“Đất vàng” đổi chủ, người Việt đi làm thuê?

Cập nhật 18/08/2014 13:26

Lợi dụng giá bất động sản (BĐS) đang xuống, nhiều nhà đầu tư trong nước đang “tháo chạy” khỏi thị trường, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã xuống tiền, chờ ngày thu lợi khủng ở những vị trí đẹp. Nhiều người lo lắng rằng giá BĐS thời gian tới sẽ “loạn”.


Khách sạn Movenpick Saigon- Hồ Chí Minh tọa lạc ở khu “đất vàng” đã thuộc về tay các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: TL

Nguy cơ loạn giá

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài từ Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã mua lại các dự án bất động sản của một số doanh nghiệp trong nước đang ở thế kẹt, với mức giá khá bèo. Những dự án đó hầu hết chỉ được bán lại với khoảng 1/2 giá trị. Nhiều dự án lớn, vị trí “vàng” đã thuộc về doanh nghiệp nước ngoài như: Tập đoàn Tung Shing ở Hong Kong đã mua 53% cổ phần của khách sạn Movenpick Sài Gòn; Lotte Mart - Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đã mua lại Pico Plaza…

Bên cạnh đó, dọc ven biển của nước ta hiện nay, nhiều khu resort có vị trí đẹp nhất nhì cũng đã vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, theo điều 155 và 157 dự thảo Luật Nhà ở, các cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở không hạn chế số lượng tại các dự án. Không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn vì tình hình này sẽ đẩy các dự án, đất đai ở các địa điểm sinh lợi nhất rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài.

Phần lớn ý kiến bàn về việc doanh nghiệp nước ngoài rót vốn vào những khu “đất vàng” đều lo lắng, trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều đã trong cảnh đuối sức, phải rút lui khỏi thị trường BĐS thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ thống lĩnh thị trường. Lợi nhuận đầu tư, khai thác sản phẩm BĐS là rất lớn sẽ thuộc về người nước ngoài.

Một số doanh nghiệp BĐS trong nước cho rằng, nếu Nhà nước không khống chế vốn đầu tư nước ngoài ở mức an toàn thì thị trường sẽ bị họ lũng đoạn, khả năng họ sẽ thao túng giá cả ở những phân khúc sản phẩm có thế mạnh mà doanh nghiệp Việt Nam chưa vươn tới được.

Người Việt đi làm thuê trên đất mình?

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng: “Khi doanh nghiệp nước ngoài nắm hết những vị trí tốt của BĐS giá cao, họ có thể thiết lập một hệ thống của họ và đợi 5-10 năm, thậm chí 20 năm, khi nền kinh tế phất lên sẽ tung ra bán với giá cực cao. Đừng nghĩ họ mua BĐS trong nước rồi hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Điều này hoàn toàn là ảo tưởng vì tư bản đặt lợi nhuận lên trên hết”.

Cũng theo phân tích của ông Đực, khi doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam thu gom BĐS thì yếu tố được đặt lên hàng đầu là lợi nhuận, vì vậy đừng nghĩ họ mua vào sẽ tạo ra nhà ở xã hội cho người dân. Tất nhiên, trước mắt thì sự bàn giao rất êm thấm từ người chủ Việt Nam sang người chủ nước ngoài đứng ở góc độ chung thị trường BĐS là tốt, nhưng toàn bộ thị trường cũng như nền kinh tế của chúng ta bị người nước ngoài thao túng. Nguy cơ đó mới là nguy cơ rộng, lúc đó người Việt sẽ là người làm thuê, còn chủ thực sự là người nước ngoài, và người dân trở thành người ở thuê trên chính mảnh đất của mình.

TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì nhận định, chưa thể biết trước giá “đất vàng” khi lọt vào tay doanh nghiệp ngoại sẽ như thế nào. Trong khi đó, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lại cho rằng, việc tạo điều kiện cho người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam là hợp lý, song Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn còn lỏng, khi quy định người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam không hạn chế số lượng. “Đồng ý mở, nhưng cần có chế tài quản lý để tránh phải giải quyết những hậu quả không đáng có. Đặc biệt,  bất động sản ở vùng nhạy cảm, như khu vực biên giới, cạnh khu căn cứ quân sự, các trung tâm chính trị lớn, thì không nên để người nước ngoài kinh doanh và sở hữu” – ông Kiêm phân tích.

Cũng theo ông Kiêm, cơ chế nào để hạn chế những rủi ro khi cho phép người nước ngoài đầu tư không giới hạn vào BĐS cũng cần phải được tính đến. Đặc biệt, trong trường hợp cá nhân, tổ chức nước ngoài làm ăn thua lỗ, thậm chí kéo theo sự thua lỗ đó là một loạt các hệ lụy từ ngân hàng, từ các nhà đầu tư trong nước thì việc quản lý và xử lý những trường hợp này là điều rất khó khăn.

DiaOcOnline.vn - Theo Gia đình