“Đất vàng” công sở: Định giá thế nào?

Cập nhật 18/05/2012 10:10

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Tại sao không lấy tiền ngân sách xây dựng trụ sở Bộ GTVT và Bộ Xây dựng, rồi tổ chức đấu giá bán trụ sở cũ của 2 cơ quan này để thu lợi nhiều hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) khẳng định vào thời điểm hiện tại phương án bán trụ sở cũ lấy tiền xây trụ sở mới là tối ưu hơn cả.

Bán chỉ định sẽ thiếu minh bạch

Lãnh đạo Cục Quản lý công sản cho rằng việc xử lý trụ sở các bộ, ngành hiện đan xen giữa 4 luật là Luật Xây dựng; Luật Về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Luật Đất đai và Luật Ngân sách. Ngoài một số cơ quan phải dùng tiền ngân sách để xây dựng thì sẽ có nơi phải bán trụ sở cũ để lấy tiền xây trụ sở mới.

Theo quy định, tiền thu được từ bán trụ sở cũ sẽ nộp về ngân sách Nhà nước, sau đó chi cho xây trụ sở mới. Đối với trụ sở một số bộ đã di dời sẽ được Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội cân nhắc làm trụ sở cho một số cơ quan khác đang thiếu nơi làm việc hoặc bán đấu giá. Riêng trụ sở Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đang được cân nhắc thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, nếu tổ chức bán đấu giá trụ sở sẽ gặp phải khó khăn về việc lo mặt bằng sạch. Chính vì thế phải tiến hành chỉ định thầu cho một đơn vị có năng lực mạnh nhất. Sau khi trụ sở mới được xây dựng xong, hội đồng thẩm định giá Hà Nội sẽ quyết định giá thị trường của trụ sở cũ và mới thời điểm đó.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng theo quy định, sau khi chuyển đi, trụ sở các bộ phải được chuyển về cho UBND TP Hà Nội quản lý. UBND TP Hà Nội sẽ xem xét quy hoạch khu vực đó có thể làm gì, có thể giao đất hoặc cho thuê đất có thu tiền hay không.

Theo PGS-TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, luật quy định bán chỉ định khi không có người mua hoặc chỉ có một người mua. Trường hợp nhiều người cùng muốn sở hữu những khu đất vàng mà lại thực hiện chỉ định thì sẽ làm mất đi tính cạnh tranh và khiến lô đất không được định giá sát.

Ngân sách phải chi vài ngàn tỉ đồng

Cục Quản lý công sản cho rằng từ quy hoạch của Hà Nội sẽ đưa ra được giá của khu “đất vàng” là bao nhiêu. Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc đơn vị nào được chỉ định thầu mua và xây trụ sở cho các bộ.

Theo GS Đặng Hùng Võ, từ trước tới nay, các hợp đồng giao dịch bất động sản thường không ghi giá thực nhằm trốn thuế khiến việc định được giá trị thực của lô đất không hề đơn giản. Tuy nhiên, nếu bán trụ sở theo cách chỉ định thì cần căn cứ vào giá của những thửa đất đã tiến hành đấu giá trước đó hoặc điều tra giá trị thực của những giao dịch trên cùng địa bàn.

Theo khung giá đất hiện hành do UBND TP Hà Nội ban hành, khu đất trụ sở Bộ GTVT ở 80 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) chỉ có giá khoảng 29 triệu đồng/m2. Như thế, lô đất rộng khoảng 8.000 m2 này chỉ ước chừng 232 tỉ đồng. Theo tính toán của ông Đặng Hùng Võ, đất mặt đường Trần Hưng Đạo hiện có giá khoảng 700 triệu đồng/m2 và nếu đấu giá toàn lô đất sẽ thu được khoảng 5.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều sàn bất động sản tại Hà Nội cho rằng giá trị của lô đất chỉ dao động khoảng 200 - 400 triệu đồng/m2, tương ứng 1.600 - 3.200 tỉ đồng. Theo ước tính của Bộ GTVT, việc xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan này sẽ cần tới 12.174 tỉ đồng cho đến năm 2030 (riêng từ năm 2012-2015 cần 7.950 tỉ đồng). Trong đó, đầu tư trụ sở văn phòng bộ là 1.000 tỉ đồng và các tổng cục, cục là 4.800 tỉ đồng. Như thế, dù bán được trụ sở cũ với giá cao như tính toán của ông Đặng Hùng Võ thì ngân sách Nhà nước vẫn phải rót thêm vài ngàn tỉ đồng nữa. Còn nếu xây riêng trụ sở văn phòng của Bộ GTVT thì ngân sách được lợi vài ngàn tỉ đồng.

Dễ tạo cơ hội tham nhũng

PGS-TS Phạm Sĩ Liêm cho biết trong nhiều sách về kinh tế, xây dựng không thấy chỗ nào nhắc tới khái niệm thực hiện dự án theo hình thức BT. “Đây là hình thức dễ tạo ra cơ hội tham nhũng, không minh bạch, gây thiệt hại cho Nhà nước nhưng không hiểu sao gần đây rất nhiều dự án của chúng ta lại thực hiện theo hình thức này?” - ông Liêm thắc mắc.



DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động