Từ bao đời nay đất đai đối với mỗi người, mỗi gia đình và mỗi tổ chức được xem là tài sản quý giá. Ở nông thôn thì lúa, hoa màu trên đất sẽ nuôi sống nông dân. Ở thành thị, giá trị của mảnh đất có thể giúp người ta giàu lên khi nó được giao dịch qua thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thời gian qua báo chí tốn không ít giấy mực để nói về tình trạng lãng phí đất công.
Một vấn đề đã trở thành nhức nhối và luôn luôn thời sự mỗi khi các cơ quan dân cử đi giám sát. Tại những đô thị lớn như TPHCM ai cũng biết “tấc đất tấc vàng”, nhưng ai cũng biết có cả 100 triệu m² đất đang bị bỏ hoang từ hàng chục năm qua. Đây là đất từ những kho bãi của các tổng công ty, tập đoàn được nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo chức năng.
Có một thực tế, sau ngày đất nước thống nhất, do những yêu cầu đặc biệt lúc đó, một số đơn vị được giao đất để sản xuất, kinh doanh phục vụ cộng đồng. Thế nhưng, khi đã thực hiện xong sứ mệnh lịch sử thì nhiều đơn vị lại muốn “ôm” luôn, xem đó là tài sản riêng. Và khi chính quyền địa phương thấy không sử dụng đúng công năng, yêu cầu họ trả lại để làm trường học, bệnh viện… thì họ “chạy” để chuyển đổi mục đích như liên doanh xây cao ốc, trung tâm thương mại…
Tất nhiên, những hình thức kinh doanh này đều không đúng với chức năng nhiệm vụ được giao.
Điển hình nhất là tại quận 8, có đến 158 kho bãi hầu hết sử dụng không đúng mục đích, trong khi đó chính quyền địa phương không tìm đâu ra quỹ đất để xóa gần 40.000 căn nhà trên kênh rạch, nhà lụp xụp. cCàng nghịch lý hơn khi hàng triệu cán bộ công chức, người có thu nhập thấp hiện không dám mơ một căn hộ để “an cư lạc nghiệp” thì hàng chục hécta đất tại khu vực Đài phát tín Phú Thọ (quận 10, Tân Bình) để đó… nuôi cỏ từ hơn 30 năm nay.
Chưa hết, hơn 20.000m² tại đường Hồ Học Lãm (hương lộ 5), phường 16, quận 8, do Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (PETEC) sử dụng đang bị chìm trong biển nước, đã bỏ hoang nhiều năm qua. Trong khi đó, ngay bên cạnh là công trình nhà tái định cư cho các hộ dân tại cảng sông Phú Định, lại phải lấy đất của dân.
Không ai phủ nhận thành quả của các đơn vị được giao nhiệm vụ trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Nhưng cũng không ai chấp nhận thái độ “cố đấm ăn xôi” muốn biến “của công” thành “của ông” của chính những đơn vị này.
Cái mà người ta khó hiểu nhất là tại sao từ bao năm qua đều giám sát, đều nêu ra cụ thể những địa chỉ đất công bị lãng phí và hàng loạt quy định, luật, điều chỉnh vấn đề này, nhưng tất cả: đâu vẫn vào đấy! Đành rằng, có vấn đề đôi khi phải mất nhiều thời gian để hài hòa những lợi ích theo kiểu: có trước, có sau.
Thế nhưng, nếu lấy cái lợi của dân, của cộng đồng làm “kim chỉ nam” để xử lý thì không phải mất nhiều thời gian như vậy. Trong khi, nhiều người dân vì cái lợi chung đã chấp nhận thiệt thòi, chịu giải tỏa, chịu sống tạm cư hết năm này qua năm khác, thì có không ít “ông lớn” được ví như “xương sống” của nền kinh tế lại bỏ đất hoang và đã thành những “thành trì” rất khó công phá.
Chưa bao giờ mà phải đặt tinh thần thượng tôn luật pháp, để khai thông những “vùng cấm” trong việc quản lý, sử dụng đất công lại nóng bỏng như hiện nay. Bởi đó không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn thái độ hành xử với cộng đồng, đừng để cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra” cứ lặp đi, lặp lại.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng