Đầu cơ đất: Cầm cự rồi “mất tích”

Cập nhật 30/07/2012 09:00

Không còn chịu nổi mức “lạnh giá” của thị trường bất động sản, nhiều chủ đầu tư ở Bình Dương bắt đầu trốn nợ, nhiều người khác lâm vào vòng lao lý

Nhiều người dân góp tiền tham gia dự án khu dân cư Phú Quang nhưng hiện chủ đầu tư đã bỏ trốn

Ngày 28-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thượng tá Võ Văn Phúc, Trưởng Công an thị xã Dĩ An - Bình Dương, cho biết Công an thị xã Dĩ An vừa ra quyết định truy nã ông Đào Thanh Trường, nguyên giám đốc Chi nhánh ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank Bình Dương, về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo thông tin ban đầu, ông Trường đã lợi dụng chức danh để vay nhiều tỉ đồng của người dân và ngân hàng nhằm mua đất ở khu vực TP mới Bình Dương mong bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đóng băng, đất mua không những tụt giá mà còn không bán được nên buộc lòng ông Trường phải trốn nợ.

Ông Đào Thanh Trường bị truy nã vì hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Tháo chạy khỏi dự án

Khi thị trường bất động sản Bình Dương còn sôi động, ông Trường đã nhờ khoảng 40 người đứng tên để ông lập hồ sơ khống vay ngân hàng khoảng 135 tỉ đồng để mua nhiều nền đất. Mua đất xong, giá bất động sản đi xuống, ông Trường cố cầm cự không bán đất. Để có tiền trả lãi, đáo hạn ngân hàng, ông Trường phải vay tiền của nhiều người. Trong đó, ông vay của bà Nguyễn Thị Thanh N. (giám đốc một công ty ở thị xã Dĩ An) tổng cộng 5,5 tỉ đồng. Tiếp đó, thị trường nhà đất đóng băng, ông Trường bỏ trốn. Cuối năm 2011, bà N. đã gửi đơn tố cáo ông Trường đến cơ quan công an.

Nhiều chủ đầu tư các dự án khu dân cư ở Bình Dương đang lỗ nặng vì giá đất nền rất thấp, trong khi trước đó đã vay hoặc hợp tác với nhiều người cùng bỏ ra số tiền rất lớn để đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng... Nhiều chủ đầu tư đã tính chuyện tháo chạy khỏi các dự án nhà ở.

Mới đây, Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng xác minh, xử lý vụ hàng trăm người dân khiếu nại chủ đầu tư khu dân cư Phú Quang. Theo đó, từ năm 2003, hàng trăm hộ dân ở Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai... đã góp hơn 30 tỉ đồng cho ông Phạm Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Phú Quang, để tham gia đầu tư dự án khu dân cư Phú Quang (phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An). Dự án này “trùm mền” trong thời gian dài nên đã bị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi. Những người góp vốn hiện không liên lạc được với ông Hải. Cơ quan chức năng đã ban hành lệnh cấm ông Hải xuất cảnh.

Tan tành giấc mộng


Nhiều chuyên gia về nhà đất ở Bình Dương đều có chung nhận định là thời gian tới, rất có thể sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư bất động sản bỏ trốn để “xù” nợ ngân hàng hoặc đối tác. Nguyên nhân là tiền lãi từ các khoản vay để mua bất động sản ngày càng đội lên trong khi đất đai ế ẩm.

Ông Nguyễn Thành Vinh, người chuyên môi giới nhà đất ở xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát - một trong những nơi có nhiều dự án bất động sản nhất Bình Dương, cám cảnh: “Hồi năm 2007, người TPHCM đi xe hơi đổ về đây mua đất, xe nào cũng mang theo mấy vali tiền. Giờ biển rao bán đất dán đầy vỉa hè, treo tràn ngập trên các hàng cây dọc những con phố nhưng người đi đường có ai thèm dòm đâu”.

Theo ông Vinh, năm 2007, người ta thi nhau sang tay nền đất để hưởng chênh lệch. Để “lướt sóng đất” kiếm tiền, nhiều người vay nóng ngân hàng với lãi suất 17% - 19 %/năm. Một nền đất 300 m2 trong dự án khu dân cư hiện đại có giá từ 500 triệu đồng có thể vọt lên 1,5 tỉ đồng sau nhiều lần sang tay. Vậy mà thời điểm này, giá đất cùng loại ở Bến Cát chỉ còn khoảng 300 - 400 triệu đồng/nền. Thậm chí, có nền đất rao giá chưa đến 1 triệu đồng/m2 mà vẫn không có người mua.

Quá thừa dự án bất động sản

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, nhu cầu nhà ở của người dân tỉnh này không quá cao, trong khi dự án bất động sản mở ra quá nhiều khiến nhiều dự án đất nền không có khách hàng. Chỉ trong khoảng 5-6 năm qua, các nhà đầu tư đã mở ra khoảng 220 dự án bất động sản với tổng diện tích lên đến trên 8.500 ha. Trong đó, có 148 dự án do UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, số còn lại do UBND các huyện, thị xã lập quy hoạch và phê duyệt. Trong khi đó, theo điều tra vào năm 2009, dân số của Bình Dương chỉ khoảng 1,5 triệu người. Đến nay, dân số tỉnh này tăng nhiều do lượng người nhập cư lớn. Tuy nhiên, lượng người nhập cư chủ yếu là công nhân nên khả năng mua nhà đất rất hạn hẹp.



DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động