Đất xứ dừa lên giá bất thường

Cập nhật 28/05/2010 11:20

Hơn một tháng qua kể từ khi thông xe cầu Hàm Luông và quốc lộ 60 mới (thành phố Bến Tre), người dân khu vực này thi nhau phá vườn cây, san lấp mặt bằng và mua bán đất ì xèo. Nhà cửa, hàng quán thi nhau mọc lên.


Người dân Mỏ Cày Bắc đua nhau đắp bờ bao, bơm cát san nền để bán.

Giữa trưa nắng nóng nhưng Nguyễn Hữu Phước, chủ lô đất rộng gần 1.000m2 sát quốc lộ 60 thuộc ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày Bắc) vẫn dầm mình trong đống cát sông đang bơm từ dưới ghe lên san lấp mặt bằng. Gạt mồ hôi, Phước giải thích: “Tui mới phá vườn dừa, thuê người đắp bờ bao, bơm cát sông làm mặt bằng ngang với mặt đường quốc lộ 60 để... bán đất. Hiện nay ở khu vực này đất đã san lấp mặt bằng xong bán với giá 3 triệu đồng/m2, chưa san lấp giá 2 triệu đồng/m2”.

Phá vườn

Phước nói, trước khi có cầu Hàm Luông và quốc lộ 60 mới, đất vườn khu vực này kêu bán 50 triệu đồng/công (1.000m2) là hết mức. Nhưng sau khi cầu, đường thông xe (24.4.2010), nhiều người từ thành phố Bến Tre, Tiền Giang, TP.HCM... tìm đến hỏi mua đất khiến vùng này lên cơn sốt phá vườn, san lấp mặt bằng bởi giá đất đang đội lên từng ngày.

Ông Nguyễn Văn Nam, chủ một ghe bơm cát kiêm nghề “cò đất”, cho biết nếu đi từ cầu Hàm Luông vào thành phố Bến Tre, phía bên phải quốc lộ 60 thuộc hai ấp Phú Lợi, Bình Thành của xã Bình Phú giá đất 500.000 đồng/m2 nhưng ít người mua vì toàn bộ đã được quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi, trung tâm thương mại. Nhưng phía bên trái, dù là đất vườn dừa nhưng nhiều người hỏi mua với giá 5 triệu đồng/m2 cũng không mấy người bán. “Hiện nay đất phía bên Mỏ Cày Bắc còn rẻ nên nhiều người tìm mua để san lấp mặt bằng, mở hàng quán, dịch vụ kinh doanh mua bán”, ông Nam nói.

Ông Võ Tòng Chinh, cán bộ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng tài nguyên và môi trường huyện Mỏ Cày Bắc nhận xét, mức sang nhượng 2 - 3 triệu đồng/m2 là “cao bất thường”. Ông nói: “Cho đến nay khu vực này vẫn là đất nông nghiệp, chưa có quy hoạch khu dân cư hay đô thị, thương mại dịch vụ. Do vậy giá đất thổ cư theo quy định của Nhà nước tối đa 1 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí. Còn đất trồng cây lâu năm chỉ có 100.000 đồng/m2”, ông Chinh nói.

Nhiều bất trắc

“Việc mở hàng quán, dịch vụ, nhà phố sau khi cầu Hàm Luông và quốc lộ 60 thông xe là xu hướng tất yếu, khó ngăn được người dân. Nhưng những người mua đất nên xem xét kỹ vị trí đất chọn mua để tránh tình trạng mua nhầm đất vi phạm lộ giới và hành lang bảo vệ an toàn đường bộ, dẫn đến nhiều rắc rối, mất tiền oan”. - Ông Võ Tòng Chinh, cán bộ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng tài nguyên và môi trường huyện Mỏ Cày Bắc.
Việc mua bán đất ở khu vực này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Ông Bùi Hữu Hiền, cán bộ địa chính xã Tân Thành Bình, cho biết người dân mua bán đất ì xèo nhưng hồ sơ đăng ký chuyển nhượng, sang tên chủ quyền đất chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Do giá đất quá cao nên đa số chỉ mua 100 - 200m2 đủ để mở hàng quán. Trong khi theo quy định của Nhà nước muốn tách thửa, sang tên, chuyển quyền sử dụng đất phải có diện tích tối thiểu là 300m2, vì vậy hầu hết các vụ mua bán đất ở khu vực này chỉ làm giấy tay”, ông Hiền nói.

Theo ông Hiền, việc mua bán, chuyển nhượng đất bằng giấy tay có nhiều bất trắc, bởi khi xảy ra tranh chấp thì người mua đất sẽ chịu thiệt thòi vì giấy tay chẳng có giá trị pháp lý khi kiện tụng ra toà. “Thực tế nhiều người sau khi mua đất bằng giấy tay đã thấy được rủi ro nên làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng từ đất vườn sang đất thổ cư. Nhưng sau đó họ bỏ luôn hồ sơ vì số tiền phải nộp là 1 triệu đồng/m2, gần bằng tiền mua đất”.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị