Đất trên giấy ở Vân Canh "nóng"

Cập nhật 09/04/2008 15:00

Xã Vân Canh, Hoài Đức (Hà Tây) có hàng trăm ha đất nông nghiệp được chuyển đổi để xây dựng các khu đô thị. Đến nay mới chỉ có quyết định thu hồi, chưa giao đất đền bù, nhưng nhiều suất đất giãn dân đã được rao bán trên giấy từ lâu.

Đến Vân Canh những ngày này, thấy một không khí xây dựng hối hả. Con đường liên huyện, liên xã vốn đã nhỏ lại càng trở nên chật hẹp với những đống gạch đá ngổn ngang, công nông chạy rầm rập suốt ngày đêm. Vật liệu xây dựng đang tăng giá chóng mặt nhưng mọi người vẫn đua nhau xây dựng nhờ tiền đền bù và bán đất.

Trên địa bàn xã hiện có 3 dự án lớn, chiếm hàng trăm ha đất nông nghiệp. Mỗi sào đất nông nghiệp bị mất, bà con ở đây được đền bù 45,7 triệu đồng và 36 m2 đất dịch vụ. Mục đích của đất dịch vụ là để người dân chuyển đổi nghề nghiệp, kinh doanh sau khi không còn đất làm nông nghiệp. Nhưng nhiều gia đình đã "bán lúa non" số đất này. Tức là thay vì chờ nhận tiền và đất dịch vụ như quy định, người ta bán luôn suất đền bù để lấy tiền mặt.

Cùng với thông tin toàn bộ Hà Tây sẽ về thủ đô, giá đất ở đây đang tăng lên từng ngày. Trước Tết suất đền bù một sào đất bị thu hồi được bán lại với giá 80-100 triệu đồng. Nhưng ngay sau Tết giá đã lên gần gấp đôi, 150-170 triệu đồng. Hiện nay, cũng suất đó, nhiều người đã trả đến 250 triệu đồng mà không ai bán. Đất thổ cư cũng theo đà tăng vọt. Đất trong ngõ đã tăng gấp đôi, khoảng 6-8 triệu đồng một m2. Giá đất mặt đường to lên khoảng 15 triệu đồng một m2.

Bà Nga có 10 sào đất bị thu hồi, đã sang tên cho một cò đất địa phương 6 sào để lấy tiền chia cho 3 cô con gái. Bà chỉ giữ lại suất 4 sào để cho con trai sau này kinh doanh. Bán được giá 170 triệu đồng một sào, nhưng bà vẫn tiếc vì giá bây giờ đã lên đến 250 triệu đồng. "Giá đất ở đây tăng từng ngày, sau khi sáp nhập vào Hà Nội thì không biết còn tăng đến đâu nữa", bà Nga nói.

Ông Liêm, một môi giới nhà đất ở đây cho biết, mọi người đều nghĩ rằng khi nào chính thức về Hà Nội, đất ở đây sẽ còn lên gấp nhiều lần nữa. Từ khoảng một tháng nay, hầu như không có mấy người bán. Nhưng nếu chịu trả giá cao, thì vẫn có thể mua lại từ những người đầu cơ đất.

Nhiều cò đất địa phương sớm nắm bắt được cơ hội đã kịp gom lượng đất không nhỏ. Bà Nga cũng bán đất cho một ông cò như thế. Bà cho biết, ông này còn mua của nhiều hộ khác. Tổng số đất ông đang nắm đã lên đến khoảng 20 sào, tương đương 720 m2 đất dịch vụ. Nhưng theo bà Nga, ông cò này cũng đang muốn bán bớt, vì để có tiền mua đất ông ta phải vay tín dụng, mỗi tháng riêng tiền lãi cũng phải trả mấy chục triệu đồng.



Các trung tâm môi giới nhà đất đua nhau mọc lên.


Việc mua bán này cũng chứa không ít rủi ro. Ông Liêm thừa nhận, người ta vẫn bảo nhau rằng theo quy định thì mỗi sào đất bị thu hồi sẽ được đền bù 45,7 triệu đồng và một mảnh đất dịch vụ 36 m2. Nhưng cho đến nay, chưa hộ nào có được giấy tờ quy định điều này. Mỗi hộ có đất bị trưng dụng đều chỉ nhận được một quyết định thu hồi đất và việc mua bán vẫn dựa trên giấy tờ này. Khi nào được đất đền bù, thì căn cứ vào hợp đồng đó, người bán sẽ chuyển giao cho người mua. Những ông cò chuyên nghiệp ở đây đều cam kết "sẽ lo đủ loại giấy tờ cần thiết và không gặp rắc rối gì".

Chủ tịch xã Vân Canh, Trần Xuân Vượng, xác nhận có nghe nói đến việc mua bán trên. Sắp tới xã sẽ tiến hành thanh tra, nếu thực sự việc mua bán là trái phép thì sẽ có biện pháp xử lý. Nhưng theo ông, việc này rất khó vì người ta có thể có chống chế bằng các hình thức như cho tặng, thừa kế...



Những ngôi nhà ngói cũ kỹ này sẽ dần bị thay thế bởi những
ngôi nhà cao tầng đang đua nhau mọc lên. Liệu người dân
nơi đây có thực sự đổi đời.


Bỗng nhiên có số tiền lớn trong tay, người dân đổ vào xây dựng nhà cửa, mua sắm xe cộ. Những ngôi nhà cao tầng đua nhau mọc lên, xe máy đời mới lũ lượt rinh về. Nhưng một lão nông ở đây lại tỏ ra lo lắng: "Giờ có bao nhiêu tiền đổ vào sắm sửa, xây dựng. Mấy hôm nữa tiền hết, đất hết, chả nhẽ cạy gạch ra mà ăn à?"

Trước đây, người dân Vân Canh vẫn sống chủ yếu vào nghề trồng rau thơm. Nghề này đã nuôi sống hơn 7.000 người dân của xã. Nhưng kể từ khi 3 dự án lớn về xã, hàng trăm ha đất nông nghiệp đã nhường chỗ cho các khu đô thị nhà vườn. Bà Nga cho biết, hai con gái bà đã phải lên Hà Nội làm. Hiện, xã chỉ còn khoảng 30 ha đất trồng rau phân bố lẻ tẻ và sớm muộn cũng sẽ bị trưng dụng cho các dự án sắp triển khai.

Khi được hỏi về vấn đề hướng nghiệp cho bà con, vị chủ tịch xã lúng túng: "Theo quy hoạch thì sẽ chuyển sang làm dịch vụ còn cụ thể kinh doanh dịch vụ gì thì xã đang có chủ trương cho Đoàn thanh niên, hội phụ nữ đóng góp ý kiến". Nhưng ông cũng thừa nhận chủ yếu vẫn là mạnh ai người nấy lo. Chính ông, từ lãnh đạo một xã thuần nông, sắp tới phải quản lý một loạt các khu đô thị, sinh thái, công nghiệp, chắc chắn sẽ gặp không ít những khó khăn, bỡ ngỡ.

Theo Đô Thị