, việc đầu cơ - lướt sóng khiến chi thị trường bùng nổ và phát triển nóng. Khi đó, những NĐT “nước bọt” dễ dàng mua suất, làm giá và ăn chênh lệch. Vào thời điểm này, những nguy cơ là nhiều nhất, nhưng lợi nhuận lại có thể ở mức cao nhất. Nhưng ở cấp độ vĩ mô, do áp lực lợi nhuận nên hàng loạt DN BĐS cũng đua nhau lao vào “cuộc làm ăn”. Những dự án ma, những dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực, những dự án bị làm giá... đã khiến cho thị trường rời xa điểm giá trị thực và gia tăng giá trị ảo theo sự đầu cơ. Khi các chính sách về tiền tệ, chính sách quản lý được thắt chặt thì những nguy cơ biến thành rủi ro. Những DN và dự án không đủ năng lực thì có nguy cơ phá sản, nhà đầu cơ hoặc khách hàng không kịp “chạy hàng” thì gánh chịu thiệt hại khi “trả giá thật” cho “giá trị ảo”.

Cần “bàn tay chính sách”


Cho dù lĩnh vực kinh tế khác nhau, song cả TTCK cũng như thị trường BĐS đều có điểm chung là “nút thắt” từ tác động chính sách tài chính, tiền tệ. Số đông chuyên gia cho rằng lâu nay, người ta chủ yếu là “đầu cơ” BĐS và “đầu cơ” CK chứ rất ít người thực sự là những NĐT. Luật gia Hữu Dung phân tích: Hiện nay trên TTCK, cá nhân hay các NĐT lớn đều có thể dùng đòn bẩy tài chính. Ví dụ cụ thể là nếu có 1 đồng, những nhà “đầu cơ” này có thể sử dụng thêm 1 - thậm chí là 2 đồng nữa từ các nguồn tín dụng khác nhau, trong đó bao gồm cả tín dụng “đen” kiểu thỏa thuận “gầm bàn” với nhà cung cấp tín dụng.

Trong trường hợp TTCK ảm đạm như hiện nay, rủi ro của NĐT không phải là 1 đồng mà là 2 hoặc 3 đồng. Rủi ro của NĐT lúc này đi kèm với rủi ro của nhà cung cấp tín dụng. Đây chính là hệ lụy của việc lỏng lẻo trong quản lý tài chính, tiền tệ, tín dụng từ các NH, các CTCK, các sàn CK hiện nay. Bên cạnh đó, từ lâu các chuyên gia đã cảnh báo tình trạng “nở rộ” DN lên sàn và “nở rộ” CTCK. Khi kinh tế ảm đạm, không ít DN thua lỗ, phá sản để lại gánh nặng cho NĐT. Tương tự khi TTCK sụt giảm, các CTCK cũng rơi vào thua lỗ, bế tắc.

Với thị trường BĐS, tình trạng “đầu cơ” cũng xảy ra với không ít cá nhân và không ít dự án. Nhiều DN và sàn giao dịch cho biết có khá nhiều người đã phải “bỏ tiền cọc” do không kịp lướt sóng, nhưng cũng không có tiền để theo đuổi dự án. Tuy nhiên, có một vấn đề cảnh báo là do quản lý lỏng lẻo nên việc bán nhà trên giấy, bán nhà “trong tương lai” diễn ra rầm rộ.

Đặc biệt cũng từ sự buông lỏng quản lý nên việc giao dịch ngầm, giao dịch viết tay, giao dịch không qua sàn... khiến mức độ rủi ro gia tăng. Điều được các NĐT cũng như thị trường kỳ vọng là thị trường BĐS hiện nay chưa phải là “bong bóng vỡ”. Các chuyên gia cho rằng vốn đổ vào BĐS hiện nay không phải 100% từ NH, vì thế không có chuyện nổ bong bóng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng thị trường này đã có những ung nhọt mà chủ yếu là giá trị ảo, lãng phí đầu tư... Vì thế, việc thắt chặt tín dụng đối với đầu cơ BĐS là cực kỳ cần thiết. Qua đó, trả lại giá trị thật cho thị trường như một kiểu “tháo ngòi nổ bong bóng”.

Ý kiến đồng nhất của các chuyên gia là về lâu dài, cả TTCK và BĐS cần “bàn tay chính sách” với sự quản lý chặt chẽ. Qua đó thanh lọc sự đầu cơ, thanh lọc những DN yếu kém cũng như thanh lọc dòng tiền rủi ro. Các chuyên gia cho rằng nếu biện pháp quản lý chặt, giám sát nghiêm thì sẽ hạn chế rủi ro cho NĐT, không đẩy thị trường vào bất ổn không đáng có.

Ngày 7.6, TTCK chứng kiến sự giằng co giữa bên mua và bên bán. Khi bên mua thắng thế, hàng loạt CP đã tăng điểm, trong hơn 200 mã tăng điểm ở sàn TPHCM, khoảng một nửa mã CP đã tăng trần. Vn-Index kết thúc phiên giao dịch ngày 7.6 với 443,68, tăng 9,87 điểm. Giao dịch đạt 31,8 triệu CP, tương ứng 642,1 tỉ đồng. Sàn Hà Nội cũng có trên 260 mã tăng điểm (hơn một nửa tăng trần), HNX-Index chốt tại 76,09, tăng 2,49 điểm. Giao dịch đạt 37,9 triệu CP, giá trị chuyển nhượng tương ứng 434,35 tỉ đồng.



DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động