Đất vàng TP.HCM giá ngàn tỷ: Chuyện bình thường nhưng...

Cập nhật 08/07/2015 09:09

Đấu giá đất vàng TP.HCM cao gấp 2,6 lần theo ông Trần Ngọc Hùng- Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam đó là chuyện bình thường.

* Thưa ông, TP.HCM tổ chức đấu giá “khu đất vàng” rộng trên 3.000m2 tại 23 Lê Duẩn, quận 1, TP. Hồ Chí Minh thu ngân sách 1430 tỷ đồng, gấp 2.6 lần mức giá khởi điểm (tương đương gần 500 triệu/m2).

Ông bình luận như thế nào về thương vụ này? So sánh với giá thị trường, mức giá thắng thầu như vậy có hợp lý hay không, xin ông phân tích cụ thể?

Ông Trần Ngọc Hùng: - Giá thắng thầu ngoài yếu tố địa điểm (đất vàng) còn một yếu tố quan trọng là QUY HOẠCH chi tiết ở đó được làm công trình gì? Diện tích chiếm đất? Chiều cao của ngôi nhà. Nhà đầu tư chỉ có hiệu quả lợi nhuận mới tham gia đấu thầu và bỏ giá thầu.

Khu đất vàng 164 Đồng Khởi, TP.HCM

Khi tính toán được hiệu quả, lợi nhuận việc chủ đầu tư có bỏ giá cao 2,6 lần là “bình thường”. Vì giá khởi điểm trên cơ sở GIÁ ĐẤT do Thành phố Ban hành (Cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Nhà đầu tư tính toán theo điều kiện quy hoạch thực tế để đưa ra mức giá hợp lý. Theo quy hoạch tổng thể của thành phố này, dự án được xây dựng công trình nhà ở, văn phòng, được tăng diện tích chiều cao thì phí khẳng định hiệu quả dự án sẽ là siêu lợi nhuận.

* Trên thực tế, giá đất theo bảng giá đất do chính quyền quy định thường thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Theo ông, điều gì khiến TP.HCM khắc phục được điểm yếu này để thu đúng, thu đủ về ngân sách?

Ông Trần Ngọc Hùng: - Thực tế do nhiều lý do Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện ban hành giá đất thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Một nguyên nhân quan trọng là yêu cầu giải phóng mặt bằng làm công trình công ích: đường mở rộng, dịch vụ công, trường học, bệnh viện.

Bộ khống chế mức đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện nay cả 2 thành phố đều chưa có quyết định nào giá đất khác hoặc xấp xỉ giá thị trường.

* Nhìn cách làm của TP.HCM, ông bình luận như thế nào về việc xử lý đất vàng của Hà Nội (việc định giá trụ sở Bộ GTVT, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước kèm bất động sản...) hiện nay? Trước này, dư luận vẫn nói mãi câu chuyện tình trạng cố níu đất vàng, xin cho những đơn vị “con đẻ, con nuôi”vào “chiếm giữ”, hoặc dựng các kịch bản để che đậy phần "tư túi" bên trong. Ông chia sẻ thế nào với những băn khoăn của dư luận?

Ông Trần Ngọc Hùng:- Theo tôi được biết: TP. Hồ Chí Minh chỉ mới đấu giá một vài khu đất vàng mà thôi. Tình trạng chung của cả 2 Thành phố chưa có chủ trương bắt buộc đấu giá tất cả các khu đất vàng khi chưa thu hồi.

Bài toán định giá bất động sản (đặc biệt là đất, nhà), khi cổ phần hóa doanh nghiệp đang còn có những “sơ hở” do định giá thấp hơn giá thị trường, dễ bị lợi dụng (như hàng loạt các khách sạn, nhà hàng cổ phần hóa 100% ở Hà Nội).

Một mâu thuẫn rất phổ biến, nếu đánh giá giá đất thấp thì dễ thu hút nhà đầu tư khi cổ phần hóa. Kể cả nhóm lợi ích. Ngược lại đánh giá theo giá thị trường thì cổ phần hóa chậm, khó vì không nhìn thấy hiệu quả đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt