So với một năm trước, giá thuê đất đã tăng 30%-50%. Giá thuê cao nhất là Khu chế xuất Tân Thuận, trên 100 USD/năm.
Trái ngược với không khí trầm lắng của thị trường căn hộ và chung cư cao cấp, thị trường bất động sản khu công nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng cao.
Khu công nghiệp quá tải
Theo ông David W.Neal - Giám đốc bộ phận Logistics và Công nghiệp của Công ty CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE) nắm được, cả nước hiện có 150 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động. Tuy vậy, các khu chế xuất mới mọc ra rất nhanh mà vẫn không giải quyết hết nhu cầu từ phía doanh nghiệp.
Minh chứng cho điều này là hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đang bị quá tải với hiệu suất sử dụng gần như 100%. Trong đó nhiều khu công nghiệp đang phát triển ở giai đoạn 3, 4. Ngoại trừ các khu công nghiệp, khu chế xuất mới thành lập hoặc đang mở rộng quy mô, còn lại đều có hệ số sử dụng đất 60%-100%.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, nhận định giá đất tại các khu công nghiệp tăng rõ ràng phù hợp với quy luật khi thời gian gần đây, nguồn vốn cùng với nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO.
Giám đốc một doanh nghiệp thuê đất tại khu công nghiệp nói, nếu so với thời điểm cách đây một năm thì giá thuê đất hiện tại tăng 30%-50%. Ông này cho biết do nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty ông phải thuê đất tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi). Nhưng khi tham khảo giá thuê thì giá thuê đất tại khu công nghiệp này nhích lên 10-15 USD/m2/năm so với trước.
Hiện tại, giá thuê đất cao nhất đang thuộc về Khu chế xuất Tân Thuận với giá thuê trên 100 USD/m2/năm. Sau đó, mới kể đến một vài khu công nghiệp Tân Bình, Linh Trung (Thủ Đức, TP.HCM), Việt Nam - Singapore (Bình Dương)... với giá thuê xấp xỉ 70-80 USD/m2/năm. Tuy nhiên, đến nay các khu công nghiệp này hầu như đã kín chỗ hoặc nếu có thì rất ít và chỉ có những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh mới có cơ hội thuê được.
Theo thông tin chúng tôi có được, trừ các khu công nghiệp đã kín chỗ thì những khu công nghiệp đang mở rộng diện tích như Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Tân Phú Trung, Tây Bắc Củ Chi... giá thuê đất sẽ tăng so với thời điểm hiện tại.
Vướng đền bù, giải tỏa
Theo ông Đặng Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp thương mại Củ Chi, đơn vị chủ đầu tư của Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, dù giá thuê có tăng nhưng các doanh nghiệp vẫn thích vào các khu công nghiệp hơn là mua hay thuê mặt bằng ở bên ngoài. Lý do là doanh nghiệp vào khu công nghiệp ngoài việc được ưu đãi về chính sách thuế còn ít bị tình trạng kiện tụng, tranh chấp với bên ngoài.
Ông Nguyễn Đắc Trung, chuyên viên nghiên cứu thị trường bất của CBRE, cho rằng xu hướng hiện tại các nhà đầu tư thường chọn các dự án xây dựng khu công nghiệp nằm xa TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An vì giá đất ở đây rẻ hơn. Tuy nhiên, đầu tư vào bất động sản công nghiệp thì mức độ thu hồi vốn không nhanh bằng đầu tư vào chung cư, căn hộ.
Ông Trung cho biết thêm hiện mô hình xây dựng khu công nghiệp truyền thống không còn hút các doanh nghiệp. Trước đây, khi thuê được đất, các chủ đầu tư thường xây dựng cơ sở hạ tầng rồi chia lô cho thuê. Việc còn lại như xây dựng nhà xưởng thì doanh nghiệp thuê đất phải làm. Nhưng giờ đây, theo mô hình đầu tư khu công nghiệp mới, chủ đầu tư thường xây cả hệ thống nhà xưởng, kho bãi để doanh nghiệp khi thuê xong là bắt tay vào sản xuất. Theo ông Trung, hiện nay thời gian thuê của doanh nghiệp vào khu công nghiệp rút ngắn hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, khó khăn của các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp là khâu đền bù, giải tỏa. Khác với dự án căn hộ, chung cư có diện tích nếu lớn thì vài chục ha thì đối với xây dựng khu công nghiệp thường có diện tích hàng trăm ha, thậm chí tới hàng ngàn ha. Khó khăn trong khâu đền bù, giải tỏa không chỉ ảnh tác động tới việc xây dựng khu công nghiệp mới mà còn ảnh hưởng tới việc mở rộng, nâng cấp khu công nghiệp cũ. Minh chứng cho điều này là trong thời gian, nhiều khu công nghiệp cũ tại TP.HCM, Bình Dương muốn mở rộng nhưng gặp nhiều khó khăn do giá đất đang lên một cách bất bình thường.
“Việc sốt thị trường nhà đất lẫn giá vật liệu xây dựng cũng góp phần làm giá thuê đất tại các khu công nghiệp tăng cao” - ông Đặng Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp thương mại Củ Chi, lý giải.
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch đô thị và phát triển hạ tầng:
Chính phủ rất quan tâm việc phát triển khu công nghiệp
Vấn đề phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Dự báo, thị trường này sẽ sôi động trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên coi bất động sản công nghiệp là giải pháp kinh doanh thay thế trong một thời gian ngắn. Bởi dù ở bất kỳ thị trường nào nhà đầu tư cũng cần có sự am hiểu. Nếu có ý định đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp thì nhà đầu tư nên coi đây là thị trường mang tính chiến lược, lâu dài.