Đất nông nghiệp không còn bao nhiêu!

Cập nhật 03/06/2010 10:40

Hàng trăm hecta đất nông nghiệp ở TPHCM đã “bốc hơi”, trong khi cơ quan chức năng vẫn báo cáo về sự tồn tại của nó

Ngày 2-6, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP về tình hình quy hoạch và sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn TP.


Đất nông nghiệp TPHCM đang phải nhường chỗ cho sự phát triển của các khu đô thị mới. Ảnh: Tấn Thạnh

“Biến dạng” hàng loạt

Đất nông nghiệp của TPHCM đang giảm dần do hằng năm có một số diện tích phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo thống kê của Sở TN-MT TP, chỉ trong 5 năm (2004- 2008), diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn TP giảm 2.200 ha, hiện còn khoảng 120.000 ha. Tuy nhiên, theo kế hoạch sử dụng đất năm 2008 trên địa bàn TP đã được Chính phủ phê duyệt, diện tích này phải giảm đến gần 10.000 ha.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP, cho biết đến cuối năm 2008, còn trên 7.500 ha đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích theo kế hoạch, nguyên nhân là do khủng hoảng kinh tế và thị trường bất động sản suy giảm làm chậm tiến độ triển khai các dự án lớn.

Nhiều đại biểu cho rằng số liệu thống kê do Sở TN-MT TP đưa ra chưa bao quát hết tình hình thực tế vì đất nông nghiệp trên địa bàn TP đang có sự “biến dạng” hàng loạt.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng dẫn chứng: Trong cuộc khảo sát gần đây của HĐND TP tại huyện Củ Chi, ở khu vực được báo cáo là có hàng chục hecta đất nông nghiệp nhưng thực tế chỉ có nhà tường san sát mà không thấy bóng dáng đất nông nghiệp đâu.

Hay như khu vực Tân Tạo (quận Bình Tân), chỉ trong một đêm là có vài chục căn nhà mọc lên và số liệu báo cáo còn hơn 1.000 ha đất nông nghiệp chỉ là... trên giấy, vì trên thực tế quận này chỉ còn vài trăm hecta đất nông nghiệp mà thôi!

Ngoài nguyên nhân chuyển đổi mục đích do quá trình đô thị hóa, nhiều diện tích đất nông nghiệp tại các vùng ven hiện nay bị “biến dạng” hoặc hoang hóa do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Tình hình đó làm ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp của TP và đời sống của hơn 1 triệu nông dân khu vực ngoại thành.

Quản lý kiểu “thầy bói mù”

Từ năm 2004-2008, diện tích đất kênh rạch ở TP đã giảm 527 ha. Theo nhiều đại biểu, con số này trên thực tế có thể lớn hơn nhiều.
Lấy thêm một ví dụ “nóng hổi” là việc đền bù giải phóng mặt bằng dự án cải tạo kênh Ba Bò (quận Thủ Đức), ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách, nhận xét: Trường hợp kênh Ba Bò, trên danh nghĩa là đất tập đoàn đăng ký nhưng khi tập đoàn tan rã, xã viên chia nhau bán buôn, chuyển đổi mục đích, đến khi bồi thường thì không còn là đất nông nghiệp nữa nên đẩy giá bồi thường từ hơn 1 triệu đồng/m2 lên 4 triệu đồng/m2.

“Quản lý giống như kiểu “thầy bói mù” khi việc sờ sờ trước mắt nhưng không thấy hoặc vờ như không thấy, không biết. TP nên nhìn nhận bất cập để chỉ ra giải pháp cụ thể” - ông Hùng đề nghị.

Dù diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn TP đang ngày càng thu hẹp nhưng mới đây TP lại tiếp tục kiến nghị Bộ TN-MT giảm 40.000 ha đất nông nghiệp thay vì 20.000 ha theo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của TP đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt. Nguyên nhân là để phục vụ cho các mục đích thương mại, dịch vụ, hạ tầng giao thông...

Tuy nhất trí với việc phải chấp nhận thực tế là tình trạng chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp đã diễn ra tràn lan nhưng đa số đại biểu cho rằng 40.000 ha là con số quá lớn. Vì thế, ở góc độ là cơ quan tham mưu cho TP, Sở TN-MT TP nên xem xét cân nhắc kỹ về vấn đề này.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động