Ở trung tâm các thành phố lớn như TP.HCM thì bất cứ miếng đất nào cũng là vàng, ở những nơi đắc địa và có thêm giá trị lịch sử thì không chỉ là vàng nữa mà là đất thiêng. Trong khi đất không nở thêm ra, người càng đông thêm, nhu cầu ngày một đa dạng hơn thì việc sử dụng đất trung tâm phải cực kỳ thận trọng và có trách nhiệm với nhân dân hôm nay và muôn đời con cháu mai sau.
Công viên 23.9, một khu đất vàng giữa lòng TP.HCM
Sẽ là có lỗi nếu cơ quan công quyền ban hành những quyết định sai cho dù với một tinh thần vì cái chung nhưng thiếu cơ sở khoa học và có tội nếu nó xuất phát một cách ngẫu hứng hay tệ hơn là những tính toán vụ lợi đằng sau những hợp đồng thuê bán các miếng đất tiền tỉ như thế. Có hai trường hợp chúng ta bàn đến ở đây:
Thứ nhất là ý định xây dựng một trung tâm văn hoá, giải trí tại công viên Tao Đàn. Một lần nữa cần nhắc lại là hiện có rất ít công viên ở 14 quận nội thành, ở các quận trung tâm thì lại càng ít, chỉ có bốn công viên có diện tích hơn 2ha với nhiều cây xanh là 23.9, Lê Văn Tám, Tao Đàn và Thảo cầm viên (tuy nhiên theo tiêu chí quốc tế thì địa điểm này không phải là công viên vì người dân phải mua vé vào cửa). Các công viên này bị teo tóp dần đi theo năm tháng vì mất đất để làm đường băng qua, cho thuê mặt bằng mở quán xá (không thu hồi được), bị dân lấn chiếm. Hơn nữa, diện tích cây xanh trên đầu người dân thành phố thấp nhất thế giới (chưa đến 1m2/người cư trú lâu dài, không tính người tạm trú và vãng lai).
Vì vậy, việc kiên quyết giữ gìn mảng xanh công cộng là bắt buộc. Việc xây dựng một trung tâm văn hoá giải trí phục vụ cho hàng ngàn người, thậm chí cho hàng chục ngàn người vào ngày lễ tại công viên Tao Đàn là điều hoàn toàn không nên. Nếu làm như vậy sẽ phải phá bỏ toàn bộ cây xanh để có mặt bằng xây dựng công trình phục vụ văn hoá, nghệ thuật như nhà hát đa năng, triển lãm, hội trường. Và không chỉ có thế mà còn cần có mặt bằng phục vụ cho các công trình phụ trợ như nơi ăn uống, vệ sinh, bãi giữ xe, kéo theo đó là các cửa hàng lưu niệm, dịch vụ ăn theo và thế là tan nát một Tao Đàn. Có lẽ cũng cần nhắc lại Tao Đàn không đơn giản là một công viên mà còn là một không gian lịch sử. Xưa người dân gọi là “vườn Ông Thượng” vì nó vốn là vườn của tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt. Ông cho lập ra ở đây một vườn kiểng để các quan và người dân thưởng lãm và xem hát bội. Sau này, người Pháp chính thức biến nó thành công viên theo kiểu phương Tây và đặt tên là Jardin de la Ville. Còn nhớ cách nay vài năm sở Văn hoá – thể thao và du lịch đề xuất xây nhà hát giao hưởng tại công viên 23.9, nhưng các chuyên gia và người dân không đồng tình bởi nhà hát giao hưởng tuy có sang trọng nhưng chỉ phục vụ cho một số ít người có khả năng thưởng thức opera và giàu có đủ tiền mua vé với giá vài triệu đồng, còn công viên thì phục vụ cho tất thảy đồng bào. Cuối cùng thì nhà hát giao hưởng được chuyển địa chỉ về khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Một chuyện khác cần bàn nữa là đề xuất bán một loạt các cơ sở thể thao truyền thống ở nội thành như sân vận động Hoa Lư, câu lạc bộ Yết Kiêu… để lấy tiền đầu tư cho khu thể thao hoành tráng Rạch Chiếc. Có thể nói đây là một ý tưởng tồi vì rất nhiều lẽ.
