Theo giới cò, hiện nhà đất huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) “mua đâu cũng trúng” bởi những viễn cảnh khá tốt về sự phát triển trên con đường tiến lên đô thị loại 2 vào năm 2010. Tuy nhiên, các chuyên gia địa ốc lại cho rằng nó chỉ thật sự hấp dẫn nếu khách hàng biết đầu tư đúng thời cơ, khu vực... nhất là giá cả mua vào phải hợp lý.
Đìu hiu “chợ” đất
Vừa qua phà Cát Lái, chạy dọc trục đường nối vào Liên Tỉnh lộ 25B, chúng tôi nhận thấy có hàng chục bảng quảng cáo đủ kích cỡ nhằm giới thiệu việc mua bán đất nền, thổ - vườn. Giá chào bán công khai và số điện thoại để liên lạc ngay với người môi giới. Anh bạn dân địa phương cùng đi chung chuyến xe nói chắc nịch: “Hiện chỉ có đất nền trong dự án ở Nhơn Trạch mới “sốt” giá, nguyên nhân là do mánh lới của mấy công ty môi giới và dân buôn đất, chứ đất ở ngoài thì tha hồ mua”.
Quả thật, nhìn cảnh đìu hiu tại các “chợ” giao dịch đất nền, chúng tôi nhớ lại thời hoàng kim ở đây vào những năm 2002 - 2004, lúc nào xe hơi, xe máy cũng đông nghìn nghịt. Lúc đó, chỉ cần khách du lịch đi ngang qua cũng dễ dàng bị cò đi xe máy chèo kéo vào xem đất cho bằng được. Theo ghi nhận của chúng tôi, đất ở đây được rao bán với mức giá phổ biến từ 50 triệu đồng đến 700 triệu đồng cho 1.000 m2 (từ 50.000 đồng/m2 đến 700.000 đồng/m2).
Tuy nhiên giá này còn phụ thuộc vào vị trí khu đất và mục đích sử dụng đất là làm ruộng hay đất ở... Thậm chí, có những vị trí giá đất được kéo xuống còn có 35 triệu đồng cho 1.000 m2 đất ruộng. Theo anh Hồng Duy, một chuyên gia địa ốc ở Nhơn Trạch, mức giá được rao bán này đã tồn tại từ năm 2004 đến nay.
Mở đường là lấy lại vốn (!)
Tuy tình hình hoạt động tại các “chợ” đất khá đìu hiu, thế nhưng khi quảng cáo với chúng tôi, các cò vẫn khẳng định giá đất “nóng” lắm và tăng từng ngày. Tại một quán phở trên tuyến đường nối từ phà Cát Lái vào Liên Tỉnh lộ 25B, chủ quán tên Bình kiêm môi giới nhà, đất dẫn chúng tôi đi xem một số nền đất cắm cọc bỏ hoang, cỏ mọc um tùm ngay sát tuyến đường và ra giá: “Nếu mặt tiền đường giá đất vườn phải từ 1,5 triệu đồng/m2 trở lên, còn ở sâu bên trong thì giảm hơn chút đỉnh, nhưng với điều kiện phải mua hơn 1.000 m2 trở lên”.
Theo anh Bình, nếu đầu năm 2007 mua đất thì nay lời từ 30% - 50%. Cụ thể, giá đất làm nhà ở đầu năm chỉ có từ 700.000 - 1,2 triệu đồng/m2. “Sắp tới, đường này mở mỗi bên 9 m, mua từ bây giờ đến khi họ mở đường là lấy lại vốn ngay, giá đất lúc đó phải tăng lên 3 - 4 triệu đồng/m2!?” - Bình nói chắc như bắp.
Qua ghi nhận tại các điểm môi giới nhà, đất thì giá đất từ đầu năm đến nay chỉ tăng mạnh ở các tuyến đường mới mở và dự phóng, nhất là đường nối từ phà Cát Lái vào Liên Tỉnh 25B, mức tăng thêm từ 30% đến 50%. Khu vực được xem tăng nóng nhất là xã Long Tân, Phước Thiền, nơi được quy hoạch là có dự án cầu đường Nhơn Trạch nối với quận 9. Hiện nay, đất vườn được bán theo kiểu 1 m ngang (chiều sâu từ 30 m - 70 m tùy khu vực) với giá từ 70 triệu đến 120 triệu đồng. Trong khi đó, trên bản đồ gần khu trung tâm huyện Nhơn Trạch hơn nhưng giá đất thổ – vườn của xã Phước An chỉ từ 120.000 đồng - 200.000 đồng/m2.
Mua hay không?
Theo các chuyên gia địa ốc, với giá đất như hiện nay nếu mua nhằm mục đích xây nhà vườn để ở thì phù hợp, còn nếu mua đầu tư để kinh doanh thì cần cẩn trọng. “Nếu mua một công đất (1.000 m2) vườn cộng với tiền xây dựng căn nhà nho nhỏ thì chỉ mất khoảng 400 triệu đồng là hợp lý. “Với số tiền này nếu ở TPHCM lùng khắp các quận, huyện cũng không thể có. Tuy nhiên, loại nhà này chỉ thích hợp cho những người đã có nhà ở tại TPHCM, nay muốn mua thêm để làm chỗ nghỉ dưỡng cuối tuần. Chứ còn ở Nhơn Trạch mà đi làm ở trung tâm TP thì căng lắm bởi phải mất cả giờ đồng hồ” - anh Việt Hoàng (nhà quận 10) bình luận.
Trường hợp mua nhà, đất trong các dự án nhà đất để ở, theo anh Hồng Duy, với mức giá đang được chủ dự án chào bán giá gốc từ 1,2 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng/m2 là hợp lý. Bởi hiện nay để làm hạ tầng hoàn chỉnh cho một dự án thì số tiền bỏ ra phải từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng/m2 (bao gồm san lấp mặt bằng, đường giao thông, cống, điện...).
Nếu mua đất để đón đầu dự án sân bay Long Thành, khách hàng sẽ phải chờ khoảng 10 năm, bởi chỉ riêng việc dự án xin ý kiến phê duyệt sẽ mất chừng 3 - 4 năm. Còn nếu mua đón đầu các dự án cầu đường thì cần cẩn thận về lộ giới bởi chủ trương của huyện là ngoài việc làm đường sẽ giải tỏa mở rộng thêm hai bên để tận dụng quỹ đất bán đấu giá xây hạ tầng.
Từ đầu năm đến nay, các tuyến đường mới và dự phóng, nhất là đường nối từ phà Cát Lái đến Liên Tỉnh lộ 25B, giá đất đã tăng từ 30% - 50%.
Không hề có “sốt” đất
Theo ông Võ Tấn Đức, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), trong thời gian qua không hề có “sốt” đất trên địa bàn. Tại một số khu vực, giá đất có tăng nhẹ là do cơ sở hạ tầng như đường, cầu, điện... được hoàn thiện. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư xây dựng khu dân cư đang trong giai đoạn triển khai, đó chính là những tác động kích thích đến tâm lý cho những khách hàng mua nhà, đất để đầu tư sinh lợi.
Theo Người Lao Động