Đất, vốn giá rẻ cứu tập đoàn nhà nước

Cập nhật 09/11/2009 16:35

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang phải trả giá đắt cho việc đầu tư vào lĩnh vực tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư vốn bùng nổ năm 2007 rồi xẹp xuống năm 2008. Nhưng vì sao nhiều doanh nghiệp nhà nước đã không “đổ” sau khi đầu tư quá nhiều vào lĩnh vực tài chính mà không mang lại hiệu quả? Có vẻ như những lợi thế về đất đai, vốn và cơ chế đã cứu họ.

Bản báo cáo giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện cho giai đoạn 2006 – 2008 và được phổ biến cho các đại biểu cuối tuần trước tại kỳ họp đang diễn ra, gợi cho ta đi đến kết luận như vậy.

Theo báo cáo này, có tất cả 47 tập đoàn, tổng công ty tham gia vào lĩnh vực tài chính với tổng vốn đầu tư 6.434 tỉ đồng năm 2006, 16.190 tỉ đồng năm 2007 và 21.164 tỉ đồng năm 2008. Trong số này, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) dẫn đầu với tổng vốn đầu tư là 5.494 tỉ đồng, chiếm tới 26% tổng số tiền các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực tài chính năm 2008. Tiếp theo là tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với 2.146 tỉ đồng, chiếm hơn 10%.

Nhưng nay thì các tập đoàn này đang phải gánh chịu hậu quả do thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm mạnh, các quỹ đầu tư giảm tới 40 – 60% giá trị tài sản ròng. Đầu tư của các tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Công nghiệp cao su, Công nghiệp tàu thuỷ (Vinashin) vào chứng khoán đều không phát sinh lợi nhuận.

Hiệu suất đầu tư (tức lợi nhuận trên vốn đầu tư) của 47 tập đoàn, tổng công ty vào lĩnh vực tài chính trong cả ba năm qua “nhìn chung là thấp hơn so với đầu tư vào ngành kinh doanh chính của các đơn vị này”.

Về tổng thể, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận định: “Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty bị lỗ hoặc không phát sinh lợi nhuận trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán và góp vốn vào quỹ đầu tư”. Tuy vậy, uỷ ban thừa nhận rằng, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty không báo cáo cho đoàn giám sát của Quốc hội các khoản mục đầu tư ra ngoài ngành này “theo giá trị thị trường” vốn đã suy giảm nghiêm trọng trong năm 2008.

Đánh giá của uỷ ban phản ánh những lo lắng của các nhà kinh tế và nhà phản biện chính sách về việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước – được xác định là “mũi nhọn của nền kinh tế” - đầu tư tràn lan ra ngoài ngành trong ba năm vừa qua và lơ là trách nhiệm kinh doanh chính của mình.

Báo cáo nhận định, một số tập đoàn, tổng công ty đầu tư với số tiền lớn ra ngoài ngành, trong khi đang thiếu nguồn lực tài chính để phát triển các dự án quan trọng. Ví dụ, EVN đầu tư 2.146 tỉ đồng ra ngoài ngành năm 2008, trong khi đang thiếu 382.931 tỉ đồng để phát triển nguồn và lưới điện đến năm 2015.

Vấn đề đất đai ở các tập đoàn này mới là điều đáng nói. Báo cáo cho biết, 88 tập đoàn, tổng công ty đang được giao, thuê và trực tiếp quản lý 365.818ha đất, một con số vô cùng lớn, và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã không thể đánh giá về hiệu quả sử dụng quỹ đất này.

Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ của đoàn giám sát ở TP Hồ Chí Minh cho thấy sự lãng phí lớn. Tính đến tháng 6.2009, các doanh nghiệp nhà nước ở TP.HCM, đang quản lý hơn 116 triệu mét vuông đất, trong đó tới 10% là cho thuê lại, bỏ trống, đất dự án chưa sử dụng hoặc triển khai chậm (tổng cộng trên 2 triệu 250 ngàn mét vuông).

Báo cáo cho rằng, một số tập đoàn, tổng công ty đang có những lợi thế do đang sử dụng một số lượng lớn diện tích đất được giao từ thời kỳ trước, có vị trí thuận lợi, với giá thuê đất chênh lệch rất nhiều so với giá thị trường. Ví dụ, tiền thuê đất hàng năm với đơn giá trung bình ở tổng công ty thương mại Hà Nội - một trong những công ty có nhiều siêu thị nhất thủ đô - chỉ là 109 ngàn đồng/mét vuông/năm.

Đây là điều bất bình đẳng so với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Báo cáo kết luận, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về cơ bản chưa phản ánh đúng sự thực do chi phí đầu vào là đất đai được định giá rất thấp.

Dù nắm những lợi thế như vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước này lại có vấn đề. Theo báo cáo, hơn 25% trong số 91 tập đoàn, tổng công ty báo cáo có mức lợi nhuận âm hoặc dưới 5%, và hơn 45% có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%, dù báo cáo không quên ca ngợi các tập đoàn, tổng công ty đã đóng góp 420 tỉ đồng để thực hiện các “nhiệm vụ xã hội”, giải quyết việc làm cho 1,179 triệu lao động và nhiều tập đoàn, tổng công ty trở thành công cụ quan trọng trong việc điều tiết thị trường, ổn định giá cả trong điều kiện kinh tế suy giảm.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị