Đất vàng ở Sài Gòn: Đại gia đua nhau giành rồi để đó

Cập nhật 13/07/2016 11:27

Giá trị lớn, song số phận của các khu đất vàng tại trung tâm TP HCM cũng lắm truân chuyên. Chủ sở hữu liên tục thay đổi nhưng việc phát triển, hoàn thiện dự án trên đất lại bỏ ngõ.

Đại gia chạy đua sở hữu đất vàng, song nhiều diện tích đất được giao vẫn không thay đổi hiện trạng sau nhiều năm cấp phép. Ảnh: Lê Quân

Từ năm 2007, UBND TP HCM đã quy hoạch 20 ô phố (khoảng 50 ha) thuộc những vị trí đất vàng để kêu gọi nhà đầu tư phát triển dự án ở quy mô lớn.Tuy nhiên sau 10 năm quy hoạch, mới chỉ 4 dự án nằm trên những khu đất này được đầu tư, khai thác, số còn lại liên tục đổi chủ và để đó.

Đất vàng, bạc phận

Cũng nằm trong danh sách quy hoạch 20 ô phố trên, khu đất vàng 164 Đồng Khởi, nằm đối diện Nhà thờ Đức Bà, trước đó đã được một liên danh trúng thầu là Hongkong Land và Sumitomo & Development trả lại cho thành phố. Dây là khu đất có vị trí đắc địa với diện tích gần 9.800 m2, giáp với các đường trung tâm Nguyễn Du, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng và Trường THPT Trần Đại Nghĩa.

Mới đây thông tin từ Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM cho biết, Công ty CP Nova Bắc Nam 79 có văn bản xin đầu tư vào khu đất này. Nova Bắc Nam 79 cho biết sẽ cùng với Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va thành lập liên danh để xin tham gia đầu tư dự án này, trong đó Công ty CP Nova Bắc Nam 79 là đại diện liên danh.

Không rõ khu đất này có thể thay đổi hiện trạng như hiện tại hay không, trong khi một liên doanh trúng thầu sau 4 năm theo đuổi đã phải trả lại cho thành phố.

Dự án Lavennue Crown mặt tiền Lê Duẩn –Hai Bà Trưng, sát Diamond Plaza diện tích gần 5.000 m2 sau nhiều năm cấp phép đầu tư vẫn là điểm giữ xe. Ảnh: Lê Quân

Nếu như khu đất 164 Đồng Khởi mới xuất hiện nhà đầu tư thứ hai thì khu khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão, quận 1 đã qua 3 lần đổi chủ nhưng vẫn chưa biến chuyển. Với diện tích 13.110 m2 sát bên công viên 23/9 và chợ Bến Thành, đây được đánh giá là khu đất đẹp nhất trong 20 khu đất vàng được quy hoạch. Tuy nhiên đã có nhiều người trong giới địa ốc ví von, khu đất đẹp này là “hồng nhan bạc phận” khi truân chuyên qua mấy lần đò đến nay vẫn còn dở dang.

Ngay từ năm 2007, TP HCM đã tổ chức đấu thầu khu đất này, và doanh nghiệp trúng thầu là liên doanh Thái Sơn gồm nhiều công ty. Nhưng sau đó, Chính phủ xác định quá trình đấu thầu có nhiều sai sót nên phải hủy kết quả đấu thầu, và liên doanh Thái Sơn cũng rút khỏi dự án.

Tiếp sau đó, liên doanh KSDP (gồm 1 công ty trong nước cùng 3 công ty Hàn Quốc) xin nhận đầu tư dự án này và được chấp thuận. Đến năm 2011, KSDP cũng không thực hiện đầy đủ các yêu cầu, nên UBND TP HCM phải chấm dứt việc thực hiện dự án của chủ đầu tư này.Đến năm 2015, UBND TP HCM lại tiếp tục “kén rể” cho khu đất vàng nằm ngay trung tâm quận 1 này. Và kết quả là liên danh công ty xây dựng Jimiro (Hàn Quốc) - công ty Đại Tân Phú sẽ làm chủ đầu từ khu “tam giác vàng”.

Theo kế hoạch của chủ sở hữu mới, nơi đây sẽ được đầu tư 3 khối cao ốc văn phòng 55 tầng, một khách sạn 5 sao 30 tầng và một trung tâm thương mại hạng A cao 10 tầng, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD.

Không biết cuộc hôn nhân này có được viên mãn như kỳ vọng, khi khu đất vàng này đã có 9 năm chờ đợi với nhiều lần đổi chủ.

10 năm cấp phép đầu tư được tầng hầm

Bên cạnh những dự án liên tục đổi chủ và hứa hẹn trong tương lai, những khu đất đã có chủ "ổn định" vẫn chưa thể làm nổi bật giá trị vốn có của nó. Phần lớn những đơn vị trúng thầu chưa tạo nên được diện mạo mà nhiều người kỳ vọng vào vị trí đất vàng.

Khu đất vàng duy nhất có 4 mặt tiền tại phường Bến Nghé, quận 1 luôn làm nóng trong các lần đại hội cổ đông của Sabeco. Ảnh: Lê Quân

Betexco là đơn vị sở hữu nhiều khu đất vàng nhất, khi trở thành nhà đầu tư của hàng loạt dự án nắm ở vị trì đắc địa.

Năm 2008 Tập đoàn Bitexco đã trúng thầu và đang đầu tư khu phức hợp thương mại cao cấp The One tại Khu tứ giác Bến Thành, nằm đối diện chợ Bến Thành hiện hữu. Trước đó, tập đoàn này cũng được cấp phép đầu tư vào bệnh viện Sài Gòn nằm đối diện The One. Ngoài ra, Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh rộng 600.000 m2 để đầu tư dự án khu thương mại, văn phòng và khu căn hộ cao cấp cũng dược bổ sung vào “bộ sưu tập đầu tư đất vàng” của Betexco.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm cấp phép, những dự án này vẫn chưa thể thành hình.

Hiện tại, dự án The One sau gần 1 thập kỷ đầu tư mới chỉ xây được tầng hầm. Những khu đất đẹp còn lại như tứ giác Nguyễn Cư Trinh hay bênh viện Sài Gòn vẫn chưa thấy rục rịch. Theo một số nhà đầu tư lĩnh vực địa ốc, ngay cả kế hoạch đền bù giải tỏa vẫn chưa có thì những khu đất vàng này sẽ còn “lỡ thì” thêm nhiều năm nữa.

Một khu đất vàng cũng gây nhiều xôn xao gần đây là khu đất tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, nằm ngay trong lõi trung tâm thành phố với hai mặt tiền đường Lê Duẩn và đường Nguyễn Du, và hiện là trụ sở Công ty xổ số kiến thiết TPHCM. Năm 2015, Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ - Khách sạn Tân Hoàng Minh đã trúng thầu đấu giá khu đất ộng 3.000 m2 này với giá 1.430 tỷ đồng - gấp 2,6 lần giá khởi điểm.

Tuy nhiên, vào ngày 23/6/2015, Tân Hoàng Minh có đơn đề nghị hủy kết quả cuộc đấu giá, đồng thời tổ chức bán đấu giá lại theo đúng quy trình..." vì cho rằng phương án đấu giá có sai phạm về bước giá.

Trong khi đó, khu đất khu đất vàng số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1) cũng không ít gian truân. Đây là khu đất có diện tích khoảng 6.000 m2, và là khu đất duy nhất có đến 4 mặt tiền, gồm Công trường Mê Linh- Hai Bà Trưng – Đông Du – Thi Sách. Năm 2008, UBND TPHCM đã quyết định giao cho Sabeco mà không tổ chức đấu thầu, và khu đất này cũng chính là điều luôn làm nóng trong mỗi kỳ đại hội cổ đông của Sabeco.

Vào tháng 1/2016, Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl đã giới thiệu ra thị trường dự án khu phức hợp căn hộ - thương mại - văn phòng tọa lạc trên khu đất này. Theo dự kiến, Khu phức hợp gồm khách sạn 6 sao, Trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê có tên là Sabeco Tower. Sabeco Tower có diện tích xây dựng khối đế là 2.520 m2, khối tháp 1.650 m2, chiều cao 48 tầng và 36 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 90.000 m2.

Song mới đây, Sabeco lại công bố thông tin phê duyệt phương án thoái vốn tại khu phức hợp trên. Theo thông tin thì hiện dự án đã có chủ mới là một “đại gia” BĐS ở TP HCM. Tuy nhiên danh tính của nhà đầu tư này vẫn còn trong vòng bí mật.

Vẫn còn khá nhiều đất vàng chưa thể tìm được đối tác vừa ý. Câu chuyện phát triển các khu đất vàng có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa.

Trong năm 2015, Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài Nguyên Môi trường thành phố đã triển khai đấu giá 28 khu đất với tổng diện tích 855.000 m2. Trong số này có 3 khu rộng hơn 9.500 m2 đã được đấu giá thành công với tổng giá trị 117 tỷ đồng và bàn giao cho đơn vị, cá nhân trúng đấu giá.


DiaOcOnline.vn - Theo Zing