"Đất vàng" và những giá trị quý hơn vàng!

Cập nhật 12/12/2011 10:55

Nếu cha ông hôm nay không dành cho con trẻ, hậu thế những gì tốt đẹp nhất thì đó là cách làm thiếu hẳn cái tầm xa, tầm nghĩa, tầm văn hóa vững bền.

Nếu phải thắt lưng buộc bụng mà giảm bớt lượng vàng thu từ đất để tạo nên nhiều khoảng không tràn ngập nắng vàng và lợi ích công không thể tính bằng vàng, thì đó mới thật là giá trị quý hơn cả thế giới vàng...

Chủ trương di dời các trường đại học, bệnh viện, một số cơ quan Nhà nước... từ nội thành ra ngoại thành mặc dù mới chỉ được bắt đầu trên lý thuyết nhưng đã và đang trở thành những cơn sóng ngầm, sóng dữ cuộn chảy bên dưới vẻ ngoài bình yên của xã hội.

Một chút Tây và "nhiều chút" ... nhà quê


Nếu giải quyết không đúng, không đủ thì hàng trăm hec ta đất vàng sẽ trở thành cơn bão lớn có sức tàn phá cả quy hoạch, lòng tin, phân hóa giàu nghèo, lợi ích nhóm, kẻ cười người khóc... trong khi xã hội chỉ "được thêm" những nỗi buồn...

Trước tiên, phải khẳng định chủ trương trên là đúng đắn (tuy lâu nay đã có không ít những cái tưởng như là đúng được đẻ ra từ lợi ích của một thiểu số) vì những vấn nạn dân sinh, sự chật chội, bức bối của môi trường. Những áp lực đang xé vụn, làm tả tơi cái nền văn hóa, văn hiến của Thủ đô yên bình, đẹp đẽ - đến mức không thể chịu đựng nổi.

Mặt khác, cái gọi là quy hoạch đô thị của ta với những trộn lẫn "hổng giống ai" của các loại "tư tưởng kiến trúc" gồm một chút Pháp, một chút Nga, Đức (tập thể, bao cấp); một chút Mỹ, Hàn, Nhật... và "nhiều chút" ...nhà quê đã làm cho Thủ đô ngày càng lôm nhôm, luộm thuộm là điều cần phải được chấn chỉnh.

Liệu quy hoạch mới có quay về chốn cũ?


Sau cùng, hướng tới một cấu trúc tổng thể đẹp- hiện đại- đậm bản sắc - khoa học - tiện ích thì không thể không quy hoạch lại một cách toàn diện hình thể mới của Thủ đô.

Cái đường hướng đã có (từ của GS Phùng Hữu Phú, 1975), vấn đề còn lại là di dời như thế nào, làm mới cái gì trên cái nền cũ là đất vàng "dôi dư" ấy?

Mới đây, trong phiên trả lời chất vấn ở Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng có hai giải pháp để xử lý, là thông qua đấu thầu hoặc chỉ định trên cơ sở đã tính toán đủ về giá cả thị trường.

Nguyên tắc trên đúng nhưng vẫn còn thiếu một cái gì đó.


"Cái gì đó" ở đây là phải chăng chúng ta đang định di dời các trường đại học, bệnh viện lớn để tạo chỗ trống cho việc hình thành các nhà hàng, siêu thị mới? Nếu đúng là như thế thì việc giảm bớt áp lực về người, phương tiện lại đang tìm về... vị trí cũ. Nói theo ngôn ngữ bên phải quay hay là mở ra một bước ngoặt mới, cứ quay đủ 3 vòng hoặc ba lần bước ngoặt thì lại về 'chốn ấy'!

Bài toán lớn nhất ở Hà Nội hiện nay là thiếu sân chơi, thiếu các trường mầm non, trường tiểu học, hồ nước, công viên một cách trầm trọng. Tại sao không đặt vấn đề rằng, tất cả (hoặc phần lớn) đất vàng ấy sẽ được sử dụng cho các lợi ích công?

Nơi nào cần cấp bách, loại hình nào thì sẽ "biến" mảnh đất vàng thành công ích ấy. Tất nhiên, yếu tố của hài hòa - phát triển bền vững nhất định sẽ được tính toan chỉn chu. Phải nhận thức rằng việc có những mảnh đất vàng đồng nghĩa với việc mở ra những - nhiều cơ hội vàng cho bước đột phá về công viên, hồ nước, trường học mầm non, trường tiểu học.

Suy cho đến cùng, biến đất vàng thành các giá trị kinh tế thì chỉ là hình thức cài cắm lại các lợi ích kinh tế mà thôi. Trong khi đó, nếu các lợi ích công được đáp ứng thỏa đáng thì chắc chắn sẽ tạo ra các giá trị vàng bền vững với thời gian, đẹp mãi với nhân hòa, an sinh, ổn định.

Không gian xanh xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phương An - HNM

Nhà nước cần vào cuộc

Vấn đề còn lại là vốn. Những ý kiến phản biện tất nhiên sẽ nói rằng hàng ngàn tỷ đồng thu được từ bán (chuyển nhượng quyền sở hữu công vào tay tư nhân) đất vàng, lấy cái gì để bù vào? Bộ Tài chính rất nên vào cuộc để tính toán kỹ lưỡng. Phần ngân sách nhất thiết phải bù cho việc di dời, phần Nhà nước (chính quyền Hà Nội cùng sự hỗ trợ của Chính phủ) cần thiết phải "hy sinh" cho tương lai dài lâu của Thủ đô, của người dân nhất định phải coi trọng.

Một trong những điều đau đầu (nếu không muốn nói là đau đớn) của quy hoạch lâu nay của đất nước ta chính là ở chỗ tầm nhìn quá ngắn, chụp giựt quá nhanh, lợi ích cá nhân quá nặng, nghĩ về cái chung bền lâu quá ít, tài năng điều tiết, quản lý quá thiếu.

Năm cái QUÁ ấy giống như con đường gập ghềnh dành cho xe cộ đời mới lưu thông: Chạy không hết số, vừa chạy vừa nghỉ, vừa tính toán đường đi nước bước, tốn kém xăng dầu, thời gian; hao mòn, phá hỏng máy móc biết bao nhiêu mà kể. Không tụt hậu, không chậm trễ mới là chuyện lạ!

Thế nhưng, chỉ cần tính toán sơ bộ sẽ thấy rằng chỉ cần bán một phần hoặc một nửa số đất vàng cũng đủ để bù đắp cho việc xây dựng các cơ sở mới ở ngoại thành. Kinh nghiệm của Đà Nẵng cho biết, việc tập trung tất cả cơ quan hành chính vào trong một tòa nhà là điều dễ thực hiện. Bởi cái lợi từ kinh tế (có bao gồm cả việc bán đất vàng), từ tiết kiệm thời gian, công sức đi lại cho dân, tiết giảm áp lực từ sự chật chội ở các cơ quan lâu nay đóng trên những đường phố nhỏ hẹp... là vô cùng lớn.

Vậy, nếu cần bù "lỗ" cho các mảnh đất vàng để có thêm công viên, trường mầm non thì có nên không? Hỏi cũng là trả lời.

Cái vướng mắc (thực ra là ngụy biện) cuối cùng chỉ còn là ta phải tự ta giải phóng chính mình ra khỏi tư tưởng so đo nhỏ hẹp tiểu nông.

Đất vàng tại sao không thể là đất lành chim đậu? Hãy hình dung Thủ đô ngày mai, ngày kia sẽ có những sân chim, những vườn hoa, hồ nước rộn rã tiếng chim. Và, những trường mầm non là nơi có những đàn chim đẹp nhất, lung linh nhất của cuộc đời.

Nếu cha ông hôm nay không dành cho con trẻ, hậu thế những gì tốt đẹp nhất thì đó là cách làm thiếu hẳn cái tầm xa, tầm nghĩa, tầm văn hóa vững bền.

Nếu phải thắt lưng buộc bụng mà giảm bớt lượng vàng thu từ đất để tạo nên nhiều khoảng không tràn ngập nắng vàng và lợi ích công không thể tính bằng vàng, thì đó mới thật là giá trị quý hơn cả thế giới vàng...

DiaOcOnline.vn - Theo Tuần Việt Nam