Lâu nay nhiều người cho rằng quyết định A, B đó là của UBND, HĐND hay các cấp cao hơn ở trung ương, cứ thế mà làm xin đừng thắc mắc. Nhận thức như thế cần phải được thay đổi, bởi những quyết định không hợp lý thì dù bất kỳ là của ai vẫn phải thay đổi, đó là đòi hỏi chính đáng của nhân dân. |
Ở bất cứ thành phố lớn nào cũng có hai loại cơ sở thể thao. Một là những trung tâm tổ hợp thể thao hiện đại ở ngoài thành phố, phục vụ cho các hoạt động chuyên nghiệp và hàng chục ngàn người tham dự các sự kiện thể thao lớn. Hai là những cơ sở thể thao vừa và nhỏ trong nội thành, thậm chí rất nhỏ ở các cộng đồng dân cư. Nếu loại thứ nhất dành cho dân chuyên nghiệp với các thiết bị đắt tiền và phải trả phí sử dụng cao cho việc thuê mướn; thì loại thứ hai phục vụ cho người nghiệp dư và dân bình thường, kể cả trẻ em, người già. Họ không cần đến thiết bị cao cấp, và quan trọng hơn là tranh thủ thời gian rảnh rỗi trong ngày, cuối tuần để vận động đơn giản như chạy, đi bộ, chơi bóng hoặc thi đấu ở quy mô nhỏ. Nếu đứng quan sát sân Hoa Lư sẽ thấy lúc nào cũng có những đội bóng đá của học sinh, sinh viên, các cơ quan, thanh niên các phường thi đấu với nhau, trong đó có rất nhiều đội chân đất áo không số. Ngoài ra, tuần nào cũng có sinh viên các trường đại học đến thuê mặt bằng để học các môn thể thao theo quy định. So với bất kỳ thành phố nào trên thế giới, thậm chí cả với các thành phố cực nghèo của châu Phi như Rwanda, Angola thì TP.HCM có cơ sở thể thao vô cùng ít và nghèo nàn. Người đề xuất ý tưởng bán các cơ sở này đi với một giả định lý tưởng rằng sẽ gom tiền lại để xây dựng một cơ sở bề thế cho ra tấm ra miếng, nhưng xin cam đoan rằng bán cả bốn nơi đề xuất cũng chỉ làm được một vài hạng mục trong khu liên hợp thể thao gần 200ha đó thôi.
Tác giả bài viết này đã được xem xét dự án vĩ đại đó do Singapore thiết kế, và tin rằng số tiền thu được bất quá cũng đủ may được cái tay áo chứ không được cả cái áo, và như thế dự án vĩ đại chưa thấy mà người dân lại không còn chỗ nào để vận động. Kinh nghiệm nước ngoài và sự hiểu biết của người nghiên cứu cho thấy, người dân thường chả mấy khi cất công đi xa và bỏ tiền ra để đến những nơi hoành tráng như thế luyện tập. Khi bỏ ra gần 60 triệu đôla Mỹ xây dựng liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình phục vụ cho Sea Games 2003 với đầy đủ các loại hình thi đấu như bóng đá, cung thể thao dưới nước dành cho các môn bơi lội, đường chạy điền kinh, các nhà lãnh đạo cho rằng sau Sea Games thì đó sẽ là nơi lý tưởng cho người dân đến hưởng thụ. Nhưng tiếc thay, nhiều năm nay nó vắng teo không có mấy ai lui tới dù cách trung tâm Hà Nội chưa đến 10km. Trong khi đó, mỗi năm Nhà nước phải tốn đến hơn 10 tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng. Nhìn ra xa hơn một chút mới hiểu tại sao tất cả các quốc gia trong khi chuẩn bị cơ sở vật chất cho thế vận hội họ đều xây dựng các làng cho vận động viên và cơ sở hạ tầng theo kiểu khu dân cư để sau đại hội thể thao các làng này dành cho người dân sinh sống. Thật có lý khi ông Lê Bửu, nguyên giám đốc sở Thể dục – thể thao TP.HCM cho rằng “lúc này chưa đủ tiền xây khu trung tâm thể thao Rạch Chiếc thì cứ để đó, sau này con cháu sẽ làm, còn bây giờ bán đi là mất, là phá hoại thành phố này” (xem Pháp Luật TP.HCM 3.9.2012). Còn nếu quyết thực hiện thì sẽ là một sai lầm không sửa chữa được.
Đây không phải là lần đầu tiên các chuyên viên của sở Văn hoá – thể thao và du lịch đưa ra những ý tưởng táo bạo như vậy. Có ý tưởng là rất tốt nhưng trước đó nên tham khảo các chuyên gia, bởi mỗi lần đưa ra như thế là làm xáo động xã hội, nhất là trong thời buổi dân đã quá nhiều nỗi lo thường nhật. Lâu nay, nhiều người cho rằng quyết định A, B đó là của UBND, HĐND hay các cấp cao hơn ở trung ương, cứ thế mà làm xin đừng thắc mắc. Nhận thức như thế cần phải được thay đổi, bởi những quyết định không hợp lý thì dù bất kỳ là của ai vẫn phải thay đổi, đó là đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
TS Nguyễn Minh Hoà
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị