Đất vàng Hà Nội sẽ được đấu giá theo mảnh, vị trí, không theo m2

Cập nhật 01/02/2018 14:55

Phó thủ tướng yêu cầu tất cả doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa đều phải rà soát đến từng mét vuông đất. Hà Nội sẽ đấu giá đất theo mảnh và vị trí chứ không tính theo m2.

Sáng nay (31/1), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, chủ trì cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo, nắm tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và phát triển doanh nghiệp năm 2017.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong quý I sẽ có 4 “anh cả đỏ” lên sàn chứng khoán là Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Điện lực Dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Đây là các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong tổng số 69 tập đoàn, tổng công ty đã được cổ phần hóa năm 2017. Phó thủ tướng cũng nêu rõ cần sớm thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Khi chưa thành lập được Ủy ban, các bộ không được phép “buông tay” với nhiệm vụ cổ phần hóa, bán vốn.


Phó thủ tướng đánh giá cao Hà Nội đang làm tốt khi xác định được 165 mảnh đất của doanh nghiệp Nhà nước cần thu hồi để đấu giá đất công khai. Ảnh: Lê Hiếu.

Ông yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII.

“Phê duyệt hết rồi, làm được hay không là do bộ, ngành địa phương, chủ sở hữu trực tiếp. Chính phủ không trực tiếp cổ phần hóa, bán vốn. Đại diện chủ sở hữu chọn nhà đầu tư chiến lược thì phải cho ra chiến lược, chọn chiến lược mà ra chiến thuật là chết rồi. Hoặc mánh khoé thì còn thất bại nữa. Đích của cổ phần hóa thoái vốn phải là nâng cao năng lực và hiệu quả đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh việc kiểm soát chặt đất đai, giá trị doanh nghiệp và công khai minh bạch hoạt động qua niêm yết trên thị trường chứng khoán là 3 bài học lớn của cổ phần hoá, bán vốn năm 2017.

Phó thủ tướng dẫn chứng về bài học của Sabeco, tổng giá trị của doanh nghiệp này khi cổ phần hóa chưa đầy 3 tỷ USD nhưng chỉ sau một năm lên sàn chứng khoán phải tuân thủ các báo cáo tài chính minh bạch thì thoái 53,59% vốn đã thu về  gần 5 tỷ USD.

“Nếu bán hết có thể thu được 10 tỷ USD. Đây là hình mẫu của sự minh bạch trong thoái vốn. Trước đây một số doanh nghiệp Nhà nước bán đi, bán lại không được là vì cổ phần hóa nhưng không niêm yết trên thị trường chứng khoán”, ông nói.

Ông cũng yêu cầu tất cả doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa đều phải rà soát đến từng mét vuông đất. Đất đai phải được kiểm soát chặt chẽ, công khai, minh bạch. Riêng đối với Hà Nội, đấu giá đất theo mảnh và vị trí chứ không tính theo mét vuông. Hà Nội đang làm tốt khi xác định được 165 mảnh đất của doanh nghiệp Nhà nước cần thu hồi để đấu giá đất công khai.

Với những doanh nghiệp có quy mô vốn nhà nước từ 1.800 tỷ đồng trở lên bắt buộc phải kiểm toán trước khi tiến hành cổ phần hóa. Những doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ hơn, nếu thấy cần thiết, Chính phủ vẫn tiến hành kiểm toán thẩm định giá.

Theo Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long, năm 2017, có 69 doanh nghiệp Nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có các doanh nghiệp quy mô vốn nhà nước rất lớn, trên 1.000 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng năm 2017, giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa được xác định lại là 160.083 tỷ đồng, gấp 6,34 lần so với tổng giá trị phần vốn nhà nước cổ phần hóa năm 2016.

Năm 2017, cả nước đã thoái được 8.915 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về 139.385 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải nộp về ngân sách Nhà nước năm 2017 đạt hơn 144.577 tỷ đồng (gấp 2,41 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao), trong đó thu từ cổ phần hóa hơn 5.192 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 139.385 tỷ đồng.



DiaOcOnline.vn - Theo Zing