Sau khi có thông tin Hà Nội sẽ phát triển về phía Tây nên từ đầu tháng 12 - 2007 đến nay đất đai ở một số huyện của Hà Tây sát với Hà Nội đã tăng đột biến. Nhà, đất tại các khu đô thị mới như Văn Phú, Văn Khê... và nhất là An Khánh cũng nóng lên từng giờ. Một ngày đầu năm 2008, tôi theo những nhà đầu tư của Hà Nội vào An Khánh để mua nhà, đất...
Khu đô thị của người giàu
Đến Km9 + 400 đường cao tốc Láng - Hòa Lạc rất nhiều phương tiện xin đường rẽ trái vào một con đường đất nhỏ, đó là con đường vào thôn Phú Vinh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Tây. Xã An Khánh có 4 thôn là Phú Vinh, An Thọ,Vân Lũng và Yên Lũng, nhưng Phú Vinh lại nằm sát đường Láng - Hòa Lạc nhất và được coi là bộ mặt của xã.
Nếu như không có cơn sốt nhà, đất ở khu đô thị An Khánh, thì có lẽ rất ít khách mặn mà đi qua con đường đất nhỏ của thôn Phú Vinh, bởi đường rặt những “ổ voi” gập nghềnh, bụi cát bám chặt lấy người và xe. Những ngày này thời tiết quá hanh khô, nên bụi càng nhiều, trong khi từng đoàn xe ôtô của khách đến săn nhà, đất nối đuôi nhau đi trên con đường đó khiến bụi càng bay mù mịt. Đi sâu vào khoảng 100m, con đường có vẻ rộng hơn, hai bên đầy những tấm biển “Văn phòng nhà đất”, “Tư vấn nhà đất miễn phí”...
Hầu hết các văn phòng giới thiệu nhà đất ở đây đều cửa kính khung nhôm, bên trong la liệt những mô hình của dự án các khu đô thị mới ở Hà Tây và Hà Nội. Thời buổi công nghệ thông tin phát triển, văn phòng nhà đất nào cũng trang bị hệ thống máy vi tính khá hiện đại, từ thiết kế của những căn hộ riêng lẻ đến phối cảnh tổng thể của các dự án nằm trong khu đô thị An Khánh đều được truy cập vào máy vi tính để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Một khách hàng đi xe máy như tôi đề nghị được xem lô đất có diện tích 100m2 ở khu đô thị Nam An Khánh, cô nhân viên văn phòng không buồn ngước mặt lên nhìn khách mà buông luôn một câu: Lô bé nhất là 150m2, cao nhất là 500m2, tùy theo từng vị trí giá đất sẽ có giá từ 15 đến 17 triệu đồng/m2, chưa kể tiền xây dựng...
Nếu khách mua thực sự thì phải đặt cọc 100 triệu đồng cho văn phòng, đợi đến cuối tháng 1-2008 mới nhận được thông báo đến Ban quản lý dự án của khu đô thị để ký hợp đồng, nộp tiền, bởi lúc đó khu Nam An Khánh mới xong phần hạ tầng.
Phần lớn những khách hàng đi ôtô đều tìm mua những lô đất có diện tích từ 200m2 trở lên, không ít người đã đặt mua những lô biệt thự 500m2 sát mặt hồ. Ông Nguyễn Mạnh An, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết gia đình ông vừa bán căn nhà 50m2 đang ở tại mặt đường Hồ Tùng Mậu với giá 70 triệu đồng/m2, nhưng số tiền đó cũng chỉ đủ mua 1 lô đất có diện tích nhỏ nhất cộng với tiền xây dựng ở khu Nam An Khánh. Cứ tưởng giá đất ở đây sẽ phù hợp với người lao động, ai ngờ...
Giá đất ban đầu do Ban dự án khu đô thị Nam An Khánh bán ra là bao nhiêu đã gây tò mò cho nhiều khách hàng, có người nói giá đất ban đầu ở khu đô thị này khoảng 10 triệu đồng/m2, nhưng có người lại bảo chỉ 7 triệu đồng/m2... Nhiều lô đất trong khu đô thị Nam An Khánh được giới thiệu tại các văn phòng nhà đất thôn Phú Vinh đã mua bán trao tay qua rất nhiều người, giá đất bị đẩy giá lên khá cao.
Giá đất cao còn do các “cò” tự đẩy lên để hưởng “hoa hồng”, và giá đất đôi khi lên, hoặc xuống đến 1 triệu đồng/m2 cũng phụ thuộc cả vào lượng khách đến văn phòng đăng ký mua đông hay vắng...
Chỉ cần chữ ký của trưởng thôn
Ngỡ tôi là khách hàng mua đất, cô nhân viên văn phòng chỉ vào sơ đồ của xã An Khánh được phô tô bằng khổ A0 dán trên tường, xung quanh đầy những vết gạch ngang dọc, nhằng nhịt rồi nói: Chị có một tỷ đồng không, nếu có thì mua lấy mấy xuất đất giãn dân vậy...
Đọc được sự ngỡ ngàng trên khuôn mặt tôi, cô nhân viên giải thích: Các hộ có đất nông nghiệp đã bị thu hồi để xây dựng khu đô thị Nam An Khánh sẽ được cấp đất giãn dân, còn những vết gạch ngang dọc trên sơ đồ đó là các ô đất giãn dân.
Đất giãn dân sẽ có ô từ 50 cho đến dưới 100m2. Đất này sẽ không bán theo m2, mà bán theo xuất có giá từ 250 đến 400 triệu đồng/xuất, phụ thuộc vào diện tích đất hộ dân đó bị mất ít hay nhiều và đất giãn dân nằm trong thôn nào. Hiện đất giãn dân ở An Thọ là đắt hơn cả vì đường ra vào thuận lợi, lại sát khu đô thị Nam An Khánh nhất...
Thấy việc mua bán đất kiểu này cũng là lạ, tôi buộc miệng hỏi đất giãn dân này có giấy tờ gì không. Cô nhân viên mở ngăn kéo lôi ra một tập giấy và nói đây là giấy tờ để chứng minh việc bán xuất đất là hợp pháp.
Tôi liếc nhìn những dòng chữ nghệch ngoạc, đó là giấy của các hộ dân xin chứng nhận mình đã bị mất đất nông nghiệp cho dự án của đô thị An Khánh, trong đó có chữ ký của trưởng thôn, rất hiếm tờ giấy có dấu của HTX nông nghiệp. Giấy tờ cho những ô đất giãn dân thì như vậy, còn vị trí từng mảnh đất giãn dân của mỗi hộ nằm ở đâu không ai biết, bởi nó chưa được tổ chức bốc thăm.
Cô nhân viên rỉ tai tôi, chị cứ mua mấy xuất đi chỉ cần chứ ký của trưởng thôn là đủ, nếu mấy ngày nữa chị có bán lại cũng lãi dăm chục triệu đấy... Ngay cả những xuất đất giãn dân làng Lại Yên, thuộc khu đô thị Bắc An Khánh cũng được rao bán, mặc dù khu đô thị này chưa khởi động... vì vậy người mua phải tìm hiểu thận trọng.
Theo An Ninh Thủ Đô