Đất ở nội thành: 72 m2 mới được tách thửa

Cập nhật 31/10/2008 01:00

Đất ở ngoại thành tối thiểu 160 m2, đất quy hoạch nông nghiệp: 2.000 m2 mới được tách thửa.

Đó là nội dung của dự thảo quy định hạn mức đất tối thiểu được tách thửa do UBND TP.HCM vừa gửi đến Thành ủy và UBMTTQ Việt Nam TP để lấy ý kiến.

Tách thửa đất ở: Phải đủ chuẩn xây nhà


Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết quy định hạn mức tối thiểu tách thửa nhằm hạn chế những trường hợp nhà siêu mỏng, “nhà hộp diêm” trong TP. Các hạn mức tách thửa được đưa ra phù hợp để xây dựng nhà theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng, tức sau khi tách thửa, người dân có đủ diện tích đất để xin phép xây dựng.

Những thửa đất sau khi được tách ra phải có chiều ngang tối thiểu là 4 m. Diện tích tối thiểu của những thửa đất sau khi được chia tách có ba mức khác nhau cho ba khu vực nội thành, vùng ven và ngoại thành (xem bảng).

Những khu đất nông nghiệp đã được quy hoạch chuyển sang mục đích phi nông nghiệp thì người dân không được tách thửa. Nếu sau ba năm, quy hoạch này chưa được thực hiện và cũng không được điều chỉnh thì người dân được phép tách thửa.

Thửa đất sau khi tách không được nhỏ hơn 1.000 m2. Theo ông Kiệt, những quy định này nhằm giữ nguyên trạng đất trong khu vực quy hoạch, đồng thời giảm thiệt hại của người dân nếu quy hoạch bị “treo”.

Chấm dứt cảnh “vừa từ chối vừa run”!


Lâu nay, nhiều quận, huyện lúng túng khi người dân xin tách thửa đất quá nhỏ. Chẳng hạn như nhiều trường hợp xin tách thửa đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh với diện tích từ vài chục đến 100 m2. Nếu giải quyết thì sẽ phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mà muốn từ chối tách thửa thì không có căn cứ.

Ông Lê Minh Huệ - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh băn khoăn: “Với diện tích trên, người dân chỉ có thể xin tách thửa rồi chuyển mục đích để xây nhà chứ không thể sản xuất nông nghiệp được. Nếu cho tách thửa rồi không cấp phép xây dựng (vì không đủ chuẩn) thì chỉ tạo môi trường cho người dân xây nhà trái phép!”.

Phòng Quản lý đô thị quận 12 vừa hướng dẫn một trường hợp muốn xin tách thửa mà thửa đất còn lại hình tam giác, chiều ngang tiếp giáp với mặt đường chỉ rộng 1 m.

Cán bộ phòng này trả lời miệng chỉ có thể tách thửa được khi người sử dụng đất bên cạnh cam kết mua phần đất còn lại để nhập thửa chứ không thể để tồn tại một thửa đất có hình dáng không giống ai như vậy được.

Huyện Nhà Bè ra công văn không cho tách thửa đất ở dưới 100 m2. Quận Thủ Đức thì dựa vào Luật Xây dựng không cho tách thửa đất có chiều ngang nhỏ hơn 4 m. Tại quận 5, mỗi khi có hồ sơ xin tách thửa đất quá nhỏ, quận phải ra sức thuyết phục người dân rằng theo quy chuẩn xây dựng, thửa đất quá nhỏ sẽ bị hạn chế về tầng cao, muốn bán cũng khó khăn.

Nếu sau khi được giải thích tận tình mà người dân vẫn quyết định tách thửa thì quận vẫn phải giải quyết. Bà Nguyễn Thị Phấn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 5 nói: “Cho tách thửa thì biết sẽ xuất hiện những căn nhà quá nhỏ, phá vỡ quy hoạch, làm xấu đô thị. Nếu không cho tách thửa thì không có cơ sở pháp lý, người dân khiếu nại, quận thua là cái chắc”.



Các hạn mức tách thửa nhằm mục đích sau khi tách thửa, người
dân có đủ diện tích đất để xin phép xây dựng. Ảnh minh họa: HTD.


Tránh những khu “ổ chuột” trong tương lai


Có ý kiến cho rằng nội dung dự thảo hạn chế quyền của người sử dụng đất. Giá đất ở những quận nội thành rất cao, gặp chuyện túng quẫn, đau ốm, người dân muốn bán hai, ba chục mét vuông nhà để xoay sở sẽ bị vướng.

“Những người có ít tiền, muốn ra các quận vùng ven mua đất xây nhà cũng phải mua diện tích lớn thì làm sao họ đủ tiền mua?” - đại diện UBMTTQ TP đã phản biện trong một buổi góp ý dự thảo gần đây tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ông Đặng Văn Thành - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thủ Đức cho rằng tiêu chuẩn hạn mức tách thửa như dự thảo là hợp lý. “Nếu những quận vùng ven mà cho tách thửa quá nhỏ thì sẽ hình thành những khu “ổ chuột” trong tương lai. Rồi chính nhà nước lại phải đi chỉnh trang đô thị...” - ông Thành nói.

“Nếu cứ chiều theo ý của người dân thì bộ mặt đô thị sẽ bị phá nát. Người dân sống trong đô thị phải chịu những ràng buộc nhất định để phát triển đô thị” - ông Đào Anh Kiệt khẳng định.




DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP