Thị trường nhà đất cả nước đang lên cơn sốt, tại Đà Nẵng cũng thế. Anh bạn học cũ của tôi cũng đang... sốt khi tìm mua đất làm nhà cho cậu con sắp cưới vợ ra ở riêng.
“Nước chưa sôi, mắc chi rút củi”
Có trong tay ngót nghét 200 triệu đồng, anh bạn mất cả mấy ngày ngồi bàn với vợ để tìm xem địa bàn thích hợp với túi tiền trong lúc giá đất mấy tháng gần đây nhảy như ngựa phi, tăng lên gấp hai, ba lần. Các khu dân cư mới ở các phường Khuê Trung, Hòa Cường gần các trường đại học Kiến trúc, Ngoại ngữ, Cao đẳng Đông Á, trường chuyên Nguyễn Khuyến mới xây dựng, giá từ 300 - 400 triệu đồng mỗi lô trên các loại đường 5,5 - 7,5m giữa năm ngoái, đầu năm nay đã nhảy lên 700 - 800 triệu đồng, rồi một tỉ đồng. Vợ anh lại phân tích: Chuẩn bị khởi công cầu Rồng qua sông Hàn sẽ có thêm hàng trăm hộ muốn mua đất tái định cư ở các quận trung tâm như Hải Châu, Cẩm Lệ...
Khu dân cư mới trên đường số 7
(Đà Nẵng) hiện đã có giá trên 1 tỉ
đồng/lô (diện tích 100 m2). Ảnh: T.Đ.T
Vợ chồng anh bạn đúng là những người giỏi phân tích thị trường nhưng lại “dở” làm ăn nên ôm mãi 200 triệu trong sổ tiết kiệm mà không biết làm chi. Có người khuyên, lấy tiền đó cộng với cái sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng, mua đi bán lại vài lô đất thì cũng lãi ra một lô dành cho con trai lấy vợ. Nhiều người đã làm vậy. Nhưng vợ chồng bạn tôi đâu có gan nên đành “trâu chậm uống nước đục”, cho đến khi thằng con trai gần ba chục tuổi la toáng lên chuyện lập gia đình...
Bạn tôi bảo vợ phải liệu cơm gắp mắm. Tiền ít thì qua các xã, phường mới nằm ở ngoại thành như Hòa Xuân, Hòa Quý mua đất thổ cư giá mềm. Nay mai đường sá Đà Nẵng mở ra như bàn cờ, đâu có xa xăm gì! Nghĩ vậy, anh quyết tâm đi tìm. Tại xã Hòa Quý gần Ngũ Hành Sơn, không tìm đâu ra đất vừa túi tiền vì các khu quy hoạch làng đại học, đại học công nghệ cao FPT, các khu dân cư Phú Mỹ An cũng đang xây dựng, quỹ đất cho tái định cư đang căng thẳng. Có nhà không vướng quy hoạch thì hét giá trên trời. Bạn tôi thui thủi ra về.
Trên đường, anh chạy vòng xe máy lên cầu Cẩm Lệ để sang phường Hòa Xuân. Nghe đâu hai chiếc cầu Đò Xu và Nguyễn Tri Phương sẽ bắc qua Trung Lương, Cồn Dầu thuộc phường này trong năm nay. Hỏi thăm mãi, anh được giới thiệu đến một lô đất khoảng 100 m2, có một căn nhà cấp 4 bị sạt hẳn mái tôn từ trận bão năm kia đang muốn bán. Anh lại phải quay về nội thị để tìm gặp chủ căn nhà. Tìm đến nơi mới biết không phải một mà đến 3 chủ.
Họ là 3 anh em lái taxi cùng vay tiền tín chấp mua miếng đất ấy hai năm nay và cất căn nhà tạm để... chờ giải tỏa. Chị vợ của một anh chủ nhà thiệt thà nói: “Ba ông ấy góp mỗi người 15 triệu, vị chi là 45 triệu đồng ra mua đất rồi làm nhà để đó. Vừa rồi nghe báo đăng có mấy công ty sẽ xây dựng khu du lịch, đô thị sinh thái chi đó ở Hòa Xuân, có người đã đến trả 200 triệu nhưng họ không bán vì nói giá đó nhằm nhò chi! Sẽ còn lên nữa, tui cũng nghĩ vậy!”.
Anh kể lể hoàn cảnh và nài nỉ vợ người lái taxi khuyên chồng bán cho mình lô đất ấy. Nhưng chị một mực từ chối và bảo: “Nước gần sôi rồi mắc mớ chi rút củi ra. Bộ điên hả?”.
Tăng huyết áp vì giá nhà đất Trên đường Nguyễn Tri Phương, quận Hải Châu, có anh thương binh nọ làm nhà mặt tiền chỉ rộng hơn 30 m2. Khi xin được miếng đất giá rẻ cấp cho gia đình chính sách, anh bán căn nhà được 700 triệu đồng và dọn đi ngay đến ở tạm nhà con gái để chờ làm nhà mới.
Một tuần sau, người mua mời anh đến ký giấy tờ nhưng lại sang tên cho một người khác, mới biết căn nhà đã được sang tay với giá 1,2 tỉ đồng. Anh toát mồ hôi hột vì mất đến nửa tỉ bạc và không chịu ký. Cuối cùng để lấy được chữ ký của anh, các bên liên quan đã tặng cho anh 2 tấn sắt gọi là... lưu phước cùng căn nhà anh sắp xây!
Cách đó không xa, trên đường Nguyễn Hữu Thọ, có một vợ chồng công chức mấy năm trước cho con đi du học tự túc bên Úc nhờ một người quen bảo lãnh cho ăn ở. Cả năm nay người ấy không còn khả năng giúp đỡ, vợ chồng họ phải vay tiền đồng rồi đổi ra ngoại tệ gửi sang cho con. Cả gốc và lãi ngày một phình ra và khó có khả năng thanh toán, họ quyết định bán ngôi nhà rộng với giá 2,4 tỉ đồng (mà trước đó một năm, cũng chỉ ở giá một nửa).
Phần trả ngân hàng, phần gửi cho con và phần còn lại mua một căn nhà nhỏ hơn, lại còn ít tiền gửi tiết kiệm. Nào ngờ “tiền rơi như lá rơi”, chỉ trong vòng hai tháng, ngôi nhà đã sang tay đến bốn chủ và lên đến 4 tỉ đồng! Mỗi lần chuyển chủ là mỗi lần vợ chồng ông phải ký trực tiếp văn tự mua bán.
Ông kể chưa biết bao giờ mới dừng lại việc mua bán sang tay đó và cũng chẳng biết cái giá cuối cùng sẽ là bao nhiêu, vì thủ tục mua bán đều không đi công chứng! Nhưng có điều chắc chắn là “tôi lên tăng-xông liên tục vì già rồi mà vẫn còn dại, để mất cả tiền tỉ! Chẳng thà là chúng nó mua bán khuất mắt mình đi cho xong!”. Tham gia vào đường dây mua bán lòng vòng căn nhà ấy có vai trò của một ông “dịch vụ”. Ông này kể: “Để lấy được chữ ký của hai cụ ấy, mỗi người bán đã phải “an ủi” mất vài chục triệu đồng mỗi lượt!”
Cũng tình trạng “lên tăng-xông” vì giá nhà đất còn có một anh chàng trẻ tuổi gan dạ ở phường Hòa Cường. Có khoảnh vườn gần ngàn mét vuông bị giải tỏa và được cấp lại một lô chính trên đường 30-4 (rộng 4 làn xe) cùng hai lô phụ trên đường 10,5 mét. Anh quyết định bán lô đất trên đường lớn với giá 1,2 tỉ đồng từ hồi đầu năm ngoái.
Chi ra 800 triệu làm nhà lầu trên hai lô phụ và mua ngay một chiếc Zace 5 chỗ ngồi, chiều chiều lái chở vợ đi tập tennis. Vẻ mặt anh hơn hớn mỗi khi gặp bạn bè và luôn biểu lộ là nhờ chỉnh trang đô thị mà mình hạnh phúc đến vậy! Đùng một cái, vào hôm dự tiệc nhà mới lúc gần giáp tết, chị vợ đã lên tăng-xông phải đưa đi cấp cứu khi nghe giá lô đất bán đi bây giờ đã lên trên 4 tỉ đồng!
Anh bạn học cũ của tôi vỡ mộng sau mấy ngày đi tìm mua đất đã quay về nhà và đắp chăn nằm nghĩ ngợi miên man. Cái rét tháng giêng năm nay ở Đà Nẵng thật tệ. Nghe nói trâu bò các tỉnh phía Bắc đang chết rét hàng vạn con. Anh nghĩ có khi mình lại chết vì sốt cũng nên. Thằng con ra trường làm việc đã 5 năm nay, cũng chỉ lương ba cọc ba đồng. Hai vợ chồng chỉ lo nó ế vợ. Bây giờ nó xin cưới, lại phải lo nhà. Đúng là 200 triệu bây giờ chẳng là cái gì cả, dù mình đã tích góp đến cả đời. Anh không sao quên được câu nói của người vợ anh lái taxi: “Nước chưa sôi mắc chi rút củi”, rồi anh thở dài và rơm rớm nước mắt...
Theo Thanh Niên