Đất vàng ở Thủ Thiêm làm nhà đầu tư thòm thèm

Cập nhật 07/11/2017 14:39

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, TPHCM sẽ đấu giá, không dùng những mảnh đất đẹp, nằm ở vị trí đắc địa thanh toán cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao).

Tại hội thảo trao đổi về công tác quản lý các dự án BT trên địa bàn TPHCM diễn ra hôm nay 7-11, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ: Trên địa bàn TPHCM hiện còn nhiều mảnh đất đẹp, nằm ở vị trí đắc địa, được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Nếu TPHCM quản lý không khéo thì dễ rơi vào tình trạng tiêu cực. Vậy nên TPHCM phải đấu giá các mảnh đất này, chứ không dùng chúng để thanh toán cho các dự án BT.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu ra dẫn chứng cụ thể, ở vùng lõi của Khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện có những lô đất rất đẹp, đã được nhà nước bỏ tiền giải phóng mặt bằng. Rất nhiều nhà đầu tư theo đuổi, muốn thực hiện các dự án BT để có được các mảnh đất này.

“Với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tôi yêu cầu đấu giá chúng. Không có BT ở đây. Có thể các nhà đầu tư theo đuổi các mảnh đất này sẽ buồn nhưng chuyện này phải rõ ràng”, người đứng đầu UBND TP nhấn mạnh.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định việc đấu giá các lô đất này là phù hợp với cơ chế TPHCM bỏ tiền giải phóng mặt bằng và thực hiện đấu giá, tạo nguồn thu cho TPHCM đầu tư phát triển.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng nhận xét có 5 nhân tố chính tác động đến các dự án BT.

Trước tiên, việc xây dựng một khung pháp lý đầy đủ và minh bạch là điều kiện tiên quyết cho thành công của các dự án BT. Điều này còn giúp làm tăng niềm tin đầu tư, đảm bảo dự án đạt hiệu quả, phân chia rủi ro phù hợp và tránh những rủi ro tiềm tàng.

Sự thành công của các dự án BT còn đến từ việc lựa chọn các đối tác tư nhân phù hợp. “Chỉ có những doanh nghiệp tư nhân có năng lực và vững mạnh mới đủ khả năng tài trợ vốn, thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và cung cấp dịch vụ cho đến khi kết thúc thời gian nhượng quyền”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận xét và dẫn chứng nhiều nhà đầu tư đăng ký bỏ tiền đầu tư cho công tác chống ngập theo hình thức BT.

Tuy nhiên, khi TPHCM thẩm định năng lực tài chính, kỹ thuật và trình độ quản lý thì các doanh nghiệp này không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, TPHCM phải từ chối.

Để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư BT, Chủ tịch UBND TP cho rằng, trong từng dự án BT phải nhận diện và xác định đầy đủ các rủi ro tiềm tàng để phân chia hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước - người dân - doanh nghiệp.


Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng) là một trong những tuyến đường ở TPHCM được đầu tư theo hình thức BT

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự minh bạch trong các dự án BT. Điều này giúp tránh đi lợi ích nhóm, thân hữu và phòng ngừa được tiêu cực, tham nhũng trong các hợp đồng của khu vực nhà nước.

Ngoài ra, công tác quản lý các dự án BT nếu tồn tại tình trạng tham nhũng, quan liêu, điều hành quản lý của một số đơn vị kém hiệu quả, sự cưỡng chế thực thi hợp đồng hiệu lực thấp. Các dự án BT chỉ chú trọng vào các vị trí đất đẹp, ở trung tâm, có khả năng thu về lợi nhuận nhanh, ít rủi ro… sẽ khiến mô hình BT không hoạt động tốt.

Vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở KH-ĐT TP hoàn chỉnh Quy định về quản lý đầu tư dự án theo hình thức BT theo hướng tăng cường phân cấp, công khai, minh bạch; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong triển khai dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước - người dân - doanh nghiệp.

Ngoài ra, Sở TN-MT TP phải xây dựng danh mục quỹ đất để công bố công khai làm cơ sở thanh toán cho hợp đồng BT các dự án; đưa đấu giá, đấu thầu thành phương thức chính cho việc phân bổ đất công trên địa bàn TPHCM.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP