“DN hay chính quyền, ai sai phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, còn phải bồi thường cho người dân”...
Nói không biết thì khó ai tin
Thông tin từ Sở TN&MT Hà Nội vừa công bố, trong 41 khu "đất vàng" trụ sở của các cơ sở sản xuất trên địa bàn nội đô, sau di dời thì có tới 24 vị trí được chuyển sang làm nhà ở, văn phòng. Sở TNMT Hà Nội cũng cho biết các chủ cơ sở này tự định giá, chuyển đổi mục đích cho nhau để thu lợi.
Ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp Hội nhà thầu- cho biết, vừa qua Thủ tướng đã có quyết định việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, diện tích đất sau di dời sẽ được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Ảnh minh họa
|
Vì vậy, ông Cận nói: Về nguyên tắc, thành phố phải biết, phải nắm được và phải làm theo chủ trương trên.
Thứ hai, đất sau khi di dời được sử dụng thế nào, xây dựng gì thành phố phải biết và phải nắm được phương án cụ thể.
Thứ ba, trong trường hợp chưa quy hoạch, chưa có phương án thành phố phải đưa ra tổ chức đấu thầu công khai. Đấu thầu cả về phương án xây dựng và cơ cấu giá. Có như vậy mới công bằng, minh bạch và đảm bảo lợi ích tốt nhất cho thành phố.
Tuy nhiên, Sở TNMT nói rằng, trong 41 cơ sở sản xuất sau di dời thì có tới 24 vị trí được chuyển sang làm nhà ở, văn phòng và chiếm hầu hết diện tích sau di dời. Các vị trí còn lại một phần được chuyển sang xây trường học nhưng đều có diện tích nhỏ, chỉ đủ xây dựng trường mầm non.
Hơn nữa, các chủ cơ sở di dời chủ yếu là tự chuyển mục đích sử dụng đất khi thị trường bất động sản nóng lên, tìm được đối tác chuyển đổi, thu lợi là rất vô lý. Vì chủ trương di dời là của thành phố; phương án quy hoạch trên diện tích đó cũng phải do thành phố quyết định. Nói rằng sở không biết gì thì rất khó tin.
"Thành phố đã quá tải, đất hẹp người đông nếu tiếp tục cho phép xây nhà cao tầng không khác nào đang đi ngược với chủ trương giãn dân, giảm tải mật độ dân số trong khu vực nội đô.
Bán đất sẽ có tiền, xét trên khía cạnh nào đó thì có đem lại lợi ích cho thành phố nhưng lại không đem lại lợi ích cho xã hội và người dân. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào mục đích này không khác nào thành phố nói một đằng lại làm một nẻo. Đi ngược với lợi ích của dân, đi ngược với chủ trương của thành phố", ông Cận nhận định.
Tổng thư ký Hiệp hội nhà thầu cho biết, về nguyên tắc khi duyệt dự án xây dựng, các sở ngành phải dựa trên quy hoạch chung để quản lý. Ví dụ, quy hoạch một khu đô thị thì yêu cầu phải đảm bảo cơ sở hạ tầng thế nào, trường học, bệnh viện ra sao… nhưng hiện nay đến cả lãnh đạo thành phố cũng từng thừa nhận không nắm được có bao nhiêu chung cư, đô thị có trường học. Ông Cận nói thẳng đây là câu trả lời rất thiếu trách nhiệm.
Thực tế, việc xử lý dự án sai quy hoạch rất đơn giản, buộc phải thực hiện theo quy hoạch. Nếu sai, yêu cầu phá bỏ, dừng dự án hoặc rút giấy phép. Ông Cận tin rằng nếu làm được như vậy sẽ không có DN nào phá vỡ quy hoạch nữa.
"Để DN phá vỡ quy hoạch, tự nhân số tầng là thành phố sai. Thành phố Hà Nội phải chịu trách nhiệm", ông Cận thẳng thẳn.
Vị chuyên gia đặt câu hỏi, vấn đề ở đây là Hà Nội có muốn làm hay không và làm thế nào? Nhưng cũng tự trả lời cho câu hỏi của mình, ông cho biết làm được nhưng nhiều người không thích. Bởi điều này sẽ có lợi cho xã hội, cho người dân nhưng không có lợi cho một nhóm người.
Làm sai phải bồi thường
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng nói thêm, việc thiếu các công trình xã hội tại các dự án là do của chủ đầu tư “bỏ quên” để xây nhà, chung cư vì chạy theo lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát của các sở, ngành chức năng chưa thật chặt chẽ. Khi phát hiện chưa có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm những chủ đầu tư không thực hiện, hoặc chậm thực hiện công trình hạ tầng xã hội, khu tái định cư theo quy hoạch.
Ông Liêm nêu quan điểm, nguyên tắc bắt buộc khi lập quy hoạch dự án khu đô thị mới là phải tính toán đến hạ tầng như công viên, trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị... Vì hạ tầng xã hội không chỉ phục vụ cho cư dân sống tại khu đô thị này mà còn cư dân sống xung quanh nữa. Nhưng trên thực tế, chủ đầu tư, không hiểu cố tình hay vô tình “bỏ quên” .
Ông Liêm nói, có một số trường hợp DN lấy lý do bán trụ sở cũ, lấy vốn đầu tư mở rộng sản xuất ở nơi khác. Đây là lý lẽ một số DN vẫn sử dụng để đạt được mục đích. Tất nhiên, đó là lý thuyết, còn thực tế có những vấn đề khác không? Số tiền chuyển đổi là bao nhiêu, di dời cần bao nhiêu? Số tiền còn lại bao nhiêu, vào túi ai…? Tất cả đều không minh bạch.
“Tôi nghi ngờ có chuyện nhận phong bì, gật đầu bừa. Quy hoạch không hỏi ý kiến dân. Ở đây ngoài việc DN lạm quyền, còn phải nhìn nhận trách nhiệm của cả chính quyền”, ông gay gắt.
TS. Phạm Sỹ Liêm cho biết thêm, tình trạng đua nhau xây cao ốc này còn có một phần do quy hoạch chưa tốt hay nói đúng hơn là không có quy hoạch cụ thể.
Quy hoạch của thành phố gồm 3 phần. Khu vực cấm xây dựng hoặc hạn chế xây dựng, bao gồm các khu di tích lịch sử; các trung tâm, hội nghị quốc gia; bảo tàng, nhà lưu niệm; khu vực an ninh quốc phòng…
Thứ hai, khu đô thị hiện có. Khu vực này phải có quy hoạch, cải tạo.
Thứ ba là khu đô thị mới. Đây là quy hoạch trên đất mới, chưa có xây dựng. Ở đây phải có quy hoạch đô thị mới.
Trong đó, quy hoạch cải tạo đô thị vô cùng phức tại lại chưa có quy hoạch cụ thể, xuề xòa. Ở các nước trên thế giới, vấn đề quy hoạch cải tạo đô thị rất được xem trọng. Có nước còn ra luật riêng rất nghiêm ngặt trong khi đó ở Việt Nam lại chưa được quan tâm đúng mức.
Ví dụ, quy hoạch nhiều tuyến phố, hay con đường ở Hà Nội hiện nay phải đặt trong quy hoạch tổng thể chung. Tuy nhiên, quy hoạch chung không có do đó, cứ xây đường tới đâu mới lo giải phóng mặt bằng tới đó. Khi xây xong được đường thì lại đi lo xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo… Quy hoạch đi sau những yếu tố khác dẫn tới bộ mặt đô thị lộn xộn, chắp vá, chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết cũng không xử lý được. Đây chính là sai lầm của quy hoạch.
Ông Liêm cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy một vị đại diện lãnh đạo Hà Nội trả lời chất vấn ĐB HĐND T.P về quy hoạch, cấp phép xây dựng chung cư, nhà cao tầng. Vị này nói rằng, không nắm được có bao nhiêu khu đô thị đã có trường học.
"Câu trả lời thật hài hước, khó chấp nhận. Có lẽ chỉ một mình vị lãnh đạo này không biết nhưng không phải tất cả lãnh đạo Hà Nội đều không biết" - ông Liêm gay gắt.
Vị chuyên gia đặt câu hỏi, vấn đề ông và dư luận quan tâm là chưa biết thì chưa kiểm tra, vậy khi biết rồi thì sẽ ứng xử thế nào? Có xử lý không? Tại sao quy hoạch cho xây 5 tầng, giờ xây 10 tầng vẫn được cấp phép? Vị chuyên gia yêu cầu lãnh đạo thành phố phải trả lời trước công luận.
“DN làm sai DN phải chịu trách nhiệm. Chính quyền làm sai, chính quyền cũng phải chịu trách nhiệm trước người dân. Thậm chí, còn phải bồi thường cho người dân vì những ảnh hưởng, thiệt hại người dân phải gánh chịu”, ông Liêm yêu cầu.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt