Đất vàng bị thâu tóm, hàng trăm tỷ đồng rơi vào túi ai?

Cập nhật 10/06/2018 10:15

Theo một số chuyên gia kinh tế, quản lý đất đai lỏng lẻo dẫn đến hàng loạt đất vàng rơi vào tay doanh nghiệp sân sau cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia thẳng thắn cho rằng, cổ phần hóa vừa qua vẫn chỉ mang nặng hình thức và bộc lộ nhiều hạn chế, lỗ hỏng gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.

Đáng nói, dưới “vỏ bọc” cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã hình thành nhóm lợi ích, biến tài sản công thành tài sản tư, nhằm chiếm đất có vị trí đắc địa, vị trí vàng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư – Tiến sĩ Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng: “Vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vừa qua có rất nhiều vấn đề phải bàn.

Điều gây bức xúc nhất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đâu đó vẫn còn những tài sản công, đất công, những khoản tiền lớn của ngân sách Nhà nước bị thất thoát nhiều tỷ đồng là vô cùng đau xót.

Rõ ràng vừa qua chúng ta đang chạy theo cổ phần hóa hoặc chạy theo doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa như chạy theo thành tích, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vừa qua có lộ trình, chỉ tiêu đặt ra từng năm khá rõ ràng, nhưng việc thanh tra, giám sát còn yếu dẫn dến thất thoát tài sản, vốn nhà nước.

Việc cổ phần hóa thế nào để đảm bảo thu hồi vốn của Nhà nước hiệu quả nhất, chứ không phải chỉ là những con số”.


Cổ phần hóa tại Tổng công ty Vận tải thủy - Bộ Giao thông Vận tải vừa qua được cho là thiếu khách quan, minh bạch, có dấu hiệu móc ngoặc tham nhũng...Ảnh. Vivaso

Giáo sư Đặng Đình Đào nhấn mạnh: “Phân tích ra có nhiều nguyên nhân, nhưng việc công khai, minh bạch việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vừa qua khá mù mờ.

Có một thực tế xảy ra lâu nay là Nhà nước bán cái gì thì bán rất rẻ, nhưng mua gì thì giá rất cao. Trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng vậy, như một số đại biểu Quốc hội vừa qua đã nêu về trình trạng hạ thấp giá trị doanh nghiệp để chiếm dụng vốn, trục lợi.

Như vậy, Nhà nước thiệt đơn, thiệt kép, làm sao không thất thoát tài sản, vốn Nhà nước.

Qua chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam vừa qua thì thấy hãng phim này được định giá 0 đồng.

Cổ phần lần đầu ra công chúng, giá trị của Hãng Phim truyện Việt Nam được xác định ở mức 50 tỷ đồng.

Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) chỉ bỏ ra hơn 33 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần, nhưng lại nắm giữ hàng nghìn mét vuông đất vàng, đất nằm ở vị trí vô cùng đắc địa ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà hãng phim đang thuê lại của Nhà nước.

Giá trị doanh nghiệp của Hãng phim khi cổ phần hóa được định giá rất thấp, điều đó có nghĩa Nhà nước chỉ thu về số tiền thấp so với giá trị thực”.


Giáo sư Đặng Đình Đào cho rằng, cổ phần hóa mà đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích quốc gia thì khó thành công. Ảnh: Tiền phong

Theo Giáo sư Đặng Đình Đào, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cổ phần hóa thời gian qua chưa hiệu quả là tính công khai, minh bạc và ở khâu định giá.

“Chấp nhận mất chi phí cao hơn để thuê đơn vị định giá độc lập nước ngoài trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Như thế mới đảm bảo khách quan. Sau cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ đạt hiệu quả hơn.

Thực tế mà nói, một số tổ chức định giá trong nước không khách quan và không tin tưởng được, họ định giá một cách tùy tiện, định giá theo đặt hàng. Ví dụ anh là giám đốc doanh nghiệp anh thuê định giá vào định giá thì anh bảo định giá bao nhiêu cũng được”, Giáo sư Đào nói.

Việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vừa qua chưa hiệu quả, bộc lộ những lỗ hỏng, kẽ hở khiến Nhà nước thiệt hại nặng. Đáng nói, có sự móc ngoặc, cấu kết nhằm chiếm đất vàng của nhà nước.

Về việc này, Giáo sư Đào nhấn mạnh: “Rõ ràng qua câu chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cho thấy một số người có chức có quyền, không ít lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước đã không đặt lợi ích Quốc gia lên trên hết mà đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên.

Chính vì cổ phần hóa một cách nhập nhèm, định giá thấp, tất yếu người nhà, người thân vào mua hết cổ phần. Sau cổ phần hóa gia đình nhà lãnh đạo doanh nghiệp giàu lên”.

“Cần phải chấm dứt ngay tư duy chộp giật, cơ hội, nhập nhèm khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để trục lợi, biến tài sản công thành tư, thành doanh nghiệp của bà con thân hữu, anh em họ hàng”, Giáo sư Đào nói.
 
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng: “Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua có rất nhiều hạn chế, lỗ hỏng, kẽ hở gây thất thoát lớn tài sản, vốn Nhà nước.

Trong đó, đất vàng, đất ở những vị trí đắc địa có doanh nghiệp khi cổ phần hóa không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường.

Hơn nữa, cổ phần hóa không xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp. Thực tế, nhiều doanh nghiệp có diện tích lớn và vị trí đắc địa, lại không tính vào giá trị doanh nghiệp và giá trị lợi thế vào giá khởi điểm.

Điều đó sẽ gây thất thoát lớn cho ngân sách. Như việc cổ phần hóa Hãng phim truyệt Việt Nam thấy rõ, đứng sau vỏ bọc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là mục đích sở hữu, trục lợi từ đất vàng của hãng phim này.

Tiến sĩ Bùi Trinh cũng chỉ rõ: “Mục đích chính của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa là liên kết, bắt tay với các đối tác bên ngoài để thực hiện những dự án bất động sản để xây trung tâm thương mại, cao ốc, chưng cư để bán, còn quyền lợi người lao động bị đánh bật.

Như vậy, rõ ràng có việc quản lý đất công lỏng lẻo dẫn đến việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước bị lợi dụng để doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp “thân hữu” làm giàu”.

DiaOcOnline.vn - Theo Giáo dục VN